“Thơ bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”. Bằng hiểu biết về một trong ba tác phẩm Tự tình II (Hồ Xuân Hương), Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến), Thương vợ (Trần Tế Xương), anh (chị) hãy bàn luận về ý kiến trên.
BÀI LÀM
Trong Thần thoại
Hy Lạp, có câu chuyện kể về chàng Orpheus - người có giọng hát lay động lòng
người. Mỗi khi chàng cất tiếng hát, muôn loài đều lắng nghe và trầm trồ trước
tài năng của chàng. Bỗng một ngày, vợ chàng là Eurydice mất, điều đó đồng nghĩa
rằng nàng phải xuống cõi âm ti. Giây phút nhận ra mình mất đi người mình yêu
thương nhất, Orpheus đã cất lên những khúc ca đau khổ nhất, buồn bã nhất cùng với
đó là những giọt nước mắt xuất phát từ sâu thẳm trong trái tim…Chính nhờ những
tình cảm xuất phát từ tận đáy lòng cùng với tài năng vốn có, mọi người xung
quanh đều rung động trước những khúc ca của Orpheus. Câu chuyện về chàng
Orpheus khiến tôi suy nghĩ về quy luật sáng tạo trong văn học và nghệ thuật.
Nghệ thuật chân chính muôn đời đều sinh ra từ tình cảm chân thành nhất. Đó phải
là kết quả của mối quan hoài thường trực và tình yêu thiết tha. Và nhà phê bình
Viên Mai cho rằng: “Thơ bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”.
Là một trong những thể loại nảy sinh sớm nhất, thơ đã gắn bó với con người từ thời nguyên thủy. Đồng
hành cùng con người qua biết bao sung sướng, khổ đau nhưng cho đến tận bây giờ, chúng ta vẫn chưa thể đưa ra một định nghĩa xác đáng nhất dành cho thơ. Nếu Voltaire cho rằng: “Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm” thì Sóng Hồng lại liên tưởng đến hình ảnh “viên kim cương lấp lánh dưới ánh mặt trời” khi nghĩ về thơ. Hiểu một cách khái quát, thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những xúc cảm mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu. Những bài hát trong lao động của người nguyên thủy, những lời cầu nguyện nói lên những mong ước tốt lành cho mùa màng hay đời sống trong các bài niệm chú, đó có thể xem là những hình thức đầu tiên của thơ. Phải nói rằng thơ chỉ thực sự hình thành khi con người có nhu cầu tự biểu hiện cảm xúc. Vì vậy, khi nói “Thơ bắt rễ từ lòng người”, Viên Mai đã khẳng định rằng cội nguồn của thơ ca là cảm xúc. Thơ ca là tiếng hát của trái tim, là thứ được sinh ra từ “tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay những giọt nước mắt đắng cay” (Rasul Gamzatov). Một lần nữa, Viên Mai cũng đã khẳng định rất rõ cội nguồn của thơ ca trong “Tùy Viên thi thoại”: “Thơ là do cái tình sinh ra”. Bùi Dương Lịch cũng từng quan niệm: “Do tình sinh ý, do ý sinh chữ, bởi cái này mà có cái kia cũng là thế cả”. Thơ luôn thể hiện những rung cảm sâu sắc và tinh tế nơi sâu thẳm nhất trong trái tim thi sĩ. Những rung cảm ấy chính là linh hồn của thơ. Tuy vậy, những rung cảm ấy muốn được truyền đến người đọc phải “nở hoa nơi từ ngữ”. Lời thơ bao giờ cũng chắt lọc, giàu hình tượng, có khả năng khơi gợi cảm xúc nơi độc giả. Ngôn từ nghệ thuật đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối những cảm xúc, suy tư của nhà thơ với bạn đọc. Ngôn từ ấy chính là thể xác, là hình hài của thơ. Việc lựa chọn ngôn từ có tính thẩm mỹ chính là yêu cầu bắt buộc đối với thơ ca. Nhận định của Viên Mai đã bàn về hai khía cạnh không thể tách rời trong thơ: nghệ thuật và tình cảm.Trước hết, đây
là một quan niệm hoàn toàn đúng đắn. Thơ nói riêng hay văn học nói chung đều có
chức năng phản ánh hiện thực cuộc sống. Nhưng hiện thực ấy phải là hiện thực chủ
quan của thế giới khách quan. Hiện thực ấy đi qua lăng kính của người nghệ sĩ
và bước vào tác phẩm thơ đầy sống động và chân thực. Cảm xúc trong thơ ca là cảm
xúc mãnh liệt và bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống. Đó là những cảm xúc có được
từ việc người nghệ sĩ sống sâu sắc và dấn thân vào hiện thực cuộc sống. Đó là cảm
xúc của một cá nhân nhưng đồng thời cũng có sức lan tỏa lớn lao, mạnh mẽ để người
đọc đồng cảm. Bản chất giàu xúc cảm đã thôi thúc nhà thơ viết những trang thơ
thắm đẫm tình cảm. “Thơ là chữ nghĩa cũng không phải là chữ nghĩa, là ý thức mà
không phải là ý thức, là vô thức mà không hẳn là vô thức. Thơ đúng nghĩa là sự
bộc lộ tận cùng của nhà thơ”. Từ cảm xúc của thi sĩ đã hình thành nên linh hồn
của thơ. Dẫu vậy nhưng tình cảm trong thơ không phải là những điều tầm thường,
nhỏ nhặt mà đó là tình cảm siêu thăng, được soi chiếu dưới lý tưởng của thời đại.
Tình cảm trong thơ là tình cảm đã được ý thức, được siêu thăng, được lắng lọc
qua cảm xúc thẩm mỹ, gắn liền với khoái cảm của sự tự ý thức về mình, về đời.
Do đó, tình cảm trong thơ là tình cảm lớn, tình cảm đẹp và thấm nhuần bản chất
nhân văn. Chính nhờ những cung bậc cảm xúc đã làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm
văn học, giúp tác phẩm chạm vào trái tim bạn đọc, đồng thời mở ra một cánh cửa
để những tư tưởng, thông điệp của tác phẩm đến được với bạn đọc một cách tự
nhiên, nhuần nhị.
Bên cạnh cảm xúc
dạt dào, thơ cũng cần phải có ngôn từ nghệ thuật đẹp. Ngôn từ là tấm y phục của
thơ, là thân xác của thơ. Ngôn từ đẹp mang đến giá trị thẩm mỹ cho thơ, khơi gợi
ấn tượng về thẩm mỹ trong người đọc. Vì vậy, tác phẩm thơ sẽ sống mãi trong tâm
trí người đọc. Kế đến, ngôn từ nghệ thuật đóng vai trò truyền tải những tư tưởng
của nhà thơ trên trang giấy. Chỉ có ngôn từ đẹp mới có thể gửi gắm được những
tâm tư của nhà thơ đến với bạn đọc. Vẻ đẹp của ngôn ngữ được thể hiện ở hai
phương diện. Về ngữ âm, thơ ca rất giàu nhạc tính. Về ngữ nghĩa, ngôn ngữ hàm
súc, cô đọng, chính xác, giàu tính biểu cảm và đặc biệt là giàu tính họa. Có thể
nói, tình cảm và nghệ thuật trong thơ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chỉ
khi hai yếu tố tình cảm và nghệ thuật gắn bó chặt chẽ với nhau mới có thể tạo
nên tác phẩm có ý nghĩa.
Đến với thi phẩm
“Tự tình II” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, người đọc như được bước vào một thế giới
nghệ thuật mà ở đó tiếng nói của những cảm xúc dồn nén bấy lâu như vỡ òa ra:
“Chén rượu hương
đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng
xế khuyết chưa tròn
(...)
Ngán nỗi xuân đi
xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ
tí con con !”
Đọc bốn câu thơ,
ta cảm nhận được tâm trạng đau khổ của nhà thơ và cách bà đối diện với thực tại.
Từng lời, từng tiếng thơ của “Bà chúa Thơ Nôm” phảng phất nỗi cô đơn, lẻ loi tột
cùng; tất cả cô đơn như bủa vây nàng Xuân Hương. Phải chăng chính cảm xúc trào
dâng đã thôi thúc bản chất giàu xúc cảm của bà viết nên những vần thơ như vậy?
Trong khung cảnh cô đơn, lẻ loi và tĩnh mịch, ta lắng nghe được tiếng lòng của
chủ thể trữ tình. Cảm giác buồn tủi, đau đớn vì “vầng trăng” đã xế tàn, đã đi đến
con dốc bên kia cuộc đời nhưng vẫn chịu cảnh đơn chiếc, vẫn còn cô đơn, hiu quạnh.
Trong khung cảnh tưởng chừng nên thơ nhưng gợi nỗi buồn man mác ấy, Xuân Hương
tìm đến rượu. Nàng uống nhưng chẳng biết mình đang say hay đang tỉnh nữa. Say
trước những hiện thực phũ phàng của cuộc đời nhưng thẳm sâu trong tâm hồn và lý
trí vẫn còn đó sự tỉnh táo. Hồ Xuân Hương muốn trốn tránh cái thực tại phũ
phàng, muốn lạc vào cõi ảo mộng -nơi nàng tìm được hạnh phúc, nơi tình duyên vẹn
tròn, nơi Xuân Hương yêu và được yêu. Thế nhưng, thực tại không buông tha cho
người phụ nữ đầy tài năng thi phú ấy. Xuân Hương càng say lại càng nhớ, càng nhớ
lại càng đau. Nhớ về cuộc đời mình: cô đơn, lẻ loi dẫu rằng có nhan sắc, dẫu rằng
có tài năng nhưng cô đơn vẫn mãi bám chặt. Lại càng đau vì khó có thể chấp nhận
sự thật như vậy. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh khi bàn về thơ Hồ Xuân Hương đã viết:
“Đọc thơ Hồ Xuân Hương, thấy có đủ cả buồn khổ, đắng cay, chán chường, căm uất,
đủ cả oán thù, phẫn nộ, thậm chí muốn tung hê tất cả, phá phách tất cả…, nhưng
không bao giờ mất niềm tin ở cuộc đời, ở sự sống”. Dẫu cho có đau đớn, chán chường
đến nhường nào nhưng đến tận cùng bài thơ, ta chẳng thấy một giọt nước mắt nào
cả, còn lại đó là nụ cười chấp nhận rằng tuổi xuân rồi sẽ đi, vẫn khao khát yêu
dù vẫn cô đơn, vẫn là quả tim nồng ấm ấy nhưng đã rạn nứt một phần… Bằng những
cảm xúc ấy, “Bà chúa thơ Nôm” đã cất lên những vần thơ để tự đau cho chính
mình. Nếu không bắt rễ từ lòng người, không bắt rễ từ những cảm xúc chân thật của
chính mình, liệu rằng thơ Hồ Xuân Hương có thể chạm đến trái tim người đọc như
vậy không?
Từ cảm xúc chua
xót về cuộc đời mình, Hồ Xuân Hương đã thật sự thăng hoa cùng ngôn từ nghệ thuật.
Sử dụng thể thơ Thất ngôn Bát cú Đường luật nhưng Hồ Xuân Hương đã Việt hóa tối
đa để bài thơ thoát khỏi khuôn khổ của một bài thơ chữ Hán mà chỉ còn là một
bài thơ Nôm với ngôn ngữ tiếng Việt rất đỗi bình dân, tự nhiên và đậm đà, từng
từ ngữ dễ dàng đi vào trái tim người đọc. Qua đó, nhà thơ dễ dàng tìm được sự đồng
cảm. Những từ ngữ, hình ảnh giàu sức biểu cảm, đa nghĩa và gần gũi như: “xuân”,
“lại”,… hay những hình ảnh, thi liệu quen thuộc trong thơ trung đại như “chén
rượu”, “vầng trăng” càng biểu lộ rõ hơn tâm trạng, suy tư của chủ thể trữ tình.
Song song với việc chọn lọc từ ngữ vô cùng khéo léo, Hồ Xuân Hương đã vận dụng
rất thành công các phép đảo ngữ, phép tăng tiến “mảnh tình san sẻ tí con con”
càng làm cho tình yêu của chủ thể trữ tình ngày càng bé lại và cuối cùng cũng
chỉ còn là chút mờ ảo, chút kí ức đọng lại mà thôi. Cảm xúc và nghệ thuật của Hồ
Xuân Hương đã kết nối chặt chẽ và cùng nhau kiến tạo nên một thế giới tinh thần
riêng mà qua đó người đọc hiểu hơn về số phận nhà thơ, hiểu hơn về một xã hội
phong kiến tàn ác đã chèn ép, cướp mất quyền yêu và được yêu của người phụ nữ.
Có thể thấy
trong trường hợp của Hồ Xuân Hương nói riêng hay những nhà thơ, nhà văn nói
chung, tình cảm và nghệ thuật gắn bó với nhau sâu sắc. Tình cảm tác động lên
ngôn từ rất nhiều. Tình cảm, cảm xúc là định hướng để người nghệ sĩ mài dũa
ngôn từ, tạo nên tính thẩm mỹ của thơ. Nhà văn Nguyễn Khải từng viết: “Tình cảm
là khâu đầu tiên cũng là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng tác phẩm lớn”.
Tình cảm đóng vai trò then chốt, là cơ sở để hình thành thơ ca. Song song đó,
ngôn từ nghệ thuật truyền đạt cảm xúc của nhà thơ đến bạn đọc, những cảm xúc trở
nên lấp lánh và sáng lòa nhờ vào ngôn từ nghệ thuật độc đáo, giàu tính thẩm mỹ.
Nếu nhà thơ chỉ chú trọng vào tình cảm, thơ mất đi tính thẩm mỹ bắt buộc phải
có, người đọc khó đón nhận hơn. Còn nếu chỉ chú trọng vào hình thức nghệ thuật
thì thơ anh sẽ trở nên sáo rỗng, trở thành những “ánh trăng lừa dối”, không thỏa
mãn được điều kiện cần có của thơ ca: cảm xúc. Như vậy, cả hai yếu tố tình cảm
và nghệ thuật bổ trợ qua lại cho nhau, tạo nên chỉnh thể thẩm mỹ.
Mỗi nhà thơ cần
viết thơ bằng cảm xúc nhưng đó phải là cảm xúc chân thật, bằng hơi thở của nhịp
đập thời đại. Bên cạnh đó, nhà thơ cần lựa chọn ngôn từ phù hợp để biểu đạt
chính xác cảm xúc của mình. Đối với bạn đọc, mỗi độc giả cần “đọc suy nghĩ bằng
trái tim/ Và hãy đọc cảm xúc bằng lý trí”. Khi đọc một tác phẩm thơ, bạn đọc cần
chiêm nghiệm, nghiền ngẫm để rồi nhận ra và tiếp thu những tư tưởng và thông điệp
mà nhà thơ gói ghém vào. Tránh sự hời hợt trong quá trình đọc thơ. Có như vậy,
nhà thơ và bạn đọc mới có thể gần nhau hơn.
“Ai bảo dính vào
duyên bút mực
Suốt đời mang lấy
số long đong”.
Nhà thơ Nguyễn
Bính đã cất lên những câu thơ như vậy. Theo đuổi thơ ca là một hành trình gian
nan, chính vì vậy chỉ khi hội tụ đủ cái tâm, cái tài, thi sĩ mới có thể viết
nên những tác phẩm có giá trị. Nhận định của Viên Mai quả là một nhận định đúng
đắn, đã gửi gắm một bài học hữu ích cho quá trình sáng tác thơ. Hỡi thi sĩ !
Hãy lắng nghe lời khuyên của A.De Myutxe:
“Hãy đập vào tim
anh
Thiên tài là ở
đó”.
Nguồn: Sưu tầm