MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Dàn ý Phân tích nhân vật Lục Vân Tiên trong Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

I. Mở bài

- Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ Nam Bộ yêu nước sống ở thế kỉ thứ XIX, trong thời kì loạn lạc, xã hội rối ren.

- “Lục Vân Tiên” là một truyện thơ Nôm điển hình chứa đựng nhiều giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.

- Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nằm ở phần đầu của truyện, miêu tả cảnh Lục Vân Tiên lần đầu gặp Kiều Nguyệt Nga.

- Nhân vật Lục Vân Tiên được khắc hoạ thành mẫu người anh hùng lý tưởng tuyệt đẹp: giàu lòng thương người, dũng cảm và nghĩa hiệp.

(Nguyễn Đình Chiểu được biết đến như một nhà văn và cũng là nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Thơ văn của ông không có sự trau chuốt, cầu kì về câu từ mà lại rất mộc mạc, dân dã gắn liền với đời sống của người dân Nam Bộ. “Lục Vân Tiên” của cụ Đồ Chiều đã quen thuộc như những bài đồng dao dân gian. Đoạn trích "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" là một trong những đoạn thơ hay nhất của tác phẩm. Tiêu biểu cho bút pháp tự sự của Nguyễn Đình Chiểu. Nhân vật Lục Vân Tiên được khắc họa thành mẫu người anh hùng lí tưởng tuyệt đẹp: giàu lòng thương người, dũng cảm và vị nghĩa cao cả.)

Phân tích nhân vật Lục Vân Tiên

II. Thân bài

1. Khái quát (tóm tắt đoạn trích)

- Cũng như bao đấng nam nhi khác, Lục Vân Tiên cũng ôm khát vọng công danh, đem tài trí giúp ích cho đời.

- Trên đường lên kinh, chàng bắt gặp cảnh người dân lao đao khốn đốn, hốt hoảng bỏ chạy vào rừng sâu vì bọn cướp ngang tàn, bạo ngược, chàng vô cùng tức giận, quyết ra tay giúp dân trừ bạo, diệt lũ tham tàn.

(Hình tượng Lục Vân Tiên được xây dựng theo mô típ quen thuộc của truyện dân gian, trượng nghĩa, anh tài, ra tay cứu giúp người bị nạn. Đây là nhân vật lí tưởng của văn học trung đại, thể hiện những khao khát mơ ước của nhân dân ta. Chàng mang lí tưởng lớn, lập thân lập danh giúp đời. Trên đường về lai kinh ứng thí, vô tình gặp cảnh Kiều Nguyệt Nga bị cướp chàng đã ra tay trượng nghĩa cứu giúp người bị nạn.)

2. Phân tích

a. Lục Vân Tiên là chàng trai dũng cảm, nghĩa hiệp. Vẻ đẹp đó thể hiện qua hành động đánh cướp cứu người:

- Căm giận lũ bất lương, Lục Vân Tiên sôi sục lên án hành động dã man của chúng. Chàng đã đứng về phía nhân dân, quyết bảo vệ dân.

+ Lục Vân Tiên một mình dùng tay không đánh lại bọn cướp đông người gươm giáo đầy đủ, thanh thế lẫy lừng.

+ “Vân Tiên ghé lại bên đàng /Bẻ cây làm gậy, nhằm làng xông vô”: Hành động khẩn trương, gan dạ, không tính toán hay do dự lao tới cứu người.

+ Các động từ như “ghé”, “bẻ”, “nhằm”, “xông” được sử dụng liên tiếp trong hai câu thơ đã góp phần diễn tả cái dứt khoát của động tác, cái khẩn trương, gấp gáp của tình thế.

+ Hai câu thơ “Kêu rằng: bớ đảng hung đồ/ Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”: Cách đánh cướp công khai như các anh hùng hảo hán, cho thấy bản tính quân tử của Lục Vân Tiên. Trước khi ra tay, chàng tuyên bố lí do sự ra tay của chàng là vì chính nghĩa, việc ra tay cũng minh bạch, không phải đánh lén.

+ Trận đánh gay cấn, “bốn phía bủa vây bịt bùng” vô cùng nguy hiểm, nhưng càng cho thấy tài năng của Lục Vân Tiên: “tả đột hữu xông/ Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang”.

- “Tả đột hữu xông”: Chủ động tung hoành lâm trận. Cho dù bọn cướp có hung dữ và ngang tàn nhưng Lục Vân Tiên vẫn đánh bằng võ nghệ của mình.

- Hình ảnh so sánh Lục Vân Tiên với nhân vật anh hùng Triệu Tử, tả đột hữu xung, câu thơ với giọng điệu nhanh, dứt khoát, tất cả thể hiện sức mạnh của nhân vật.

=> Lục Vân Tiên rất dũng cảm, mạnh mẽ và anh hùng, mang cái đức và vẻ đẹp của một đức tướng tài ba.

+ Kết quả của trận đánh: kẻ cướp thua tan tác, bỏ cả gươm giáo, thủ lĩnh Phong Lai bị Vân Tiên tiêu diệt.

Lời thơ như tiếng reo hò trước sự thắng lợi của công lí. Hình ảnh Lục Vân Tiên qua trận đánh trở thành hình ảnh một người anh hùng thượng võ, bênh vực kẻ yếu, trừ gian diệt ác cho nhân dân

b. Lục Vân Tiên là người chính trực, hào hiệp, khuôn phép, mẫu mực, không màng danh lợi

- Cách cư xử đối với Kiều Nguyệt Nga:

+ “Ta đã trừ dòng lâu la”, “Tiểu thư con gái nhà ai”, “Tên họ là chi”: Ân cần hỏi han, an ủi, chăm sóc chu đáo cho hai cô gái bị nạn.

- Ngôn ngữ, nói năng của Vân Tiên hết mực từ tốn, giản dị, giọng điệu ân cần, nồng hậu. Những lời động viên, an ủi, hỏi han ấy nói với chúng ta về tấm lòng chàng từ tâm, nhân hậu.

+ “Khoan khoan ngồi đó chớ ra”:  Ứng xử tế nhị cho thấy chàng có lối sống khuôn phép, mẫu mực.

+ Từ chối lạy tạ và lời mời của Nguyệt Nga về nhà nàng để cho nàng đền đáp.

- Nhưng Vân Tiên "nghe nói liền cười". Một nụ cười rất tươi, biểu lộ một tàm hồn cao cả: vô tư, hào hiệp, khảng khái. Chàng xem việc đánh cướp của mình là một hành động nhân nghĩa.

- Cách từ chối hết sức tôn trọng và tỏ rõ khí phách của một vị anh hùng.

+ “Làm ơn há dễ cho người trả ơn”; “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”: Chàng trước sau kiên định với quan niệm người anh hùng thấy việc nghĩa thì không thể không làm, giúp đỡ người gặp nạn là điều phải làm, không mong trả ơn.

=> Lục Vân Tiên là hình mẫu lý tưởng mà tác gửi gắm niềm tin và ước mong về một xã hội công bằng.

3. Đáng giá

- Bằng giọng thơ phóng khoáng và ngôn từ bình dị, đoạn trích đã hoàn thiện một cách xuất sắc hình ảnh chàng Lục Vân Tiên anh hùng, nghĩa hiệp.

(Hình ảnh Vân Tiên đánh cướp được khắc họa thần tình. Cử chỉ, hành động, ngôn ngữ và cách ứng xử của chàng rất đẹp, mang phong thái người anh hùng, người tráng sĩ ngày xưa. Tuy nhiên hình tượng này rất chân thật vì lòng thương người, ý chí quả cảm, tinh thần vị nghĩa của Vân Tiên đậm đà màu sắc đạo lí nhân dân ta.)

III. Kết bài

- Lục Vân Tiên đúng là nhân vật lí tưởng mà Nguyễn Đình Chiểu muốn gửi gắm ước mơ, khát vọng cứu nước giúp đời của mình.

- Đọc thơ ông càng thêm trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của nhà nho yêu nước, yêu đạo lý mà người dân Nam Bộ vẫn trìu mến gọi là Đồ Chiểu.

(Nếu phải chọn người anh hùng tiêu biểu nhất cho người dân Nam Bộ, tôi tin chắc không ai khác chính là Lục Vân Tiên – một nho sinh chính trực, một người dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài. Điều quan trọng là Vân Tiên mang trong mình bản chất hào hiệp, nghĩa khí mà phóng khoáng, chân chất của người dân Nam Bộ. Từng hành động, từng lời nói của chàng đều thấm đượm hơi thở của vùng lục tỉnh Nam Kì. Tôi càng hiểu vì sao cụ Đồ Chiểu lại được nhân dân yêu mến đến vậy. Cụ đúng là “ngôi sao sáng” của nền văn học nước nhà.)

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo