Trong chúng ta ai ai cũng có một lâu đài tuổi thơ thật đẹp. Mỗi kỉ niệm tuổi thơ làm nên một viên gạch xây dựng lâu đài, còn thời gian dát vàng, dát bạc lên lâu đài ấy, làm cho nó lung linh, huyền ảo.
Lâu đài của tôi không lung linh sắc màu cổ tích, không
cong cong như những chiếc cầu vồng bảy sắc, những lâu đài ấy đầy ắp kỉ niệm của
thời ấu thơ gắn liền với ruộng đồng, cây cỏ, gắn liền với lũ bạn chăn bò, bắt
cá, và gắn liền với những ngày lam lũ. Trở về lâu đài của mình, tôi từ từ mở
rộng đôi cánh thời gian. Và lần này đôi cánh thời gian đưa tôi về với cây gạo
đầu làng.
Cây gạo đứng cạnh con đường đi vào làng. Trong ánh mắt trẻ thơ của tôi, mỗi mùa cây gạo lại hiện ra những hình ảnh khác nhau. Mùa hè cây gạo đứng xòe ô che mát cho những ai lúc trưa chưa kịp về nhà. Mùa thu, cây gạo nâng vầng trăng vàng mọng lên cành, suốt đêm ngồi xe trắng như người kéo kén dệt tơ để rồi rải xuống làng những dải lụa mịn màng. Mùa đông, cây gạo trơ cành lá. Bầu trờỉ ẩm thấp lè tè mây xám. Cây gạo giống chàng lực sĩ khổng lồ, thân vồng căng, rễ tì đất, vươn cành như các cánh tay cuồn cuộn cơ bắp đỡ bầu trời lên không cho mây xám đè xuống làng. Mùa xuân, cây gạo đơm đầy hoa trông như mâm xôi gấc mẹ nấu ngày đầu năm. Nhìn từ xa, cây gạo như cô gái má hồng yếm thắm đội mâm xôi đầy ú ụ vào làng. Vậy là mùa hoa gạo bắt đầu.
Mùa hoa gạo bắt đầu từ một âm thanh rất quen thuộc, đó
là tiếng léo nhéo của lũ sáo sậu vừa ra ràng. Chẳng biết sáo từ đâu mà bay về
đậu kín trên cây đến nỗi cả cây gạo to kềnh mà không đủ chỗ cho chúng. Chúng
tranh giành nhau chỗ đậu, thức ăn, chúng cắn nhau khiến cho cả không gian mênh
mông chỉ toàn là tiếng sáo.
Những ngày tháng ba, cây gạo đỏ rực hoa như những đốm
lửa trên vòm trời xanh thẳm. Lũ trẻ con chúng tôi thường ra gốc gạo để nhặt những
“đốm lửa” ấy bất chấp cái sợ bởi câu “thần cây đa, ma cây gạo, cáo cú cây đề”.
Không hiểu sao cái màu đỏ hoa gạo lại có sức quyến rũ chúng tôi đến vậy? Thế là
cứ giành nhau từng bông gạo để rồi gom chúng thành đống. Hoa gạo bông to, cành
nào cũng dày và cong như những chiếc thuyền đỏ thắm, chúng tôi tách từng cánh
gạo rồi đem thả xuống con suối chảy qua làng. Những cánh hoa gạo trôi bồng bềnh
trên mặt nước xanh ngắt chở theo bao ước mơ bình dị của lũ chúng tôi. Sau này
nhớ lại, tôi cứ nhớ đến hình ảnh cánh buồm đỏ thắm của Lermontov. Chính cái đẹp
của thiên nhiên đã thấm sâu vào trong tâm khảm mỗỉ chúng tôi, nó bắt đầu từ
những đốm lửa lập lòe trên vòm trời xanh và cánh buồm bé xinh rất đỗi bình
thường ấy.
Mùa hoa gạo thường đi kèm với những cơn mưa bất chợt.
Lũ trẻ chạy xô dưới những cơn mưa rào đuổi theo bong bóng nước phập phồng, mưa
quất vào mặt, mưa òa trên vai, trên tóc... Những cơn mưa rào tháng ba ào qua
tuổi thơ cùng với màu đỏ khát khao của những chùm gạo đỏ.
Ngày ấy, tôi và lũ bạn thường nhặt hoa gạo rồi về nhà
rút trộm của mẹ một đoạn chỉ dài để xâu những cánh gạo thành chuỗi. Những chuỗi
hoa gạo trở thành vương miện trên đầu, thành những vòng dây chuyền trên cổ nuôi
dưỡng giấc mơ của các cô bé, cậu bé mong thành công chúa, hoàng hậu, trạng
nguyên...
Trong ký ức tôi còn lưu giữ kỷ niệm êm đềm của những
trưa yên tĩnh và nắng chang, cả đám con nít sau khi đã gom hết hoa gạo dưới gốc
liền mang xuống suối thả. Đợi cho những cánh gạo trôi ra xa liền nhảy xuống
nước vớt lên, đứa nào vớt được ít hơn phải chấp nhận thua cuộc và đối diện với
hình phạt là một buổi chăn bò cho cả đám.
Tuổi thơ đã quá xa, chỉ còn đọng lại trong ký ức.
Những dòm lửa gạo bập bùng cháy, những cánh buồm trôi nghiêng nghiêng chở bao
giấc mơ một thời. Cây gạo đầu làng giờ là dĩ vãng nhưng tôi biết nó đã già cỗi
nên hoa càng thưa thớt; những cánh tay vũ nữ nuột nà khi xưa giờ trở nên gầy
guộc; chẳng còn đám trẻ tranh nhau nhặt hoa gạo rơi; cũng chẳng còn ai kết hoa
gạo thành vương miện, không ai mơ làm công chúa. Trên con đường vào làng, hoa
gạo rụng đầy, người qua lại giẫm lên hoa gạo, lên hình ảnh của những giấc mơ
tuổi thơ hôm nào.