MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Đoàn thuyền đánh cá là khúc tráng ca về người lao động


Đề bài: Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận được xem là “Khúc tráng ca về người lao động”. Em hãy phân tích bài thơ để làm sáng tỏ ý kiến trên.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngã
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
(Huy Cận - Tràng giang)
Cũng là con thuyền, nhưng sao không buồn bã, lẻ loi, đắm chìm trong bao nỗi sầu thảm thiết chồng chất, trùng điệp, cũng là thuyền thôi nhưng sao Đoàn thuyền đánh cá ấy mạnh mẽ, tưng bừng khí thế lao động sôi nổi đến thế, tưởng chừng như lòng nhiệt huyết, đam mê nồng nàn khẽ chảy, căng lên phơi phới, hăng hái và say mê. Đoàn thuyền ấy, nhịp độ lao động ấy, đẹp xiết bao trong bài thơ: Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.

Bài thơ mở ra, hoành tráng cảnh vũ trụ dần đi vào giấc ngủ. Và giữa không gian huy hoàng, tráng lệ ấy, đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi, đem theo tất cả sự hăng hái và tưng bừng của một đêm lao động.
Mặt trời, rực rỡ như một quả cầu lửa khổng lồ thả những tia nắng đỏ rực dệt trên mặt biển xanh thẫm, nung cả đất, cả trời, cả đại dương mênh mông trong cái gam màu đỏ mạnh mẽ và ấn tượng ấy. Thật nhanh! Hoàng hôn ùa xuống, lan rộng, xâm chiếm cả mặt biển bao la, cẩn thận cài lại những then cửa sóng dập dềnh của căn nhà đại dương vĩ đại. Và trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhỏ nhoi, màn đêm sập mạnh, nhanh đến nỗi ta còn ngẩn ngơ tự hỏi: Vào lúc nào thế nhỉ? Chiều tà mới đây thôi mà bóng đêm đã bao trùm vạn vật rồi. Màn đêm lanh lẹ nhanh kéo theo cả những sợi nắng loang lổ nuối tiếc nằm vắt mình trên bãi biển, thu lại, cuộn đi cả lớp lụa mỏng manh màu đỏ rực, chỉ trong giây lát, cả vũ trụ dần im ắng chìm vào giấc ngủ sâu. Với các âm “cửa”, “lứa”, rồi lại “sập”, cảnh hoàng hôn trên biển diễn ra thật nhanh, thật mạnh, đầy sự dứt khoát và đột ngột, bất ngờ. Và trong trí tưởng tượng phong phú của Huy Cận, cảnh biển được phác họa ra, sao mà hoành tráng đến thế, rạo rực khúc ca mặt trời đến thế, trong như một bức tranh lung linh sắc màu và đầy ấn tượng. Với cái nét so sánh đặc sắc: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa”, nghệ thuật nhân hóa đầy nét chấm phá và sắc sảo: “Sóng đã cài then, đêm sập cửa”, hoàng hôn trên biển của Huy Cận rất mới, rất đáng yêu, huy hoàng mà ngộ nghĩnh, kì diệu như lâu đài của thần biển trong truyện cổ tích thần tiên, đồng thời cũng rất khác cái hoàng hôn nhuộm đầy, ướt đẫm giọt nước mắt đau thương, ai oán của kẻ xa quê:
“Buồn trong cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”.
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)
Cả vũ trụ dần thiếp đi, một ngày kết thúc. Chính thời khắc đó lại là điểm bắt đầu của đoàn thuyền đánh cá:
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”
Đoàn thuyền ra đi, cùng với bao niềm lạc quan vững chắc, bao hi vọng tin yêu, với khí thế lao động hăng say. Nếu như nhịp thở ở hai câu đầu nhanh, mạnh và gấp, dồn dập thì nhịp thơ hai câu sau được kéo giãn ra dần, nghe sao nhẹ nhàng và êm ái đến thế. Tiếng hát vút cao, cùng gió khơi căng chiếc buồm lên. Tiếng hát say mê, tiếng hát yêu đời, tiếng hát hăng hái. Những người dân lao động chân chất, hiền lành đã biến tiếng hát thành một sức mạnh diệu kì đưa đẩy đoàn thuyền đè lên muôn ngàn ngọn sóng bạc ra khơi, nâng bổng họ qua bao nỗi khó khăn, vất vả, gian truân. Cái khí thế lao động tưng bừng, nhộn nhịp, hòa chung với câu hát dân dã như tan ra, theo dòng huyết quản đỏ tươi tuôn trào trong cơ thể, phơi phới. Đoàn thuyền đánh cá băng băng lướt đi, phấn khởi, sung sướng trong khí thế lao động sôi sục, ôm ấp một niềm hi vọng cháy bỏng, một niềm tin vững chắc. Đó cũng là khí thế của những con người mới đứng lên xây dựng đất nước:
“Đi ta đi, khai phá rừng hoang
Hỏi núi non cao đâu sắt đâu vàng
Hỏi biển khơi xa đâu luồng cá chạy
Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy
Hỏi đâu thác chảy cho điện quay chiều?”
 (Tố Hữu - Bài ca xuân 61)
Đoàn thuyền ra khơi. Tiếng hát đeo đẳng theo sau, cứ ngân nga, ngân nga, vang vọng khắp mặt biển bao la, để rồi câu hát nhiệt tình, say sưa ấy tan vào trong lòng biển, trìu mến, thiết tha như tiếng mời gọi da diết đàn cá đến đây “Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”.
Câu thơ kêu gọi đàn cá đến, mang những thân cá lung linh, lấp lánh dệt đầy chiếc lưới ngư dân như một lời thủ thỉ, tâm tình. Thán từ “ơi…” bật ra, kéo dài trong những người dân chài lưới ấy, các chú cá ngày đêm tung tăng dệt trên lòng biển muôn ngàn sợi chỉ sáng ngời bỗng chốc trở thành những người bạn bé nhỏ, đáng yêu:
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ăn cỏ, trâu cày với ta.”
                                                                                          (ca dao)
Người ngư dân đã dành trọn cho đàn cá một tình cảm thiết tha, chân thành, đậm đà và thắm thiết. Câu thơ bồi hồi vang lên, vút cao cũng như chính tấm lòng những người dân thủ thỉ, thân mật gọi những người bạn, những chú cá nhỏ ấy. Khúc hát nhộn nhịp cứ vang xa, ngân mãi: Khúc hát gọi cá vào lưới đầy quyến rũ than thương. Bằng nghệ thuật so sánh đặc sắc, những chú cá thu thoáng chốc hóa thành những đoàn cá thoi, hăng say ngày đêm dệt ra cho đời những tấm lụa đẹp đẽ:
“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!”
Đoạn thơ bay bổng theo câu hát, tưng bừng vui tươi khí thế lao động thật phấn khởi. Với khí thế làm việc ấy, đoàn thuyền lướt giữa những con sóng nhấp nhô tạo thành đường di chuyển mềm mại, uốn lượn. Huy Cận đã đưa ta tới cái bồng bềnh lãng mạn, đưa ta đến một thiên đường lấp lánh ánh tinh tú huyền ảo và thơ mộng của trời đêm
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng.”
Chiếc thuyền đi, dường như không bằng sức người nữa mà như đang lái giữa bốn bề gió lộng. Ngọn gió mềm mại đẩy chiếc thuyền đi, trương cánh buồm lên, căng tròn, cong cong tựa như vầng trăng. Huy Cận đã hái mặt trăng trên trời cao xuống, lồng vào cánh buồm căng lên hả hê đón gió trời:
“Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây.”
(Lí Bạch - Xa ngắm thác Núi Lư)
Vầng trăng như tuột khỏi màn đêm huyền ảo để rơi xuống, lung linh, nhấp nhô trôi trên những con sóng rì rào vỗ. Những cánh buồm lộng gió như ánh trăng huyền diệu trên biển cả. Mặt trăng đính trên sóng biển! Ôi chao, đẹp biết bao nhiêu. Một bức tranh kì ảo biết bao nhiêu. Màn đêm đen vây bọc, tối tăm và ngời sáng, lung linh sắc vàng huyền ảo. Nên thơ! Thi vị! Nếu như Huy Cận đã đưa mặt trăng xuống trần, đưa chị Hằng Nga kiều diễm, thướt tha xuống vui đùa, gần gũi cùng đoàn thuyền thì… thật tài tình, nhà thơ tài hoa ấy lại chắp cánh cho đoàn thuyền bay lên giữa những tầng mây cao. Tối đến, bầu trời dường như thấp hơn, kho con tàu trườn lên đỉnh ngọn sóng nhô cao, bỗng chốc trở nên ngỡ ngàng thấy mình lâng lâng bồng bềnh lướt giữa những đám mây xanh duyên dáng. Rồi trong phút chốc, con thuyền lại tiếc nuối rời khỏi cảm giác sảng khoái, lâng lâng ấy để trượt xuống thân sóng, trở lại với biển bằng bao la. Cứ “lướt giữa mây cao với biển bằng”, con thuyền nhấp nhô lên xuống. Con sóng đội con tàu lên liếm vào bầu trời đêm. Rồi chính những làn sóng ấy lại đưa con thuyền trở về lướt giữa biển bằng. Và thế là, đoàn thuyền trở thành một chiếc gạch nối, gắn kết bầu trời và mặt biển hòa quyện vào nhau. Huy Cận đã đạt tới tột đỉnh của sự tưởng tượng phong phú, tài tình. Ta ngạc nhiên, bỡ ngỡ rồi lại thích thú với sự liên tưởng kì lạ, mới mẻ, để cho tâm hồn lâng lâng, bồng bềnh nơi mây xanh, rồi trồi sụt xuống biển xanh bát ngát. Lãng mạn thế, thơ mộng thế, nhưng sau những chuyến hành trình, những cuộc phiêu lưu bí ẩn, tham quan dãi ngân hà kì diệu, đoàn thuyền vẫn không rời thực tế, rời xa khí thế lao động:
“Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.”
Hóa chốc, những người ngư dân chân chất trở thành các kĩ sư, những nhà thám hiểm tài ba, can trường vĩ đại chỉ bằng một nét chấm phá. Công việc được bắt đầu một cách thật thành thạo, nhuần nhuyễn “dò bụng biển”. Các nhà thám hiểm ấy đang khai phá, đang tìm kiếm những kho báu vô giá chôn dưới đại dương bao la, làm giàu đất nước. Công việc mới to tát, vĩ đại làm sao. Những đoàn thuyền đánh cá quây quần, dàn đan, thả lưới vây quanh, chuẩn bị cho việc đánh bắt nhanh mạnh, dứt khoát như người lính triển khai đội hình chiến đấu. Con người hòa chung một giai điệu lao động say sưa, khẩn trương như những người lính đang hối hả triển khai cuộc chiến đấu thần tốc. Tất cả đều bật lên một sự nhịp nhàng, thuần thục, một khí thế lao động tươi vui.
Đại dương chứa trong mình cả kho cá bạc:
“Cá nhụ, cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng.”
Một kho tàng mới phong phú, đa dạng làm sao. Trong bút pháp liệt kê, nguồn tài nguyên vô tận: nhụ, chim, đé, song… làm giàu cho Tổ quốc. Biển ta ơi, mênh mông sản vật, mênh mông tình yêu thiên nhiên và phải có thái độ trân quý, nhà thơ mới có những câu thơ đẹp đến thế! Hàng nghìn chú cá song như hàng nghìn những bó đuốc rực rỡ, lấp lánh, lung linh giữa màn đêm bao la vô tận, thắp lên luồng ánh sáng xua đi bao buốt giá, tối tăm: “Cái đuôi em vẫy trăng vàng chóe”. Không có một hồn thơ nhạy cảm, dào dạt yêu thiên nhiên, không có một đôi mắt tinh tường sao Huy Cận có thể chụp, có thể vẽ lại một nét xao động, một tiếng thổn thức bé nhỏ của thiên nhiên. Chú cá song quẫy đuôi, làm bóng trăng vằng vặc in trên làn nước vỡ ra. Từ những mảnh rạn ấy, chảy ra những giọt mật hòa tan với nước biển mặn mà tạo nên một thứ nước thần kì, sóng sánh vàng chóe. Cái sự kết hợp tài tình, bất ngờ của thiên nhiên giữa chiếc đuôi chú cá và bóng trăng lung linh, giữa cái màu đen huyền ảo ấm áp đến màu vàng chóe. Huy Cận như là một họa sĩ tài ba và dưới nét cọ ấy, một cảnh tượng nên thơ hiện ra, lôi cuốn, thơ mộng và tràn ngập sức sống, để rồi cho ta bần thần, sững sờ với nét đẹp kì lạ của tạo hóa. Chỉ là một cử động nhỏ thôi, cũng lắng đọng trong ta bao cảm giác bồi hồi, xao xuyến. Lòng yêu thiên nhiên của Huy Cận như tan ra, vỡ ra, trộn lẫn với không gian bao la, lồng lộng. Và trong chính giây phút lắng đọng ấy, Huy Cận sửng sốt lắng nghe được tiếng thở đều đặn, khẽ khàng của thời gian. Huy Cận như cảm được, nghe được cái tiếng đập của trái tim thời gian bỗng chôn giấu ẩn sau màn đêm thăm thẳm. Và cái tiếng thở ấy, nhập vào trong những vì tinh tú trên trời cao, những ngôi sao nhấp nháy, ánh trăng dịu dàng hội tụ lại, in hình bóng lung linh trên đáy biển. Trong tình yêu thiên nhiên rộng mở, Huy Cận bàng hoàng nhận ra: chính hơi thở đều đặn của trời đêm mà mình đã vô tình khám phá, ô hay! Chính là tiếng vỗ rì rào của những con sóng dập dềnh mãi miết lăn tăn xô vào bờ: “Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”.
Một bức tranh thật đẹp. Sao như ùa xuống, hội tụ trong đáy lòng rộng mở của Huy Cận, nhấp nhánh, lung linh, nhuộm sáng những dòng nước Hạ Long. Dấu “:” chính là sự giải thích tài tình. Tiếng thở của thời gian, ấy là dòng sao trời ùa xuống biển nước. Huy Cận đang bị vây giăng bởi cảm giác bồng bềnh, mênh mông.
Trong suốt bốn đoạn thơ đầu, Huy Cận liên tục đưa ta bồng bềnh tới những xứ sở lạ lùng đẹp đẽ và luôn trong bất cứ cảnh nào khí thế lao động cứ vút cao, ngân mãi khúc tráng ca về lao động của con người mới làm chủ bản thân, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội trong bút pháp lãng mạn tài hoa.
“Các vị La Hán chùa Tây Phương
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn tản khói sương.”
(Huy Cận)
Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo