Thuyết minh về kính đeo mắt. Kính đeo mắt là một vật dụng rất quen thuộc và phổ biến trong đời sống thường ngày, Người ta sử dụng kính khi bị tật khúc xạ, khi bị lão thị, khi cần bảo vệ mắt hay chỉ với mục đích thời trang và thẩm mỹ.
Kính đeo mắt xuất hiện từ kỉ XIII. Đến năm 1352, trong một bức chân dung, người ta nhìn thấy Hồng y giáo chủ Jugon đeo kính có hai mắt, buộc vào một cái gọng. Vào thế kỉ XV, kính được sản xuất ở miền Bắc nước Ý và miền Nam nước Đức. Năm 1629, vua Charler của Anh đã kí sắc lệnh thành lập Hiệp hội các loại kính mắt. Năm 1730, một chuyên gia quang học người Luân Đôn sáng chế ra hai càng để kính có thể gá lên vành tai cho chắc chắn. Sau đó 54 năm, người ta chế tạo ra kính hai tiêu điểm là kính cận và kính viễn. Năm 1827, công nghệ sản xuất kính bắt đầu phát triển, công nghệ làm kính áp tròng cũng manh nha. Khoảng 60 năm sau, một người thợ thuỷ tinh Đức tên là Mile làm ra chiếc kính áp tròng đầu tiên. Ngày nay, phát minh này về cơ bản vẫn còn nguyên giá trị.
Cấu tạo của kính đeo mắt rất đơn giản. Một chiếc kính gồm hai bộ phận: gọng kính và tròng kính. Có thể nói, gọng làm nên vẻ đẹp của kính. Gọng là bộ phận nâng đỡ tròng và làm khung cho mỗi chiếc kính, gồm hai phần, phần trước là giá đỡ để mắt kính không bị rơi, phần sau là hai gọng được uốn cong, đeo vào vành tai, ôm sát lấy khuôn mặt. Gọng được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, nhưng chủ yếu từ nhựa bền và nhẹ. Bộ phận còn lại của kính là tròng kính, hay còn gọi là mắt kính. Tròng kính có hình vuông, ô van hoặc tròn… Sau khi chọn được gọng phù hợp, mắt kính sẽ được mài sao cho vừa khít với gọng. Mắt kính có thể làm từ nhựa chống xước, plastic hay thuỷ tinh nhưng đều phải đảm bảo độ trong, tránh được tia cực tím và tia uv.
Kính đeo mắt có nhiều loại. Đối với người bị cận thị, thấu kính lõm sẽ là lựa chọn thích hợp để giảm lượng hội tụ, đưa hình ảnh về trước võng mạc như mắt người bình thường. Ngược với kính cận chủ yếu dành cho người trẻ, kính viễn thường dành cho người có tuổi, bởi khả năng nhìn xa của họ kém dần theo thời gian. Với những người này, thấu kính lồi lại là sự lựa chọn thích hợp. Một số người vừa bị cận, vừa bị viễn, họ sẽ phải đeo kính hai tròng với mắt kính ghép, nửa lồi nửa lõm.
Những người bị viễn hoặc cận nhưng đòi hỏi tính thẩm mĩ cao như các vận động viên, các ca sĩ, các diễn viên thì việc sử dụng kính có gọng khá bất tiện, do đó, kính áp tròng ra đời, vừa mang lại tính thẩm mĩ lại vừa tiện lợi. Kính áp tròng có hình lòng chảo với kích thước to hơn lòng mắt một chút, đảm bảo bao trọn lấy mống mắt. Độ lõm của kính được thiết kế bằng đúng độ lồi của cầu mắt, do đó khi đưa vào mắt, kính sẽ tự động hút vào đúng vị trí và nằm yên tại đó. Kính áp tròng làm bằng plastic đặc biệt mềm để không tổn thương cho mắt.
Ngoài kính thuốc, công nghệ sản xuất kính thời trang cũng phát triển. Các loại kính râm có nhiều kiểu dáng vuông, tròn, ô van, chữ nhật. Có những loại kính có thể thay đổi màu khi tiếp xúc sới ánh nắng mặt trời, làm giảm độ chói và ảnh hưởng của tia cực tím.
Kính đeo mắt đem lại nhiều tác dụng như điều trị tật khúc xạ, tránh bụi, tránh tia cực tím,… Nếu chọn được một chiếc kính phù hợp sẽ tôn thêm vẻ đẹp của khuôn mặt, che lấp các khuyết điểm, tạo sự lịch lãm, thể hiện phần nào tính cách của người đeo.
Trong cuộc sống, đôi mắt là nhân tố không thể thiếu để xây dựng tri thức. Có nhìn thấy thì mới ngẫm nghĩ suy luận được. Kính đeo mắt vẫn mãi là bạn thân của con người trên con đường chinh phục đỉnh cao nhân loại. Hãy cùng biến lăng kính của cửa sổ tâm hồn mỗi người trở nên phong phú, hoàn thiện hơn.