Vào những ngày cuối tuần, tôi thường hay ngồi đọc sách, đó là một cách để thư giãn sau một tuần đi học mệt mỏi. Buổi sáng chủ nhật hôm ấy, tôi vẫn đọc sách như mọi khi thì bỗng bố tôi đi chơi. Tôi khá bất ngờ vì một người bận rộn như bố thường tranh thủ nghỉ ngơi ở nhà vào những ngày cuối tuần với những công việc đã thành thói quen như xem ti-vi, đọc báo… Tôi ngạc nhiên vội hỏi rằng hai bố con sẽ đi đâu, bố mỉm cười:
- Đó là một nơi rất thú vị, khi nào đến thì con sẽ
biết.
Nghe bố nói vậy, tôi không hỏi nữa và háo hức chuẩn
bị đi ngay.
Tôi đã tưởng tượng ra nào là công viên, khu vui
chơi… nhưng không ngờ rằng đó lại là một quán cà phê ở Hàng Buồm, Hồ Gươm thật
giản dị với cái tên “Lính”. Tôi cảm thấy tò mò và thích thú khi bước vào. Đây
là một quán cà phê rất lạ mà tôi chưa bao giờ đặt chân đến. Mọi vật trong căn
phòng có cái gì đó rất thiêng liêng. Những chiếc ba-lô của người lính, những
chiếc mũ cối, những khẩu súng trường, áo chống đạn… Tất cả như đưa tôi trở về
với quá khứ của một thời chiến tranh bom rơi đạn nổ.
Tôi nhìn toàn bộ căn phòng, nơi đây không khác gì một “viện bảo tàng nhỏ” trưng bày những ký vật thời chiến tranh. Đang say sưa ngắm nhìn xung quanh, chợt tôi thấy một bác trung niên tầm tuổi bố tôi, bước ra chào hỏi và bắt tay bố thân mật. Sau đó, tôi mới biết đó là một buổi hẹn trước của bố và một người bạn hồi còn đi lính. Quán hàng hôm nay thật yên tĩnh mà có cảm giác như không gian rộng lớn thu nhỏ về một góc nơi ba con người đang nói chuyện. Ba li cà phê bốc hơi nghi ngút, mở đầu cho cuộc nói chuyện giữa bố con tôi và người bạn của bố.
Bố giới thiệu với tôi rằng bác tên Trung, là người
bạn thân của bố thời chiến. Bố và bác Trung đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn,
thử thách trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt. Thoáng nhìn qua người bạn của
bố mình, tôi thấy dù bằng tuổi bố nhưng trông bác già dặn hơn đôi phần. Khuôn
mặt vuông chữ điền cùng với những vết chân chim nơi viền mắt tạo nên một vẻ
hiền hòa, từng trải và có cái gì đó trầm lặng. Con người bác toát nên một vẻ
giản dị mà nghiêm trang đồng điệu với không khí của quán cà phê kì lạ này. Đang
mải mê suy nghĩ chợt bác Trung hỏi tôi:
- Chắc cháu thắc mắc về quán cà phê này lắm nhỉ?
Tôi liền đáp lại:
- Dạ, vâng ạ. Sao quán cà phê này lạ thế hả bác?
Bác cười xòa, uống một ngụm cà phê, tiếp lời:
- Quán cà phê này với bác không phải là một cửa hàng
để kinh doanh mà nó là nơi lưu giữ những kỉ niệm, hồi ức về những năm tháng
không thể nào quên.
“Thì ra là vậy” – Tôi tự nói với chính mình. Tôi đã
phần nào hiểu được mục đích mà bố dẫn tôi đến đây. Thấy thích thú, tôi
hỏi:
- Vậy ấn tượng đặc biệt nhất của bác về thời chiến
là gì ạ?
Bác Trung không vội trả lời, ánh mắt hướng về góc
quán, nơi trưng bày những bức hình thời chiến. Đó là tấm hình của một vầng
trăng tròn, đẹp đến lạ thường. Vẫn nhìn vào đó, bác nói với tôi như đang tự nói
với chính mình:
- Đối với bác chiến tranh không phải chỉ về hình ảnh
bom rơi đạn nổ mà còn là về hình ảnh một người bạn đặc biệt đã giúp bác nhận
thức được nhiều điều về chân lí cuộc sống – vầng trăng.
Tôi thoáng ngạc nhiên, dường như đọc được vẻ sững sờ
trên khuôn mặt tôi, bác kể tiếp:
- Hồi nhỏ bác sinh ra và lớn lên ở một miền quê mà
nơi ấy có tất cả những vẻ đẹp đơn sơ, giản dị nhất của làng quê Việt Nam. Nơi
ấy có những đồng lúa, những dòng sông cùng với biển rộng và cát trắng. Vầng
trăng đã gắn bó với bác từ thời ấu thơ, bác có thể ngắm nhìn cái ánh sáng hư ảo
ấy ở mọi nơi. Bác vẫn còn nhớ, hồi nhỏ và mỗi buổi tối, bác cùng những người
bạn của mình ra ngoài biển vui chơi. Ánh trăng trên mặt biển sáng lấp lánh như
đang lướt theo những con sóng vỗ vào bờ. Làn gió thổi nhẹ mang theo cái vị mặn
mòi của biển cả, tiếng sóng biển rì rào và vầng trăng tỏa sáng lấp lánh mỗi đêm
mùa hạ êm như nhung đã in dấu và tuổi thơ bác. Rồi khi đi bộ đợi, vầng trăng
cũng lại gắn liền với bác. Chắc cháu sẽ nghĩ rằng cuộc đời của một người chiến
sỹ sẽ chỉ có súng đạn, khói lửa chiến tranh nhưng đời lính cũng có những giây
phút rất nên thơ và lãng mạn. Những lúc ấy, vầng trăng là tri kỷ. Trăng
đã luôn đồng hành với bác trên những con đường hành quân ra trận, những
buổi họp đội, những lần phục kích chờ giặc. Nhờ có vầng trăng, những người lính
như được tiếp thêm sức mạnh, thổi bùng lên những ước mơ và hy vọng hòa bình.
Bác đã ngỡ rằng mình sẽ không bao giờ quên người bạn tâm tình ấy. Vậy mà…
Ngừng lại, dường như tôi có thể nghe thấy một tiếng
thở dài nơi bác. Im lặng, tôi chờ bác nói tiếp:
- Sau khi kết thúc chiến tranh, bác lên thành phố
sinh sống. Khác với cuộc sống khổ cực nơi thôn quê thời chiến, cuộc sống thành
thị tiện nghi và hiện đại hơn nhiều. Ngày trước dường như ánh sáng của vầng
trăng là duy nhất, mỗi đêm hè chỉ ao ước ngồi ở thềm nhà để ngắm trăng. Học
cũng chỉ dưới ánh sáng lung linh huyền ảo ấy. Nhưng bây giờ đã khác. Không cần
đến trăng, mọi sinh hoạt của con người đều được rọi sáng bằng đèn điện. Thế là
bác cũng chẳng còn thói quen ngắm trăng nữa. Mỗi khi đêm xuống, vầng trăng xuất
hiện , bác cũng không còn cái háo hức chờ đợi. Vầng trăng đã trở thành người
dưng không quen biết. Cho đến một hôm, cả tòa nhà nơi bác sống bị mất điện. Căn
phòng tối om, bác vội bật tung cửa sổ, vầng trăng xuất hiện ngay trước mắt bác.
Trong lòng bác lúc ấy như có một xúc cảm mạnh mẽ trào dân khiến khóe mắt như có
gì rưng rưng. Nhìn thấy vầng trăng quen thuộc ấy, bao nhiêu kỷ niệm ùa về.
Những khoảnh khắc ngắm trăng hiện ra như trước mắt. Vầng trăng vẫn tròn đầy,
vẫn lung linh mặc cho thời gian có chảy trôi mặc cho người đời có thay
đổi. Chỉ trong giây phút ấy, bác đã hiểu ra được nhiều điều. Bác tự trách mình
đã vô tâm, đã quên đi một người bạn tri âm tri kỷ.
Giọng nói bác trầm ấm, đôi mắt bác đỏ hoe, có cái gì
đó lắng đọng. Có lẽ vì bác xúc động quá. Và như có một điều gì đã
vỡ lẽ trong tâm trí tôi. Tôi hiểu rằng mình được sinh ra và lớn lên ở thời bình
không hiểu được cái khó khăn gian khổ thời chiến. Hạnh phúc, sự yên ấm ngày hôm
nay có được là nhờ sự hi sinh nương náu của biết bao người. Vì vậy, mình phải biết
nhìn lại quá khứ, suy nghĩ về những điều mình đã làm, về moi người xung quanh
để cảm, để hiều và để trân trọng nhưng giây phút của hiện tại.
Trước khi hai con bố con tôi trở về nhà, bác Trung
đã tặng tôi bức tranh vầng trăng của quán và ôn tồn dặn tôi rằng:
- Cuộc sống giờ đây bộn bề với biết bao nhiêu tấp
nập và hối hả, con người ta dễ vô tâm, lãnh cảm với những giá trị truyền thống,
với quá khứ nghĩa tình. Đôi khi cháu phải biết nhìn “ngược”, sống chậm lại,
nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn.
Tôi liền nói cảm ơn với bác vì nhờ có câu chuyện của
bác ngày hôm nay mà cô bé này đã có thêm một bài học bổ ích trong cuộc sống.
Trên đường trở về nhà, tôi chợt nhớ đến một câu nói của nhà văn Nguyễn Minh
Châu: “Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn để tự
suy nghĩ về chính mình”.
Trần Ngọc Anh –lớp 9A4
Trường THCS Giảng Võ – Hà Nội