Đề bài: Hãy đóng vai ông Hai kể lại sự việc từ khi ông nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc đến khi nghe được tin cải chính.
Ôi cái làng Dầu của tôi! Vẫn cái phong vị ngọt ngào
của lúa non đồng nội. Vẫn con đường gạch đá xanh rơn. Bầu trời cao thẳm, rộng bao
la, vương chút nắng xuống mái đình cổ kính. Tôi đã yêu và yêu biết nhường nào
cái mảnh đất này, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Bọn giặc đáng khinh kia đã tàn
nơi đây. Làng Dầu không còn như ngày tôi phải rời làng đi tản cư nữa. Nhưng giờ
trở lại, lòng tôi vẫn thế, vẫn vẹn nguyên không hề thay đổi. Trong tôi có cái
gì nao nao rất lạ. Một cảm giác nhớ nhớ, xen một chút thương, pha đôi sự tự
hào. Tôi như vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Hạnh phúc vì thực sự cái đau khổ của
một ngày xa xôi kia chỉ còn là hồi ức, hồi ức không đẹp nhưng lại làm cho con
người ta nhớ mãi chẳng thể quên.
Đó là một ngày nắng. Cũng cách đây mấy năm rồi. Và tôi
thì cũng không còn nhớ rõ cho lắm.
Tôi ngóng đứa con gái lớn từng lúc một. Mong nó về
nhanh nhanh để trông nhà trông cửa, để tôi còn được làm cái việc mà tôi vẫn
làm. Một lúc sau, nó về. Tôi dặn dò con vài câu rồi bước vội ra ngoài. Đường
vắng hẳn người qua lại. Trời lồng lộng gió nhưng vẫn không đủ để thổi đi cái
nắng nóng của mùa hè. Nắng thế này thì bỏ mẹ chúng nó. Tôi nghĩ rồi nói lớn. Có
người đi ngang qua, bỡ ngỡ hỏi lại:
- Chúng nó nào?
- Tây ấy chứ còn chúng nó nào nữa. Ngồi vị trí giờ
bằng ngồi tù.
Nói rồi tôi bước thẳng. Cũng như thường lệ, tôi ghé
vào trạm thông tin nghe ngóng tình hình chiến sự. Biết bao là tin hay. Ruột gan
tôi cứ như múa cả lên. Vui quá! Nhưng dường như hạnh phúc của con người thật là
bé nhỏ. Ngờ đâu cái vui vẻ ấy chỉ là một ngày lặng gió trước khi giông tố nổi
lên. Bước ra khỏi phòng thông tin, tôi rẽ vào dặn vợ vài việc rồi theo lối
huyện cũ mà đi. Tôi tạt qua quán nước ngồi. Ở đây, những tốp người tản cư dưới
xuôi lên đứng ngồi lố nhố. Nghe một người đàn bà nói bọn Tây nó vào làng Chợ
Dầu, nó khủng bố, tôi lo lắng, quay phắt lại lắp bắp hỏi:
- Nó… Nó vào làng Dầu hở bác? Thế ta giết được bao
nhiêu thằng?
- Có giết được thằng nào đâu. Cả làng chúng nó Việt
gian theo Tây còn giết gì nữa!
Giọng người đàn bà the thé, đầy mùi căm giận. Nó như
gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt tôi. Tôi bàng hoàng. Cổ họng nghẹn ắng lại, da
mặt tê rân rân, tưởng như đến không thở được. Khóe mắt cứ giật giật, các dây
thần kinh như tê liệt. Một lúc lâu sau, tôi mới rặn è è, nuốt cái gì vương
vướng ở cổ, hỏi lại, giọng lạc hẳn đi:
- Liệu có thật không hở bác? Hay lại chỉ…
- Thì chúng tôi vừa ở dưới đấy lên đây mà lại…
Tôi chưa dứt lời thì người ta đã nói. Dứt khoát. Chắc
như đinh đóng cột. Tôi đờ người. Hai tai ù ù. Chẳng còn nghe thấy gì cả. Giọng
người kia như lẫn vào trong gió. Tôi trả tiền nước, lảo đảo đứng dậy. Chèm chẹp
miệng, cười nhạt một tiếng:
- Hà, nắng gớm, về nào…
Tôi nói với mình mà như chẳng nói với ai. Tôi tự trấn
an mình. Lảng ra một chỗ rồi bước hẳn, không dám quay đầu lại nhìn. Tôi cúi gằm
mặt xuống mà đi, như mình vừa làm điều gì đó tội lỗi lắm. Về đến nhà, tôi nằm
vật ra giường.
Nhìn lũ con, chẳng hiểu sao nước mắt tôi cứ giàn ra.
Mắt mờ đi, nhạt nhòa. Mấy đứa nhở… Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy
ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi
đầu… Tôi nắm chặt hai tay, móng đâm vào da thịt, đau nhói. Tôi rít lên như một
con thú bị thương, đau đớn đến tột cùng:
- Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi
làm cái giống Việt gian ban nước để nhục nhã thế này.
Tôi bỗng ngừng lại, ngờ ngợ. Tôi nhớ lại từng người.
Họ toàn những người có tinh thần cả mà. Họ quyết không chịu đi để ở lại giữ
làng, định bụng một phen sống mái với lũ chúng nó. Có đời nào họ chịu nhục nhã
mà đi làm cái điều kinh khủng ấy!... Nhưng không! Không có lử thì làm sao có
khói? Ai người ta đi đặt điều vu oan cho mà làm gì? Chao ôi! Cực nhục chưa? Cả
làng Việt gian! Rồi đây biết sống ra sao? Ai người ta chứa? Ai người ta buôn
bán mấy?... Tôi cứ bần thần nghĩ ngợi. Mọi thứ rối tung lên, như tơ vò, một mớ
bòng bong. Gỡ thế nào cũng không ra được. Thôi thì cắt đi cho nhẹ nợ. Bụng bảo
dạ, tôi cố nhét cho sâu cái chuyện đó vào sâu trong bộ não. Nhưng dường như vợ
tôi cũng biết chuyện đó rồi. Chiều về, bà ấy uể oải, cái mặt nặng như đeo chì.
Mãi khuya, bà ấy mới dám lôi chuyện ấy ra. Vừa nói, hỏa khí trong tôi đã bùng
lên. Thế là im bặt, nhẫn nhục.
Đêm xuống yên ắng đến lạ. Đêm đen như mực, như chỉ trực
đợi tôi nhắm mắt là sẽ ôm trọn tâm hồn tôi. Tôi vẫn trằn trọc không sao ngủ
được. Hết trở mình bên này lại trở mình bên kia, thở dài. Chợt lặng hẳn đi, tôi
nghe có tiếng léo xéo ở gian trên. Tiếng mụ chủ… Mụ nói cái gì vậy? Mụ nói cái
gì mà lào xào thế? Trống ngực tôi đập thình thịch. Nín thở, ruột gan như sôi
lên, tôi lắng tai nghe ra bên ngoài…
Từ ngày hôm ấy, tôi chỉ ru rú một góc nhà, đến cả nhà
bác Thứ cũng không dám sang. Tủi hổ lắm! Tôi còn mặt mũi nào mà nhìn người ta
nữa?... Ruột gan tôi lúc nào cũng như lửa đốt. Cứ một đám đông túm lại tôi cũng
để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa cũng nơm nớp lo sợ, thoáng nghe thấy mấy
tiếng Tây, Việt gian… là lại chột dạ. Lủi thủi trong nhà, nin thin thít. Thôi
lại chuyện ấy rồi! Các cụ đã nói “Ghét của nào trời chao của ấy”. Đúng như
nhũng gì tôi lo sợ, mụ chủ đã đến, ý tứ đuổi khéo chúng tôi. Phải rồi! Ai người
ta dại mà đi chứa lũ bán nước cơ chứ? Tất cả đang quay lưng lại với tôi. Thật
đáng sợ! Thật là tuyệt đường sống! Biết đem nhau đi đâu bây giờ? Biết đâu người
ta chứa gia đình tôi? Cứ nghĩ, nghĩ và nghĩ mãi. Những ý nghĩ đen tối, ghê rợn
cứ theo đó mà len lỏi vào tâm chí tôi. Từng bước, từng bước một, chúng thống
lĩnh suy nghĩ của tôi… Hay là quay về làng?...
Nước mắt tôi cứ giàn ra. Mặn chát. Về làng ư? Không…
Không… Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ. Về làng đồng nghĩa với việc
chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây. Không thể được! Làng thì yêu. Yêu thật!
Nhưng làng theo Tây mất rồi. Làng đã phản bội lại ta thì phải thù.
Tôi bế thằng út, xoa đầu nó, hỏi khẽ:
- Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con
là con ai?
- Là con thầy mấy lị con u.
- Thế nhà con ở đâu ?
- Nhà ta ở làng Chợ Dầu.
- Thế con có thích về làng mình
không ?
Thằng bé cúi mặt, vân vê gấu áo
như suy nghĩ cái gì đó. Nó nép đầu vào ngục tôi, khẽ trả lời :
- Có.
Tiếng nó khẽ khàng. Như tiếng
lòng của chính bản thân tôi. Sao tôi vẫn cứ yêu cái làng ấy đến thế ? Tôi
lại hỏi :
- Thế con ủng hộ ai ?
- Con ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn
năm !
Mắt thằng bé mở to hết cỡ. Đôi mắt long lanh ấy ánh
lên một niềm vui bất tận. Thằng bé trả lời dứt khoát. Nước mắt tôi lại trào ra,
ấm áp.
- Ừ đúng rồi, ủng hộ cụ Hồ con nhỉ.
Tôi thủ thỉ với thằng bé. Tôi khắc sâu vào lòng thằng
bé mà cũng như tự nhủ với lòng mình, tự minh oan cho chính mình. Cái lòng bố
con tôi như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn
sai.
Cứ như vậy cho đến ngày hôm ấy. Tôi nhận được tin cải
chính. Như trút được gánh nặng trong lòng, tôi mua quà cho lũ trẻ. Rồi lật đật
đi khoe với hàng xóm láng giềng. Phải! Phải! Phải cho mọi người cùng biết cái
tin ấy chứ.
- Tây nó đốt làng tôi rồi. Nhà tôi bây giờ chỉ còn lại
một đống tro đên sì. Ông chủ tịch làng tôi vừa lên cải chính. Cải chính cái tin
làng Chợ Dầu chúng tôi Việt gian theo giặc ấy mà. Ra láo! Láo hết, chẳng có gì
sất. Toàn sai sự mục đích cả!
Cái nhà cháy ấy là minh chứng cho việc làng tôi không
theo giặc. Tôi hô hào như để trút bỏ những phiền muộn vừa qua. Đã thật! Ai cũng
mừng, cũng vui cho tôi…
Tiếng mấy đứa con léo réo. Thằng út kéo tay tôi gọi
lớn, kéo tôi ra khỏi hồi tưởng. Tôi nhìn quanh. Mắt ngân ngấn lệ. Tôi nhấc bổng
thằng nhỏ, hôn nó cái chụt. Nó cười khúc khích, tiếng cười như tan vào gió, như
mang niềm hạnh phúc của tôi bao trùm lên cả làng Dầu. Tôi gói ghém những hồi ức
đó, nhét vào một nơi thật sâu rồi vững bước, thẳng về phía trước, thẳng về cái
làng của tôi. Còn hồi ức kia, nó chỉ làm cho tình yêu làng của tôi thêm nồng
đượm mà thôi… Tôi tin rằng, tương lai vẫn còn ở phía trước. Và tôi sẽ gieo hạt
ở nơi đây để hạnh phúc nở hoa nơi chốn này.