MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Dàn ý nghị luận ý kiến văn học


1. Để làm được một bài văn bình luận về một ý kiến cần chú ý những vấn đề sau:
- Ý kiến đề bài đưa ra đánh giá phương diện nào? Nội dung hay nghệ thuật.
- Ý kiến đưa ra là đúng hay sai? Quan điểm của cá nhân (Thường thì ý kiến đưa ra sẽ là chính xác so với bài nhưng không chỉ có 1 dạng này đâu nhé)
- Dựa vào tác phẩm tìm những chi tiết để làm rõ và nổi bật ý kiến.
Chú ý: khi làm bài văn bình luận ý kiến nên bám sát vào ý kiến, nhận định mà đề bài đưa ra. Tránh chăm chú phân tích rồi quên luôn cái ý kiến.
Dàn ý nghị luận ý kiến văn học
 2.  Dàn ý
   a. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm (nếu là bàn về vấn đề trong một tác phẩm).
- Giới thiệu tổng quát nhận định. Cách mở bài mà mình thường hay áp dụng đó là trích một nhận định khác để giới thiệu.
   b. Thân bài:
- Giới thiệu: Giới thiệu về hoàn cảnh sáng tác, nội dung chính khái quát của tác phẩm, tác giả. Từ đó nêu ra ý kiến nhận định của đề bài
- Giải thích: Giải thích chi tiết nội dung câu nhận định.
- Chứng minh - phân tích:
Các bạn phân tích những chi tiết không liên quan đến nhận định thì có thể bớt đi, không nên bình sâu, vì nếu bình sâu như thế có thể không làm nổi bật trọng tâm của đề bài. Nên chú ý các chi tiết có liên quan đến ý kiến nhận định. Kết thúc mỗi luận điểm nhớ nhắc lại ý kiến đã cho
- Bình luận: Làm nổi bật sự đánh giá của bản thân, chốt lại ý kiến đó đúng hay sai.
   c. Kết bài: Tóm lược lại vấn đề, khẳng định ý kiến, nhận đinh.
3. Các kiểu bài nhận định:
- Đưa ra 1 ý kiến và cho ta phản bác lại ý kiến đó
- Đưa ra 1 ý kiến và cho ta dùng tác phẩm chứng minh ý kiến đó
- Đưa ra 2 ý kiến bắt ta chứng minh lựa chọn.
Với kiểu bài 2 ý kiến thì chúng ta cũng đánh giá tổng quan trước, không nên khẳng định luôn, mà để qua phân tích rồi mới khẳng định.

ĐỀ BÀI MINH HỌA
Thơ là hùng biện du dương
(Voltaircd, theo Những bậc thầy văn chương thế giới - Tư tưởng và quan niệm, NXB Văn học, 1995)
I. Mở bài
          Giới thiệu ý kiến và khẳng định ý kiến đó có trong các tác phẩm văn học
II. Thân bài
1. Giải thích
Thơ: là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu.
Hùng biện: diễn thuyết trước công chúng một cách trôi chảy, sinh động, trang nhã và đầy sức thuyết phục.
Du dương: tính nhạc, có vần, có nhịp (chính là nghệ thuật của thơ)
=> Ý kiến “Thơ là hùng biện du dương”, Voltaired muốn đưa ra một quan niệm về thơ. Đó là thể loại văn học giàu nhạc tính, thể hiện tình cảm, tâm trạng của nhân vật trữ tình, qua đó bày tỏ tư tưởng của tác giả bằng những hình thức nghệ thuật độc đáo.
=> Ý kiến đề cập đến cả đặc trưng về nội dung và nghệ thuật của thơ. Và “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải là một bài thơ như thế.
2. Chứng minh vấn đề
a. Tính hùng biện của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Nói đến hùng biện là nói đến một hệ thống luận điểm rõ ràng, chặt chẽ, qua đó gửi gắm tư tưởng và quan điểm của tác giả. “Mùa xuân nho nhỏ” được viết vào lúc cuối đời của nhà thơ nhưng chúng ta không hề nhìn thấy sự bi quan, chán chường mà ngược lại, nhà thơ đã chứng minh cho chúng ta thấy dù ở hoàn cảnh nào thì Thanh Hải vẫn có một tình yêu cuộc sống tha thiết, say mê.
- Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, cuộc đời, thể hiện ước nguyện chân thành được đóng góp một mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân lớn của đất nước.
- Tính hùng biện của bài thơ chính là lòng yêu đời và khát khao cống hiến đó của nhà thơ. Điều này thể hiện trực tiếp trong nội dung thi phẩm.
          + Cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên
          + Cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp của mùa xuân đất nước
          + Khát vọng được hòa nhập, dâng hiến
b. Tính du dương của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Bài thơ có nhạc điệu trong sáng, thiết tha, gần gũi với dân ca. Nhạc điệu được tạo ra từ thể thơ năm chữ với cách gieo vần đầy biến hóa; cách ngắt nhịp linh hoạt; điệp từ, điệp ngữ phong phú…
- Hình ảnh thơ tự nhiên, giản dị, những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, đặc biệt hình ảnh cành hoa, con chim được lặp đi lặp lại nâng cao và gây ấn tượng mạnh.
- Cấu tứ bài thơ chặt chẽ, chủ yếu dựa trên sự phát triển của hình tượng mùa xuân: mùa xuân thiên nhiên -> đất nước -> con người.
- Giọng điệu bài thơ phù hợp với cảm xúc của tác giả: đoạn đầu vui, say sưa với vẻ đẹp của mùa xuân, thiên nhiên rồi phấn chất, tự hào trước khí thế lao động của đất nước. Cuối cùng là trầm lắng, hơi trang nghiêm mà thiết tha bộc bạch tâm niệm.
III. Kết bài: Khẳng định lại ý kiến và giá trị của vấn đề.
- Mùa xuân nho nhỏ là bài thơ đặc sắc của Thanh Hải gửi đến người đọc những tình cảm của tác giả. Bài thơ phản ánh đúng phẩm chất thơ theo ý kiến của Voltaired “Thơ là hùng biện du dương”
- Bài học sáng tạo: Nhà thơ chân chính phải gắn bó với cuộc đời, sống thành thực với lòng mình và gửi vào thơ những tình cảm ấy với tài năng của mình.
- Bài học tiếp nhận: Người đọc cần hiểu và cảm nhận những tâm tư, tình cảm của nhà thơ.
Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo