1. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất mục tiêu và chuẩn chương trình giáo dục sau 2015 trong đó nêu ra các phẩm chất và năng lực chung [1, tr.21]. Các bộ môn dựa trên cơ sở đó để nghiên cứu đề xuất các năng lực chuyên biệt.
Đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Ở đây xin được trình bày ý kiến nhỏ, góp phần làm rõ hơn các năng lực chuyên biệt trong môn Ngữ văn theo định hướng đổi mới giáo dục hiện nay.
“Năng lực là một thuộc tính tâm lý phức hợp, là điểm hội tụ của nhiều yếu tố như tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm, sự sẵn sàng hành động và trách nhiệm đạo đức…”.
“Năng lực là những khả năng và kĩ xảo, học được hoặc sẵn có của cá thể nhằm giải quyết các tình huống xác định, cũng như sự sẵn sàng về động cơ, xã hội…và khả năng vận dụng các cách giải quyết vấn đề một cách có trách nhiệm và hiệu quả trong những tình huống linh hoạt..“ (Weinert, 2001) [2, tr.4].
b- Trong giáo dục học, để thuận lợi cho việc đánh giá năng lực người học, người ta quan tâm nhiều đến năng lực hành động và coi trọng hơn năng lựccuộc sống. “Năng lực là khả năng thực hiện có hiệu quả và có trách nhiệm các hành động, giải quyết các nhiệm vụ, vấn đề thuộc các lĩnh vực nghề nghiệp, xã hội hay cá nhân trong những tình huống khác nhau trên cơ sở hiểu biết, kĩ năng, kĩ xảo và kinh nghiệm cũng như sự sẵn sàng hành động” [2, tr.4].
Nhiều nhà giáo dục học cho rằng, cấu trúc năng lực gồm: năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp, năng lực xã hội, năng lực cá thể. Các thành phần năng lực “gặp nhau” tạo thành năng lực hành động [2, tr.5].
c- Trong giáo trình Phương pháp dạy học văn, cố GS Phan Trọng Luận đã rất quan tâm đến việc triển khai quan niệm về năng lực trong dạy học văn chương. Tác giả cho rằng: có 3 loại năng lực văn chương: năng lực sáng tạo, năng lực phê bình và năng lực tiếp nhận, trong đó năng lực tiếp nhận là năng lực cần hình thành cho HS [4, tr. 117].
Theo tác giả, những năng lực tiếp nhận bao gồm:
(1) Năng lực tri giác ngôn ngữ nghệ thuật.
(2) Năng lực tái hiện hình tượng.
(3) Năng lực liên tưởng trong tiếp nhận văn học.
(4) Năng lực cảm thụ cụ thể kết hợp khái quát hóa chi tiết nghệ thuật.
(5) Năng lực nhận biết loại thể để định hướng tiếp nhận.
(6) Năng lực cảm xúc thẩm mĩ.
(7) Năng lực tự nhận thức.
(8) Năng lực tự đánh giá.
(9) Năng lực sáng tạo ngôn từ (đối với HS năng khiếu) [Xem 4, tr.120- 153].
Từ đây, GS Phan Trọng Luận đề xuất 6 tiêu chí đánh giá HS (và cả người có năng khiếu văn học):
Tiêu chí I- Lòng say mê (đích thực) văn học.
Tiêu chí II- Tính nhạy cảm nhân ái và thẩm mĩ
Tiêu chí III- Khả năng quan sát nhạy bén, tinh tế cuộc sống con người và cảnh vật;
Tiêu chí IV- Khả năng liên tưởng, tưởng tượng nhạy bén và phong phú, nhất là tưởng tượng sáng tạo.
Tiêu chí V- Thói quen và khả năng tư duy hình tượng.
Tiêu chí VI- Khả năng sáng tạo (ít hay nhiều) về ngôn từ [Xem 4, tr.154].
Ý kiến của cố GS Phan Trọng Luận có thể nói là một trong những ý kiến sớm nhất ở nước ta bàn về năng lực văn chương cần được hình thành cho HS. Ý kiến đó đã xuất phát trên cơ sở khoa học, chủ yếu là Tâm lí học tiếp nhận văn học, do đó phù hợp với bản chất của hình tượng văn chương cũng như phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí HS. Tuy vậy, vẫn cần phải nghiên cứu thêm nữa, nhất là trên khía cạnh “hành động” của các năng lực ấy.
3. Dựa trên các năng lực cốt lõi đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất [Xem 1, tr. 21- 25], dựa trên quan niệm “năng lực phổ thông”, đồng thời phối hợp với thang nhận thức Bloom điều chỉnh [3, tr.99], chúng tôi xin đề xuất cách hiểu về các năng lực chuyên biệt cần được hình thành cho HS trong dạy học môn Ngữ văn ở trường phổ thông, gồm:
a- Đọc hiểu văn bản
Đọc hiểu văn bản chỉ hoạt động tiếp nhận văn bản của bạn đọc là học sinh, trong môi trường lớp học, có hướng dẫn và có đánh giá. Có thể mô tả yêu cầu cơ bản của đọc hiểu văn bản theo các cấp độ như sau:
Cấp độ
|
Mô tả vắn tắt
| |
1- Nhận biết
|
· Kể lại câu chuyện, nêu tên nhân vật, tóm tắt cốt truyện;
· Thuộc lòng bài/ đoạn thơ, nhớ chính xác từ ngữ,…
· Không nhầm lẫn tên tác giả, tên tác phẩm, dân tộc, quốc gia, thời đại,... (gắn với tác phẩm đó)
| |
2- Thông hiểu
|
· Xác định đặc điểm thể loại, hình thức bố cục, tình huống truyện, mô tả hoạt động, tính cách nhân vật; xác định tư tưởng, phong cách nhà văn (qua tác phẩm/ đoạn trích), giá trị (hay đặc điểm) nội dung, nghệ thuật tác phẩm…
· Xác định cảm xúc chủ đạo/ ý chính của đoạn, nội dung chính của bài thơ hoặc các bài kí; xác định đặc điểm nghệ thuật, đặc trưng loại thể, đặc điểm phong cách nhà văn,…
· Xác định hoàn cảnh, tính cách nhân vật và mâu thuẫn, xung đột trong kịch; Phát hiện ý nghĩa của xung đột.
| |
3- Vận dụng
|
Thấp
|
· Vận dụng kiến thức, kĩ năng để giải quyết các vấn đề bình thường trong phạm vi học tập, nhà trường và cuộc sống cá nhân..., với yêu cầu sáng tạo bình thường.
|
Cao
|
· Vận dụng kiến thức, kĩ năng để giải quyết các vấn đề tương đói khó trong phạm vi cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội với yêu cầu sáng tạo cao, có chủ kiến cá nhân
|
b- Tạo lập văn bản
Tạo lập văn bản tương ứng với các kĩ năng nói và viết hay kĩ năng Tập làm văn. Trong trường phổ thông hiện nay, có 6 kiểu văn bản được đưa ra làm nội dung rèn luyện cho HS, đó là: miêu tả, tự sự (kể chuyện, trần thuật, tường thuật), biểu cảm, thuyết minh, nghị luận và văn bản ứng dụng, trong đó văn bản ứng dụng (hay nhật dụng) không cùng loại với 5 kiểu văn bản trước, mà là sự tập hợp nhiều loại khác nhau (như: hành chính, thống kê, thương mại,..), có tính chất thực dụng, hàng ngày.
Trong chương trinh Ngữ văn hiện hành, các năng lực đọc hiểu và tạo lập văn bản tuy đã có phần tích hợp nhưng nhiều chỗ vẫn còn rời rạc. Nguyên nhân chủ yếu có lẽ do chương trình còn nặng về nội dung kiến thức. Mong muốn chương trình sắp tới sẽ phối hợp, gắn kết hơn nữa hai năng lực này trong một bài học.
c- Năng lực sử dụng tiếng Việt
Năng lực sử dụng tiếng Việt gắn liền với đọc hiểu và tạo lập văn bản, tuy nhiên vẫn có tiêu chí riêng để đánh giá.
Khác với yêu cầu đánh giá trước đây, đánh giá theo năng lực coi trọng việc vận dụng kiến thức, kĩ năng tiếng Việt để đọc hiểu văn bản và tạo lập văn bản.
- Trong đọc hiểu văn bản, năng lực sử dụng tiếng Việt thể hiện ở chỗ: hiểu chính xác nội dung từ, ngữ, đoạn văn, bài văn; xác định được giá trị, tác dụng của các yếu tố ngôn ngữ trong việc bộc lộ nội dung, đem đến cho người đọc cảm xúc thẩm mỹ.
- Trong tạo lập văn bản, năng lực sử dụng tiếng Việt thể hiện trong việc nói viết đúng câu, dùng từ đúng ý nghĩa và diễn đạt nội dung mạch lạc, hấp dẫn...
4. Kết luận: Bài viết này đã xác định các năng lực chuyên biệt cần được hình thành cho HS phổ thông môn Ngữ văn, bao gồm: đọc hiểu, tạo lập văn bản và sử dụng tiếng Việt. Các năng lực đó đã được xác định dựa trên yêu cầu “năng lực phổ thông”, xét dưới góc độ của lí thuyết tiếp nhận văn học và được cân nhắc dựa trên thang nhận thức Bloom điều chỉnh, đặc biệt là đã dựa trên đề xuất các năng lực cốt lõi mà các đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất.
Bàn về năng lực Ngữ văn của HS là một công việc phức tạp. Bài viết này là những ý kiến ban đầu, chắc còn nhiều thiếu sót khó tránh. Rất mong sự góp ý của các đồng nghiệp.
Hà Nội, tháng 4 năm 2015
PMD
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Tài liệu tập huấn Dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh môn Ngữ văn cấp THPT (Vụ Giáo dục Trung học- Lưu hành nội bộ), Hà Nội.
2. Bernd Meier, Nguyễn Văn Cường (2011), Cơ sở đổi mới phương pháp dạy học, Trường ĐHSP Hà Nội- Trường ĐH Potsdam.
3. Nguyễn Thúy Hồng (2007), Đổi mới đánh giá KQHT môn Ngữ văn của HS THCS và THPT. NXB. Giáo dục, Hà Nội, tr. 99.
4. Phan Trọng Luận (chủ biên)- Trương Dĩnh (2012), Phương pháp dạy học văn tập 1, NXB ĐHSP, Hà Nội.
5. Trần Thị Ngọc, “So sánh yêu cầu đọc hiểu của PISA và chương trìnhNgữ văn Trung học cơ sở của Việt Nam”, Tạp chí Giáo dục, số 318, kì 2 tháng 9 năm 2013.
TS. Phạm Minh Diệu
Bài đã đăng trên Tạp chí Giáo chức Việt Nam số 97 (5/2015), tr. 54-55.