Trong lời tự bạch của mình, Kim Lân nói rằng: “Nói đến tình yêu nước, nghe cảm thấy còn xa xôi, nhưng tình cảm đối với làng thì thật gần gũi, gắn bó. Đối với con người Việt Nam, làng xóm nuôi những con người lớn lên bằng cả vật chất cũng như đời sống tinh thần”. Chính tình yêu làng sâu sắc của bản thân Kim Lân đã lớn dần lên thành tình cảm cách mạng. Và truyện ngắn “Làng” chính là nơi nguồn tình cảm cao quý đó có dịp thăng hoa. Đến với tác phẩm, ta gặp một nhân cách ông Hai giản dị bình thường như bao người khác nhưng tràn đầy tình yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến.
Cả tác phẩm là cuộc chiến nội
tâm, là thử thách đối với tình yêu làng của ông Hai khi ông nghe tin làng Chợ Dầu
theo giặc. Suốt mấy ngày ông đau khổ, dằn vặt chẳng dám gặp ai. Đến khi tin đồn
được cải chính ông Hai lại hồ hởi đi khoe làng với tất cả niềm vui sướng của
mình.
Với “Làng”, lồng trong tình huống truyện độc đáo là việc miêu tả chiều sâu tâm lí nhân vật cũng hết sức tinh tế, đặc biệt qua nhân vật ông Hai. Những rung động, xúc cảm lúc buồn lúc vui đã tạo nên hiệu ứng đặc biệt với bạn đọc.
Ân tượng đầu tiên về ông Hai
chính là hình ảnh người nông dân Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp gian
khổ. Đó là con người chất phác, cần cù, siêng năng, đầy tinh thần lao động. Ông
Hai đến đây chỉ là người dân đi tản cư và trong ông luôn đau đáu về quê hương
mình, nơi mà ông gắn bó đã nửa đời. Ta thấy được tình yêu đó lớn thế nào, khi
nghĩ đến cái cảnh ông vùng vằng nhất quyết ở làng kháng chiến và chỉ ngậm ngùi
chịu ra đi khi được giảng giải rằng: “tản cư cũng là kháng chiến”. Lúc
đó và bây giờ cũng chẳng khác nhau là mấy. Đang ở nơi đất khách quê người, ông
luôn đau đáu về làng, luôn nhớ về cái “độ ấy”, cái lúc mà ông vui vẻ bên
anh em bạn bè “cũng hát hỏng, cũng bông phèng, cũng đào cũng cuốc mê man suốt
ngày” … Tâm trạng ông như trẻ ra cùng những nhớ nhung, hồi tưởng.
Nơi tản cư, ông đang trọ trong
nhà mụ chủ khó tính, luôn xiên xỏ… nhưng ông vẫn vì kháng chiến mà chịu đựng, vẫn
lạc quan. Ông tiếp tục sống trong tình yêu làng Chợ Dầu tha thiết, yêu nước yêu
cách mạng, thù ghét bọn Tây cướp nước! Cũng ở nơi này, ông đã hình thành nên
thói quen không thể bỏ - vào phòng thông tin đọc báo. Dù có biết chữ nhưng ông
cũng chẳng dễ dàng gì đọc được thế là phải nghe lỏm, “điều này làm ông khổ
tâm hết sức”. Nhưng ông chẳng nhụt chí vì ở đây luôn có những niềm vui lớn,
ông được nghe “tinh những người tài giỏi” cứu nước. Cứ đến, ông lại náo
nức, rạo rực và lại thêm tin tưởng đến thắng lợi. Ông bước đi cùng niềm vui
“náo nức” để tiếp tục cho cuộc sống nơi quê người và cảm thấy thật nhẹ nhàng,
khoan khoái, sẵn sàng thả hồn trên những con đường đầy nắng, chấp chới
cánh cò…
Nhưng rồi, kịch tính đã xẩy ra, một
tình huống trớ trêu đã đến. Cái tin làng Chợ Dầu của ông theo Tây không biết từ
đâu đã chạy theo những người tản cư mới lên tới đây, tới ngay trước cái mặt
đang vênh lên vì phấn khích: “Thế ta giết được bao nhiêu thằng?”. Và rồi
niềm phấn khích trong lòng ông bị dội gáo nước lạnh, cái tượng đài trong lòng
ông - làng Chợ Dầu đã theo Tây! Thật là khó có thể chấp nhận. Ông như dính một
cú sốc lớn: “Cổ ông nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi tưởng
như đến không thở được. Một lúc mới rặn è..è...”. Như cố ngoi lên tìm chút
hy vọng, ông hỏi: “Liệu có thật không hở bác? Hay chỉ là lại…”.
Nhưng không, người đàn bà đi tản cư đã khẳng định “Việt gian từ thằng chủ tịch…
Thằng chánh Bệu…” thì khó mà bác bỏ được. Và câu hỏi “Sao bảo làng chợ Dầu
tinh thần lắm cơ mà?” như một đòn giáng vào tâm hồn gần như tê dại của ông
rồi. Ông cảm thấy xấu hổ vô cùng nhưng cố làm ra vẻ bình thản để che dấu tâm trạng,
cúi mặt mà đi về nhà. Ông đau lắm, đến nỗi chẳng dám nhận mình là người làng Chợ
Dầu dù ông rất tin tưởng ở những người đồng hương kháng chiến.
Ông Hai cố gắng chạy trốn, cố gắng
lảng tránh nhưng cũng chẳng được vì trong tâm tưởng ông luôn có làng. Chính vì
thế mà những lời nói của đám người tản cư lúc nãy cứ bám theo ông về tận nhà.
Ông đã sụp đổ thật rồi. Ông nghĩ mà tủi thân, giàn giụa cả nước mắt. Ông đang
nghĩ cho những đứa trẻ “làng Việt gian” sẽ bị hắt hủi hay ông đang nghĩ
cho chính bản thân mình? Ông đã trung thành với cách mạng vậy mà giờ đây phải
mang tiếng bán nước… Ông đau đớn khôn cùng khi nghĩ về những anh em yêu nước của
mình. Liệu họ có thể bán rẻ Tổ quốc? Nhưng những bằng chứng quá cụ thể đã nói
lên tất cả mọi chuyện. Một mặt ông đang cố bảo vệ, mặt kia ông lên án để rồi tạo
thành cuộc xung đột nội tâm ghê gớm. Nhục nhã quá! Ghê tởm thay cái giống Việt
gian – quân bán nước!
Trong cái khung cảnh đau khổ thế
này, bà Hai xuất hiện như một cái sự không cần thiết. Bà cũng đã nghe tin, cũng
đã rất lo lắng. Khi bà nhắc đến tin đồn chỉ khiến cho một người im lặng vì
“đau” phải cáu gắt. Cũng phải hiểu cho ông Hai, khi một người đang đau sẽ khó
có thể thông cảm được cho nỗi đau của người khác. Không khí trong căn nhà chật
chội giờ trở nên khó thở hơn bao giờ hết…
Nỗi ám ảnh nặng nề, cảm giác đau
xót, nhục nhã đã biến thành nỗi sợ hãi thường trực trong ông Hai kể từ lúc nghe
được tin dữ ấy. Bằng chứng là ông tự dày vò mình trong căn nhà nhỏ bốn ngày liền.
Tất cả những gì ông làm được chỉ là nghe ngóng. Ông ngóng xem người ta bàn tán
chuyện đó ra sao…, ông “nơm nớp” … ông “chột dạ” ... Cứ thoáng nghe đến Tây, Việt
gian, cam - nhông... là ông “lủi ra một góc nhà, nín thít”. Đã đau đớn vậy rồi
mà ông vẫn cứ tìm thêm nỗi đau. Có lẽ, ông biết là không nên nhưng lí trí đã
thua, thua một con tim nồng nàn chẳng đổi!
Và
cuối cùng thì việc ông luôn thường trực một nỗi sợ hãi và đáng sợ hơn là mụ chủ
nhà bóng gió đuổi gia đình ông đi, bởi nhà ông là người làng Việt gian. “Thế
là tuyệt đường sinh sống! Cực nhục chưa! Đi đâu bây giờ?” Cái giống
làng Việt gian mới nhục làm sao? Đến một chốn dung thân cũng chẳng có. Chẳng
nơi nào chứa cái hạng người như thế. Nếu kiếm được cũng chẳng mặt mũi nào mà ở.
Đó là kết quả của những suy nghĩ quặn xé từ trái tim ứa máu của ông Hai.
Trước mắt ông lão chỉ có hai con đường. Ở lại thì không được rồi. Còn về làng…
Vừa chớm nghĩ thôi ông đã gạt phắt đi ngay. Là một người như ông, há ông chịu
quay về cái chốn nhục nhã đó nữa, quay về chẳng phải cùng hàng với bọn Việt
gian sao? Và “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ”. Ông đã khổ tâm
quá rồi. Chọn làng hay kháng chiến? Ông khổ tâm tới mức mà phải đau đớn thốt
ra: ”Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù!”
Mâu thuẫn nội tâm đã được đẩy lên đỉnh điểm. Ông sa vào bế tắc. Ông đã nén, nén
cái đau khổ quá nhiều rồi. Và cuối cùng, ông chỉ biết giãi bày tâm sự cùng đứa
con út. Với đứa con, ông trải hết cái tâm trạng trĩu nặng nỗi buồn. Trong cuộc
trò chuyện, ông vẫn đưa đứa con thơ ngây một tình yêu làng chợ Dầu tha thiết,
hình ảnh làng vẫn đau đáu trong tâm khảm ông. Và hơn hết, ông đã gạt bỏ cái
riêng mà hòa vào cái chung của kháng chiến. Gánh nặng trong ông đã vợi đôi phần.
Hình như, đến giây phút này từ trong tấn bi kịch đó lại sáng ngời lên một tình
cảm cao đẹp đó là tinh thần dân tộc, trung thành với cách mạng, với cụ Hồ: “Anh
em đồng chí biết cho bố con ông/Cụ Hồ trên đầu trên cổ soi xét cho bố con
ông…”. Tình cảm đó như là nguồn nghị lực vô tận đem đến sức sống cho
ông Hai. Ta chợt nhớ đến câu thơ của Trần Đăng Khoa trong trường ca “Khúc
hát người anh hùng”:
“Người
ta trong lúc hiểm nghèo
Hoặc vằng vặc sáng
hoặc heo hút tàn.”
Ông đã sáng, sáng chói lên lòng yêu nước chân thành của người nông dân hướng đến
cách mạng, đến cụ Hồ. Vẻ đẹp đó thực sự đáng ngợi ca.
Để
rồi, hình như ông trời đã không tuyệt đường sống của ai bao giờ, nhất là với những
người như ông. Nó đã đến, cái tin làng Chợ Dầu theo Tây được cải chính đã đến.
Ông Hai đã sống như thể vừa được hồi sinh một lần nữa sau cuộc chiến xung
đột nội tâm ghê gớm kéo dài vừa qua. Tình yêu làng, yêu nước đã trở về hòa quyện
sâu sắc hơn trong lòng người nông dân chất phác này. Ông Hai đã trút bỏ được sự
dằn vặt, đau khổ bấy lâu. Niềm vui đã trở lại trên khuôn mặt buồn thiu ngày trước.
Ông lão vui như chưa có lần nào vui hơn được nữa: “Mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp
mắt hung hung đỏ, hấp háy…” rồi mua quà cho con, đi khắp nơi sang nhà bác
Thứ, mụ chủ nhà, hễ gặp ai ông lại nói lại kể, lại cười. Và lại khoe: “Tây đốt
nhà tôi rồi bác ạ! Đốt nhẵn”. Niềm vui đó lớn đến nỗi khi kể về làng mình bị
đốt nhẵn, nhà mình bị cháy rụi mà chẳng quan tâm, chẳng bận lòng, dường như chẳng
hề hấn gì chỉ biết đến trước mắt là niềm vui kháng chiến, niềm vui cách mạng.
Hay là vì ông Hai đã trút đi được nổi hổ thẹn, cực nhục? Mọi thứ dường như tan
biến trong hạnh phúc dâng trào. Bây giờ lại có thể tự hào, hãnh diện khoe về
cái làng kháng chiến của mình nữa rồi.
Người nông dân chất phác, mộc mạc đã tìm được con đường vẽ ra chân trời mới cho
họ. Nhờ đó, cách mạng trở thành một phần trong họ - những người như ông Hai sẽ
đau khổ thế nào khi chân lí sống của mình bị xâm phạm. Cách mạng đã cho họ cuộc
sống mới và họ hiểu để trân trọng, để bảo vệ.
Tình huống làng chợ Dầu theo Tây được cải chính là cái kết cho cuộc xung đột nội
tâm gay gắt của ông Hai nhưng nó đã mở ra cả tâm và thế mới cho những nhân vật
trong truyện. Cái nhìn về làng chợ Dầu đã được thay đổi qua từng nét mặt của
ông Hai. Nhờ đấy mà toát lên một vẻ đẹp tình cảm xuất phát từ đáy lòng, máu thịt
- tình cảm gắn bó với làng quê, cách mạng, với Bác Hồ của những người nông dân
chân chất ấy.
Xây dựng được tâm lí ông Hai một cách ấn tượng và tinh tế là thành công lớn của
truyện nhắn ”Làng”. Qua đây, sự khám phá chiều sâu tâm trạng và tâm lí
nhân vật được Kim Lân nâng lên một tầm mới. Tác giả đã gửi lại sau “Làng” một
tình yêu, một niềm tin vào người nông dân Việt Nam trong buổi đầu kháng chiến
chống Pháp lắm gian lao.
Tác giả bài viết: Lê Trung
Anh