MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Đoạn văn cảm nhận nhân vật ông Hai trong Làng của Kim Lân

Ông Hai trong truyện ngắn “Làng ” của Kim Lân là nhân vật điển hình cho người nông dân trong kháng chiến chống Pháp có tình yêu làng, yêu nước cảm động (1). Trước hết, ở nơi tản cư, tình yêu làng của ông Hai đã hòa quyện với tình yêu nước (2). Kháng chiến bùng nổ, ông cùng gia đình phải rời xa làng đi lánh giặc, ông luôn nhớ về làng Chợ Dầu của mình: “Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá" (3). Lúc này niềm vui của ông chỉ là hằng ngày đi nghe tin tức thời sự kháng chiến và khoe về cái làng của ông đánh Tây, đó là niềm vui của một con người biết gắn bó tình cảm của mình với vận mệnh của toàn dàn tộc, là niềm vui mộc mạc của một tấm lòng yêu nước chân thành (4). Tình cảm yêu làng, yêu nước của ông Hai còn được thể hiện rất sâu sắc khi ông nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc (5). Đó là một cái tin hết sức đột ngột, khiến ông bàng hoàng, sửng sốt, nhục nhã và xấu hổ: “Cổ nghẹn ắng lại da mặt tê rân rân, tưởng chừng như không thở được, giọng lạc hẳn đi... cúi gằm mặt xuống... lảng đi về nhà" - niềm tự hào, tình yêu làng của ông sụp đổ tan tành; cuộc đời ông như chết mất một nửa (6). Về đến nhà, ông Hai trăn trở, dằn vặt, day dứt với mặc cảm là kẻ phản bội; ông tủi thân, thương con, thương dân Chợ Dầu, thương bản thân mình: “Nước mắt ông lão cứ giàn ra"; ông cảm thấy như chính ông là Việt gian bán nước, cả các con ông cũng sẽ mang nỗi nhục ấy (7). Ba bốn ngày hôm sau, cái tin xấu ấy ám ảnh ông, biến ông thành một con người khác, ông nơm nớp lo sợ đến mức không dám ra khỏi nhà, hay để ý đám đông bàn tán, chột dạ tưởng như người ta bàn tán chuyện làng (8). Nhưng có điều mà ông sợ hơn, ấy là mụ chủ nhà, ông sợ mụ chủ nhà lắm điều, móc máy tìm cách đuổi khéo gia đình ông đi; và rồi mụ biết thật, khi mụ có ý muốn đuổi khéo gia đình ông, ông đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, bế tắc hoàn toàn khi nghĩ về tương Lai (9). Về làng thì không được vì về làng lúc này là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ, chấp nhận làm nô lệ cho thẳng Tây; ở lại cũng không xong vì mụ chủ nhà đã đánh tiếng xua đuổi; còn đi thì biết đi đâu bởi ai người ta chứa chấp dân làng Chợ Dầu phản bội; nếu như trước đây tình yêu làng và yêu nước hòa quyện trong nhau thì lúc này ông Hai buộc phải có sự chọn lựa - đó không phải là điều dễ dàng (10). Qua những ngày đấu tranh tư tưởng, đau đớn, dằn vặt cuối cùng ông đã đi đến quyết định: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù!" - từ tình yêu làng ông đã đi đến một tình cảm lớn lao hơn đó là tình yêu cách mạng, ủng hộ kháng chiến - một biểu hiện của lòng yêu nước sâu sắc (11). Đề ông Hai vơi bớt nỗi đau đớn, dằn vặt và yên tâm hơn về quyết định của mình, nhà văn Kim Lân đã cho nhân vật trò chuyện với đứa con út, giúp ông bày tỏ tình yêu sâu nặng đối với làng Chợ Dầu ( "nhà ta ở làng Chợ Dầu” ) và bày tỏ tấm lòng thuỷ chung với kháng chiến, với cụ Hồ ("ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm” ) (12). Đúng lúc ông Hai có được quyết định khó khăn ấy thì cái tin làng Chợ Dầu phản bội được cải chính, ông như được hồi sinh, ông lại sung sướng khoe làng bị đốt, nhà ông bị cháy - đó là minh chứng hùng hồn chứng minh làng ông là làng cách mạng, làng kháng chiến (13). Như vậy, qua tình huống truyện bất ngờ, cách miêu tả diễn biến tâm lí tinh tế và sinh động của nhà văn Kim Lân, chúng ta có thể thấy rằng: mọi niềm vui, nỗi buồn của ông Hai gắn bó với làng, với cuộc kháng chiến của dân tộc; tình yêu làng quê của nhân vật đã mở rộng ra tình yêu quê hương đất nước (14).

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo