MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Phân biệt câu ghép với câu đơn có trạng ngữ

        Tại sao câu Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng.” được coi là câu ghép còn câu Vì rét, những cây lan trong chậu sắt lại.” lại được coi là câu đơn có trạng ngữ chỉ nguyên nhân? Tôi đã giải thích rằng: Đối với câu Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng.” đây là câu ghép bởi vì nó có cặp từ chỉ quan hệ điều kiện - kết quả mà từ thì đã bị lược bỏ thay bằng dấu phẩy. Câu này có hai vế câu, vế thứ nhất có chủ ngữ bị lược bỏ Nếu tôi là chim, vế thứ hai có đủ chủ ngữ và vị ngữ. Còn đối với câu Vì rét, những cây lan trong chậu sắt lại.” chỉ được coi là câu đơn có thành phần trạng ngữ chỉ nguyên nhân bởi vì xét về cấu tạo thì cũng có thể coi câu này có cặp từ chỉ quan hệ nguyên nhân - kết quả mà từ nên đã bị thay bằng dấu phẩy như đối với câu thứ nhất. Tuy nhiên, trong câu này, bộ phận Vì rét không thể xem là là một vế câu có chủ ngữ bị lược bỏ như câu thứ nhất bởi vì rét ở đây là một hiện tượng thời tiết, đó là một danh từ chỉ khái niệm do đó bộ phận Vì rét chỉ được coi là bộ phận trạng ngữ chỉ nguyên nhân. Tôi cũng đã giải thích thêm: Câu Vì trời rét, những cây lan trong chậu sắt lại.” mặc dù về ý nghĩa hoàn toàn giống câu Vì rét, những cây lan trong chậu sắt lại.” nhưng lại được coi là câu ghép vì nó có đủ 2 vế câu.

        Từ tình huống trên, xin đưa ra một số vấn đề trong dạy học câu ghép như sau:

1. Về khái niệm câu ghép:
  Theo Sách giáo khoa Tiếng Việt 5 tập 2 trang 8 đã nêu: Câu ghép là câu do nhiều vế câu ghép lại. Mỗi vế câu ghép thường có cấu tạo giống một câu đơn (có đủ chủ ngữ và vị ngữ) thể hiện một ý có quan hệ chặt chẽ với ý của những vế câu khác.
        Ở đây cần lưu ý học sinh từ “thường” có nghĩa là thông thường thì các vế câu ghép có cấu tạo như một câu đơn, tuy nhiên có một số trường hợp (như tình huống đã nêu) vế của câu ghép có thể bị lược bỏ bộ phận chủ ngữ hoặc vị ngữ mà ta có thể khôi phục lại được (Vế câu Nếu là chim có thể khôi phục chủ ngữNếu tôi là chim).
2. Cách phân biệt câu ghép với các câu đơn có thành phần trạng ngữ:
          Để giúp học sinh phân biệt được đâu là câu đơn, đâu là câu ghép có thành phần trạng ngữ là một việc làm không dễ. Sau đây xin được đưa ra một số ví dụ cụ thể:
      Trong các câu sau, câu nào là câu ghép:
a. Nhờ bác lao công, sân trường luôn sạch sẽ.
b. Vì học giỏi, tôi đã được bố thưởng quà.
c. Nhờ học giỏi mà tôi được thưởng quà.
d. Nhờ đi học sớm mà tôi tránh được trận mưa rào.
e. Do không học bài, tôi đã bị điểm kém.
f. Tại tôi mà cả lớp đã bị mất điểm thi đua.
g. Vì nhà nghèo mà cậu ấy phải bỏ học.
h. Nhờ tập tành đều đặn nên Dế Mèn rất khoẻ.
i. Vì thành tích của lớp, các bạn ấy đã thi đấu hết mình.
j. Vì Dế Mèn tập tành đều đặn nên rất khoẻ.
k. Vì sự cổ vũ của lớp, các bạn ấy thi đấu rất nhiệt tình.
l. Tuy học giỏi nhưng Lan không hề kiêu căng.
m. Tuy Lan học giỏi nhưng ít khi đạt điểm cao.
n. Tuy rét nhưng các bạn ấy vẫn đi học đều.
o. Mặc dù nhà nghèo nhưng bạn ấy vẫn học giỏi.
p. Không chỉ học giỏi mà Lan còn hay giúp đỡ bạn bè.
q. Nếu học giỏi, tôi sẽ được bố thưởng quà.
r. Nếu mưa thì chúng tôi sẽ ở lại nhà.
s. Tôi về đến nhà thì trời đổ mưa rào.
t. Chúng tôi phấn đấu học giỏi để thầy cô vui lòng.
u. Thầy cô rất vui lòng khi chúng tôi phấn đấu học giỏi.
v. Chúng tôi phấn đấu học giỏi, thầy cô vui lòng.
w. Anh ấy đi học bằng chiếc xe máy màu đỏ.
x. Vừa đi làm mà anh ấy đã mua được xe máy.
y. Chưa sáng rõ, bà con đã ra đồng làm việc.
z. Mặt trời chưa lên, bà con đã ra đồng làm việc.
- Đối với câu a, “bác lao công” là cụm danh từ do đó câu này được coi là câu đơn có trạng ngữ chỉ nguyên nhân.
- Câu b là câu ghép vì “học giỏi” là tính từ. Có thể khôi phục được chủ ngữ trong vế thứ nhất: Vì tôi học giỏi, tôi đã được bố thưởng quà.
- Câu c là câu đơn có trạng ngữ chỉ nguyên nhân vì ở đây “học giỏi” bị chuyển thành danh từ chỉ việc học giỏi. Không thể viết: Nhờ tôi học giỏi mà tôi được thưởng quà.
- Câu d cũng là câu đơn có trạng ngữ chỉ nguyên nhân và “đi học sớm” cũng bị chuyển thành danh từ chỉ việc đi học sớm.
(Hai câu c, d, nếu thay từ “Nhờ” bằng từ “Vì” thì chúng lại trở thành những câu ghép vì “Nhờ” ở đây chỉ nguyên nhân tích cực, chỉ việc nhờ có một điều gì đó, có thể hiểu như một sự nhờ vả hay dựa vào, khác hẳn với “Vì”)
- Câu e cũng là câu ghép vì “học bài” là động từ. Có thể khôi phục được chủ ngữ trong vế thứ nhất: Do tôikhông học bài, tôi đã bị điểm kém.
- Câu f là câu đơn có trạng ngữ chỉ nguyên nhân vì “tôi” là danh từ.
- Câu g là câu ghép vì “nhà nghèo” được coi là một vế câu có chủ ngữ là “nhà”, hiểu đầy đủ là “nhà cậu ấy”. Vì nhà cậu ấy nghèo mà cậu ấy phải bỏ học.
- Câu h là câu ghép vì “tập tành đều đặn” là cụm động từ. Có thể khôi phục được chủ ngữ trong vế thứ nhất: Nhờ Dế Mèn tập tành đều đặn nên Dế Mèn rất khoẻ.
- Câu i là câu đơn có trạng ngữ chỉ mục đích vì “thành tích của cả lớp” là một cụm danh từ.
- Câu j là câu ghép vì “rất khoẻ” là tính từ. Có thể khôi phục được chủ ngữ trong vế thứ hai: Vì Dế Mèn tập tành đều đặn nên Dế Mèn rất khoẻ.
- Câu k là câu đơn có trạng ngữ chỉ nguyên nhân vì “sự cổ vũ của lớp” cũng là một cụm danh từ.
- Câu l là câu ghép vì “học giỏi” là tính từ. Có thể khôi phục được chủ ngữ trong vế thứ nhất: Tuy Lan học giỏi nhưng Lan không hề kiêu căng.
- Câu  m là câu ghép vì “ít khi đạt điểm cao” là tính từ. Có thể khôi phục được chủ ngữ trong vế thứ hai: Tuy Lan học giỏi nhưng Lan ít khi đạt điểm  cao.
- Câu n là câu ghép vì “rét” là tính từ. Có thể khôi phục được chủ ngữ trong vế thứ nhất: Tuy trời rét nhưng các bạn ấy vẫn đi học đều.
- Câu o là câu ghép vì “nhà nghèo” là cụm chủ vị. Có thể khôi phục được định ngữ trong vế thứ nhất: Mặc dù nhà bạn ấy nghèo nhưng bạn ấy vẫn học giỏi.
- Câu p là câu ghép vì “học giỏi” là tính từ. Có thể khôi phục được chủ ngữ trong vế thứ nhất: Không nhữngLan học giỏi mà Lan còn rất hay giúp đỡ bạn bè.
- Câu q là câu ghép vì “học giỏi” là tính từ. Có thể khôi phục được chủ ngữ trong vế thứ nhất: Nếu tôi học giỏi, tôi sẽ được bố thưởng quà.
- Câu r là câu ghép vì “mưa” là tính từ. Có thể khôi phục được chủ ngữ trong vế thứ nhất: Nếu trời mưa thì chúng tôi sẽ ở lại nhà.
- Câu s là câu ghép đẳng lập vì có đủ 2 vế câu.
- Câu t là câu đơn có trạng ngữ chỉ mục đích.
- Câu u là câu đơn có trạng ngữ chỉ thời gian.
- Câu v là câu ghép đẳng lập vì có đủ 2 vế câu.
- Câu w là câu đơn có trạng ngữ chỉ phương tiện.
- Câu x là câu ghép vì “vừa đi làm” là tính từ. Có thể khôi phục được chủ ngữ trong vế thứ nhất: Anh ấy vừa đi làm mà anh ấy đã mua được xe máy.
- Câu y là câu đơn có trạng ngữ chỉ thời gian vì “Chưa sáng rõ” là cụm danh từ chỉ thời gian.
- Câu z là câu ghép vì có đủ 2 vế câu.
        Như vậy để phân được sự khác nhau giữa câu đơn có thành phần trạng ngữ với câu ghép ta chỉ cần chú ý:
- Đối với các câu đơn có trạng ngữ chỉ nguyên nhân, khi bộ phận chỉ nguyên nhân có đủ thành phần chủ ngữ và vị ngữ thì câu đó trở thành câu ghép.
Ví dụ: Vì trời mưa, đường rất trơn.
- Đối với các câu đơn có trạng ngữ chỉ thời gian, khi bộ phận chỉ thời gian có đủ chủ ngữ và vị ngữ thì câu đó cũng trở thành câu ghép.
Ví dụ: Mặt trời chưa lên, bà con đã ra đồng làm việc.
- Đối với các câu đơn có trạng ngữ chỉ mục đích, do bộ phận chỉ mục đích thường là một cụm chủ vị nên nếu thay từ chỉ quan hệ “để, nhằm mục đích,...” bằng dấu phẩy thì ta sẽ được một câu ghép đẳng lập.
Ví dụ: Chúng tôi phấn đấu học giỏi, thầy cô vui lòng.
- Đối với các câu đơn có trạng ngữ chỉ địa điểm, phương tiện ít có sự nhầm lẫn với câu ghép.
- Đối với câu ghép có quan hệ giữa các vế câu là quan hệ tương phản, tăng tiến hay điều kiện, giả thiết - kết quả cũng ít khi nhầm lẫn với câu đơn.
- Cần chú ý phân biệt 4 câu:
+ Vì rét mà chúng tôi được nghỉ học.
+ Nếu rét thì chúng tôi được nghỉ học.
+ Mặc dù rét nhưng chúng tôi vẫn đi học.
+ Chẳng những rét mà trời còn mưa phùn.
- Trong 4 câu trên, chỉ có câu đầu tiên là câu đơn vì “rét” trong câu này được coi là danh từ, 3 câu còn lại đều là câu ghép vì “rét” trong 3 câu đó lại được coi là tính từ.
3. Một số cách chuyển đổi câu đơn thành câu ghép:
        Để chuyển một câu đơn thành câu ghép ta chuyển một bộ phận của câu đơn đó thành một vế câu tức là có đủ chủ ngữ và vị ngữ.
a. Chuyển câu đơn có trạng ngữ chỉ nguyên nhân thành câu ghép:
        Một số câu đơn có trạng ngữ chỉ nguyên nhân, nếu thêm bộ phận chủ ngữ hoặc vị ngữ vào trạng ngữ sẽ trở thành câu ghép.
Ví dụ 1: Từ câu đơn Nhờ bác lao công, sân trường luôn sạch sẽ. có thể chuyển thành câu ghép Nhờ bác lao công suốt ngày quét dọn mà sân trường luôn sạch sẽ.
Ví dụ 2: Từ câu đơn Vì mưa, đường làng lầy lội. có thể chuyển thành câu ghép Vì trời mưa mà đường làng lầy lội. hay Vì mưa dầm nhiều ngày mà đường làng lầy lội.
b. Chuyển câu đơn có trạng ngữ chỉ thời gian thành câu ghép:
         Một số câu đơn có trạng ngữ chỉ thời gian, nếu bỏ đi từ chỉ thời gian hoặc thêm vào cụm từ chỉ thời gian bộ phận chủ ngữ thì sẽ trở thành câu ghép.
Ví dụ 1: Từ câu đơn Khi tôi về đến nhà, trời đổ mưa rào. có thể chuyển thành câu ghép Tôi về đến nhà thì trời đổ mưa rào.
Ví dụ 2: Từ câu đơn Chưa sáng rõ, bà con đã ra đồng làm viêc. có thể chuyển thành câu ghép Trời chưa sáng rõ, bà con đã ra đồng làm việc.
Ví dụ 3: Từ câu đơn Đang nô đùa vui vẻ thì trống báo giờ học đã đến. có thể chuyển thành câu ghép Chúng tôi đang nô đùa vui vẻ thì trống báo giờ học đã đến.
c. Chuyển câu đơn có trạng ngữ chỉ nơi chốn thành câu ghép:
          Một số câu đơn có trạng ngữ chỉ nơi chốn, nếu bỏ đi từ chỉ nơi chốn thì sẽ trở thành câu ghép.
Ví dụ 1: Từ câu đơn Trong căn phòng rộng rãi, Lan say sưa học bài. có thể chuyển thành câu ghép Căn phòng rộng rãi, Lan say sưa học bài.
Ví dụ 2: Từ câu đơn Trên sân trường nhộn nhịp, học sinh nhảy dây, đá cầu. có thể chuyển thành câu ghépSân trường nhộn nhịp, học sinh nhảy dây, đá cầu.
d. Chuyển câu đơn có trạng ngữ chỉ mục đích thành câu ghép:
          Một số câu đơn có trạng ngữ chỉ mục đích, nếu thay quan hệ từ chỉ mục đích bằng dấu phẩy thì sẽ trở thành câu ghép.
Ví dụ 1: Từ câu đơn Chúng em học giỏi để bố mẹ vui lòng. có thể chuyển thành câu ghép Chúng em học giỏi, bố mẹ vui lòng.
Ví dụ 2: Từ câu đơn Bộ đội bảo vệ Tổ quốc nhằm mọi người có cuộc sống bình yên. có thể chuyển thành câu ghép Vì bộ đội bảo vệ Tổ quốc nên mọi người có cuộc sống bình yên.
e. Chuyển các câu đơn có bộ phận song song thành câu ghép:
         Một số câu đơn có bộ phận song song, nếu thay đổi lại trật tự hoặc dùng các đại từ thay thế thì cũng sẽ trở thành câu ghép.
Ví dụ 1: Từ câu đơn Lớp 5A, lớp 5B trồng cây và quét sân trường. có thể chuyển thành câu ghép Lớp 5A trồng cây và lớp 5B quét sân trường.
Ví dụ 2: Từ câu đơn Hoa đậu từng chùm, màu tím ngát. có thể chuyển thành câu ghép Hoa đậu từng chùm, những cánh hoa màu tím ngát.
Ví dụ 3: Từ câu đơn Chích đi kiếm mồi, tìm được một hạt kê của Sẻ. có thể chuyển thành câu ghép Chích đi kiếm mồi, chú tìm được một hạt kê của Sẻ.
    Để chuyển câu ghép thành câu đơn ta làm ngược lại.
    Trên đây là một số vấn đề trong dạy học câu ghép cho học sinh tiểu học. Hi vọng  những kiến thức trên sẽ hỗ trợ nhiều cho thầy cô trong dạy học .

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo