Mỗi chúng ta được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của rất nhiều người. Đó là ông bà, cha mẹ thầy cô... Vì vậy chúng ta có rất nhiều người để yêu thương. Nhưng chắc rằng ai cũng sẽ có người mình yêu thương nhất. Với tôi người đó là ông nội.
Ông tôi đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe. Đôi mắt ông còn rất tinh khi đọc báo, ít phải dùng đến đôi kính lão. Da ông đã nhăn nheo theo thời gian, tuy vậy ông vẫn siêng tập thể dụng hằng ngày nên thân thể vô cùng săn chắc.
Ông tôi rất hiền lành và hóm hỉnh. Gặp ông lần đầu ai cũng ấn tượng bởi nụ cười hiền và bộ râu dài như cước. Trông ông thật giống ông tiên trong truyện cổ tích. Có nhiều người hay hỏi ông rằng: “Bác là giáo sư hay nhà thơ ạ?”. Ông chỉ cười: “Tôi là người nông dân thực thụ”.
Ông là một giáo viên rất mẫu mực. Giảng bài ở lớp mà học sinh không hiểu, tối ông bảo về nhà, giảng thật hiểu thì thôi. Bố tôi vẫn hay kể thế, kèm theo lời quả quyết: "Chẳng trách bây giờ ông vẫn có học trò đến thăm suốt, không cứ lễ, Tết, lúc nào ông cũng có khách.
Tôi cũng thắc mắc bởi ông là giáo viên đã về hưu, một nghề cao quý thế. Tại sao ông chỉ khiêm tốn nhận mình là một người nông dân? Ông làm thơ cũng hay nữa. Ông lại cười hiền: “Giáo viên là người nông dân trên cánh đồng chữ mà cháu. Với lại ngày xưa giáo viên nghèo lắm, sáng đi học, chiều phải làm thêm mới đủ nuôi bố cháu, cô và các bác chứ”.
Hằng ngày, ông hay viết bài gửi cho báo, viết sách về dạy và học văn, giải nghĩa của các thành ngữ, tục ngữ. Ông còn rất giỏi tiếng Hán nữa. Ngày Tết, nhìn ông viết câu đối gửi những người bạn bằng bút lông trên giấy đỏ, chẳng khác gì những ông đồ già ở Văn Miếu. Ông còn là thành viên của hội Văn nghệ Việt Nam và các CLB Thơ, văn người cao tuổi. Đâu đâu ông cũng được mọi người yêu quý.
Ông còn có một thú vui khác là trồng và chăm sóc cây. Các cây trong vườn như “biết ơn” ông, chúng đua nhau ra hoa, kết quả, thơm lừng cả vườn.
Tôi rất yêu ông. Tôi mong ông sẽ sống thật lâu với chúng tôi, để chúng tôi được “ông tiên” ở đời thực dẫn đường vào một thế giới tuổi thơ tươi sáng, đầy thơ mộng”. Ông còn có “tài lẻ” là nấu nướng. Các món cá tẩm bột, canh măng ông làm ngon không kém bà. Biết chúng tôi thích món cá tẩm bột, khi chúng tôi về thăm là ông lại làm món đấy. Trời lạnh mà ngồi bên ánh lửa tí tách nghe ông kể chuyện thì thật là thích".
Bài viết của học sinh Đặng Ái Duyên (lớp 6C, trường THCS Lê Ngọc Hân, Hà Nội)