MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Cảm nhận tâm trạng Phương Định khi chứng kiến cơn mưa đá


Khi cơn mưa đá đến, trong tâm hồn đa cảm của Phương Định ánh lên những tia sáng của niềm vui. Bởi sự xuất hiện của cơn mưa đá khiến mạch truyện trở nên đầy chất thơ, cơn mưa đá đã phủ lên hiện thực khốc liệt của chiến trường một màn sương huyền ảo: Tiếng mưa ồn ã tương phản với bầu không khí im lặng đến đáng sợ của giờ phút phá bom. Hơi lạnh của cơn mưa tương phản với sự oi ngạt, căng thẳng của hoàn cảnh chiến trường gian khổ, ác liệt. Niềm vui mà cơn mưa mang đến, tương phản với tâm trạng rối bời, lo lắng, kìm nén của chị Thao và Phương Định khi Nho bị thương. Cơn mưa đá chính là cao trào cảm xúc,như một sự vỡ òa tâm trạng.
Cảm nhận tâm trạng Phương Định trong cơn mưa đá
Cơn mưa đột ngột tạnh và đánh thức trong Phương Định những nỗi bâng
khuâng, tiếc nuối. Sự tiếc nuối trống trải như lan tỏa khắp tâm hồn Phương Định qua câu văn “Nhưng tạnh mất rồi” buông nhẹ như một tiếng thở dài, và qua câu hỏi tu từ “Sau chóng thế” đầy xuýt xoa, lưu luyến. Phương Định tiếc nuối điều gì?
Lần về tận cùng sự luyến tiếc, qua phép liệt kê cùng với những câu văn êm dịu tuôn dài miên man gọi thức quá khứ, từng kỉ niệm trong Phương Định hiện ra như những thước phim quay chậm, chợt sáng chợt tối đầy cảm xúc. Qua các cụm từ phiếm chỉ “cái gì đấy”, “hình như”, từng hình ảnh kí ức trong Phương Định ùa ạt tràn về, mới đầu mơ hồ, miên man, càng lúc càng rõ rệt. Những kí ức hiện về đầu tiên là những gì gần gũi nhất với Phương Định. Đó là hình ảnh người mẹ - người thân yêu nhất luôn gắn bó và yêu thương cô. Đó là cái cửa sổ căn phòng gắn bó với cô suốt quãng đời tuổi thơ mơ mộng. Cánh cửa ấy nhìn ra khung trời lấp lánh những ngôi sao, đặc biệt là “những ngôi sao to trên bầu trời thành phố”. Hình ảnh ngôi sao ấy khiến ta liên tưởng đến nhan đề, phải chăng ngôi sao trong kí ức đã cộng hưởng ánh sáng với một trong “những ngôi sao xa xôi” là Phương Định để chung đúc nên những vẻ đẹp tâm hồn tuyệt vời, đáng mến?
Những hình ảnh kí ức càng lúc càng rõ ràng hơn. Câu văn “Phải, có thể là những thứ đó…”, vừa là một sự xác nhận, vừa khơi dậy rất nhiều cảm xúc, để rồi những làn sóng hoài niệm càng lúc càng chảy tràn. Những khung cảnh thân quen của thành phố Hà Nội dần sống dậy trong tâm hồn Phương Định. Phép điệp “hoặc là” như những rung động của trái tim, sự bồi hồi thương nhớ, khi từng cảnh vật thân quen hiện về trong tâm trí: “cây”, “cái vòm tròn của nhà hát”, “bà bán kem đẩy cái xe chở đầy thùng kem”, “trẻ con háo hức bâu xung quanh”.
Những kí  ký ức thân thương và sống động ấy được soi chiếu qua lăng kính của hoài niệm, bỗng lung linh huyền ảo như thế giới cổ tích.  Cơn mưa đá như chiếu ứng gọi thức kí ức về cơn mưa mùa hạ trong miền kí ức, khiến “con đường nhựa ban đêm” “rộng ra, dài ra, lấp loàng ánh đèn trông như một con sống nước đen”. Phép so sánh sinh động, khiến cho thành phố trở nên huyền ảo. Cơn mưa khiến mặt đường như những mặt gương, và chẳng mấy chốc thành phố bồng bềnh vũ điệu của ánh sáng khi những ngọn đèn phản chiếu và trở nên “lung linh như những ngôi sao trong truyện cổ tích nói về xứ sở thần tiên”. Đây là quy luật của tâm lý, quy luật của hồi tưởng: khi những kí ức tuổi thơ lắng mình xa vắng vào quá khứ, thì chúng trở nên đẹp và huyền ảo hơn bao giờ hết, kí ức ấy lấp lánh một thứ ánh sáng ấm áp lạ kì, sưởi ấm tâm hồn ta mỗi khi nhớ về. Và rồi vang vọng từ những kí ức ấy là những âm thanh quen thuộc đến nao lòng: “Những quả bóng sút vô tội vạ của bọn trẻ con trong một góc phố”, “tiếng rao của một bà bán xôi sáng có cái mủng đội trên đầu…”.
Tất cả những điều đó tác động rất mạnh vào tâm hồn cô thanh niên xung phong. Phương Định thốt lên “Chao ôi!”- câu cảm thán chứa niềm xúc động và cả niềm thương nhớ, nó là một sự khẳng định mạnh mẽ đánh tan các cảm giác mơ hồ phía trên: “Có thể là tất cả những cái đó”. Dòng hồi tưởng chảy tràn trong tâm trí, Phương Định bỗng nhận ra “Những cái đó ở thật xa…”. Dấu chấm lửng báo hiệu những bồi hồi tha thiết, những bâng khuâng trong tâm hồn. Tại sao những kí ức ấy đối với Phương Định lại “ở thật xa”? Đó là khoảng cách có thật về không gian, bởi chân cao điểm nơi Phương Định và các đồng đội làm việc vốn biệt lập và xa cách với quê hương của cô. Đó còn là cái xa xôi về thời gian, bởi tất cả hình ảnh sống động và thân thương ấy đến từ miền trời khác – miền trời của quá khứ, miền trời của kí ức. Hiện tại căng thẳng khốc liệt luôn phải giằng co trước lằn ranh sống – chết để hoàn thành nhiệm vụ dường như khiến miền kí ức ấy đối với Phương Định trở nên xa vắng như một câu chuyện cổ tích.
Thế nhưng, cho dù có những phút tưởng như lãng quên thì vùng trời cảm xúc ấy vẫn luôn sống mãi trong lòng Phương Định, luôn thường trực trong tâm hồn cô dù ý thức hay vô thức, để rồi chỉ cần một cơn mưa đá – cái khoảng lặng yên bình thoáng chốc giữa nhịp điệu sống căng thẳng nơi chiến trường – từng kỉ niệm ấy sống dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Và một khi chúng sống dậy, chúng bừng thức một sức mạnh từ bên trong tâm hồn, “xoáy mạnh như sóng trong tâm trí” Phương Định. Những làn sóng kí ức xoáy mạnh ấy đã đánh thức trong tâm hồn Phương Định những gì? Phải chăng là tình yêu thiết tha với quê hương, với gia đình, với mẹ, với từng cảnh vật thân thương nhất của Hà Nội trong cô? Phải chăng những kí ức ấy tiếp thêm trong Phương Định một nguồn sức mạnh to lớn để tiếp tục vững vàng vượt qua tất cả? Phải chăng những kí ức ấy nhắc nhớ, khắc sâu cái lý do cao cả mà thiêng liêng khiến Phương Định và đồng đội phải chống chọi với cuộc sống khắc nghiệt gian khổ chiến trường: Để bảo vệ những gì thân yêu nhất? Và phải chăng, nó còn thắp lên trong cô và các đồng đội của mình một niềm tin và một niềm khao khát mãnh liệt vào một tương lai hòa bình phía trước, để Phương Định có thể quay trở về sống yên bình với thành phố quê hương, để những kí ức trong tâm hồn không còn “xa xôi”?
Nguồn: thầy Trần Lê Duy
Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo