MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Vẻ đẹp nhân vật trữ tình trong Xuất dương lưu biệt

 Tố Hữu đã từng viết trong bài thơ “Theo chân Bác” của mình:

“Phan Bội Châu câu thơ dậy sóng

Bạn cùng ai đất khách dãi dầu”

Nhắc đến Phan Bội Châu là nhắc đến một nhà cách mạng yêu nước với hướng đi mới về độc lập dân tộc. Với nhiều nhà văn, nhà thơ, sáng tác văn học là cuộc đời. Nhưng Phan Bội Châu thì khác, ông dùng ngòi bút của mình như một công cụ để phục vụ cách mạng, thể hiện lòng yêu nước và cái “tôi” của người chí sĩ cách mạng. Trong một bộ sưu tập đồ sộ những tác phẩm gắn liền với tinh thần dân tộc, nổi bật bài thơ “Xuất dương lưu biệt” – một sáng tác bộc lộ ước mơ lớn của ông ở nơi đất khách quê người. Qua tác phẩm, ta còn thấy hình tượng nhân vật trữ tình được khắc họa rõ nét, phản ánh cả cuộc đời của một nhà Nho dám dũng cảm không đi theo lối mòn xưa cũ.

Nhân vật trữ tình được hiểu là một cách bộc lộ tình cảm cảm xúc trong tác phẩm văn học, trực tiếp chính là tác giả, hay gián tiếp bằng cách tác giả hóa thân vào nhân vật trong thơ để thể hiện. Đôi khi, nhân vật trữ tình chỉ biểu hiện qua câu thơ, ý chữ chứ không có đối tượng biểu đạt cụ thể. Nhưng dù bằng cách này hay cách khác, đây cũng là một nét đẹp nghệ thuật trong thơ ca, được các nhà thơ thường sử dụng để diễn tả tâm trạng. Với “Xuất dương lưu biệt”, nhân vật trữ tình không ai ngoài tác giả. Nỗi niềm “dân là dân nước, nước là nước dân” của Phan Bội Châu qua từng ý thơ, nhịp điệu, biện pháp tu từ đều rõ ràng hơn bao giờ hết. Là người khơi nguồn cho văn chương trữ tình cách mạng, sáng tác của ông – đặc biệt trong bài thơ này mang đến vẻ đẹp vừa lãng mạn vừa hào hùng với tấm lòng sôi trào hi vọng cứu nước.

Tấm lòng ấy thể hiện qua hai câu thơ đầu một quan niệm mới về chí làm trai và tầm vóc con người trong vũ trụ. Là một đấng nam nhi “đầu đội trời, chân đạp đất”, người thanh niên phải sống sao cho phi thường, hiển hách. Khó khăn, thử thách, gian nan cuộc đời đâu dễ làm chùng bước những con người nắm giữ vận mệnh núi sông. Việc cần làm là đối mặt với chúng, xoay chuyển càng khôn, đổi dời thời thế, biến không thể thành có thể, chứ lẽ nào họ đi an phận, nhàn hạ ở quê nhà, ngày ngày trôi qua một cách tẻ nhạt, chán chường, buông xuôi số phận. Điều đó được khẳng định qua cuộc đời của Phan Bội Châu – “vị anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được mấy mươi triệu con người yêu quý”. Vốn tài năng văn chương của ông quá đủ để ông ghi tên mình trong tiếng tăm lịch sử, nhưng ông tâm niệm việc cần làm nhất lúc bấy giờ chính là tìm ra con đường cứu nước mới, giải phóng dân tộc khỏi vòng nô lệ, khỏi khổ đau dưới ách thống trị đế quốc. Ông cầm bút do yêu cầu cách mạng, xem đó như một việc phụ trợ cho công cuộc tuyên truyền, vận động, khơi dậy lòng yêu nước sâu thẳm chất chứa trog tim mỗi người, bởi một bài thơ luôn có sức thu hút hơn vạn lời kêu gọi. Đó chẳng phải nhà thơ đã trực tiếp lấy bản thân mình làm minh chứng hùng hồn cho quan niệm mới về chí làm trai phải phục vụ Tổ quốc, nhân dân hay sao?

“Sinh vi nam tử yếu hi kì

Khẳng khứa càng khôn tự chuyển di”

Hai câu thơ trên với giọng thơ ngang tàng, khỏe khoắn, từ ngữ mạnh mẽ, bộc lộ bản lĩnh thách thức cuộc đời của người thanh niên trong thời đại mới.

Là con người tồn tại, ai cũng gánh trên vai ít nhiều những trách nhiệm khác nhau. Với người thanh niên cũng vậy. Trách nhiệm của họ trước hết là phải luôn kết nối giữa con đường của mình và hướng đi của quê hương, dẫn dắt Tổ quốc này đến một tương lai tươi sáng, thoát khỏi chuỗi ngày bị trị đau đớn, lầm than. Đó cũng là vẻ đẹp của nhân vật trữ tình được thể hiện qua hai câu thực:

“U bách niên trung tư hữu ngã

Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy”

Bằng cách sử dụng phép đối “Ư bách niên trung” – “Khởi thiên tải hậu” và “hữu” – “vô”, tác giả vừa khẳng định vai trò của bản thân giữa cuộc thế, vừa nương theo một khát vọng chính đáng về sự tín nhiệm thế hệ mai sau. Trong một trăm năm có ông tồn tại, cống hiến và giúp ích cho đời, đất nước đã có những bước chuyển quan trọng, tuy không hoàn toàn thoát khỏi ách đô hộ của thực dân nhưng phần nào làm cháy lên ngọn lửa hi vọng độc lập của nhân dân. Rồi đây, khi con người không thể vượt qua cái gọi là “sinh, lão, bệnh, tử”, đất nước mất đi một nhân tài như ông thì liệu tương lai còn được trông đợi? Câu hỏi tu từ là sự phân vân của tác giả, ông như cổ vũ tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ, đồng thời cũng gợi một chút lo lắng của mình cho quê hương. Ở bản dịch thơ, chữ “ta” của bài thơ gốc được dịch thoát nghĩa thành “tớ”. Từ “tớ” này mang chút hóm hỉnh, lạc quan, có nét trẻ trung của thanh niên, nhưng lại thiếu đi sự nghiêm túc, mạnh mẽ, quan trọng khi khẳng định tư thế hiên ngang vào đời của câu thơ chữ Hán. Đoạn thơ nói về ước mơ cao cả và niềm tin của một con người sống với trách nhiệm lớn – cái “tôi” cá nhân vĩ đại sẵn sàng chịu trách nhiệm với bản thân và với non sông, đất nước.

Vẻ đẹp của nhân vật trữ tình ở hai câu luận tiếp tục được diễn tả qua thái độ của tác giả trước hoàn cảnh đất nước và những tín điều xưa cũ. Phan Bội Châu sinh ra trong bối cảnh nước mất nhà tan. Dù không phải chứng kiến hằng ngày những trận chiến đẫm máu, tàn khốc hiện lên trước mắt, nhưng đối mặt với kiếp sống nghèo nàn của nhân dân, tiếng than, tiếng oán, tiếng hận như cứa vào tâm can nhà thơ. Cũng như Trần Hưng Đạo từng viết: “ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Chỉ căm tức chưa xẻ thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù.” Có lẽ, tác giả cũng từng đau rất nhiều vì hiện thực phũ phàng, xót xa:

“Giang sơn tử sĩ sinh đồ nhuế,

Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si!”

Nỗi nhục này, ai sẽ thấu hiểu cho ông? Vinh và nhục – sống và chết, ranh giới mỏng manh đặt ra thử thách làm sao khôi dậy sự độc lập và hưng thịnh của nước nhà. Sự tồn vong dân tộc như tảng đá đè nặng trong lòng, ngày nào chưa giành lại tự do, nhà thơ vẫn còn cảm thấy khổ sở. Tấm lòng đó làm thổi bùng lên ý chí sắt thép của con người không cam chịu sống nô lệ, đúng với truyền thống đạo lí ngàn đời của ông cha ta. Lúc bấy giờ, sách vở thánh hiền đã chẳng còn giúp ích được gì trong thời loạn lạc. Nhà thơ bàn về việc học bằng cách tự giãi bày, bộc bạch, thẳng thắn đối diện với quan niệm đã lạc hậu rồi. Phải thay đổi, vì chỉ có thế mới có được tư tưởng sáng suốt nhất, làm cương lĩnh cho sự nghiệp cứu nước khẩn cấp, cần thiết tức thì. Bám vào học hành chỉ có lối mòn duy nhất, nay đã thành ngõ cụt, cũng sẽ không tránh khỏi lạc đường. Tất nhiên, hướng đi mới chính là ánh sáng, là tương lai, là bộ mặt mới của quốc gia này.

Cuối bài, tác giả kết thúc bằng hai câu thơ diễn tả tư thế và khát vọng hành động buổi lên đường “xuất dương” sang xứ sở lạ:

“Nguyện trục trường phong Đông hải khứ

Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”

Các hình ảnh khoa trương, phóng đại được tác giả sử dụng làm thiên nhiên như hòa nhập vào con người, cùng đồng hành thực hiện lí tưởng lớn lao. Các hình ảnh này trong bản dịch thơ là “bể Đông”, “cánh gió”, “muôn trùng sóng bạc”, mang đầy vẻ đẹp lãng mạn, nhẹ nhàng, êm ả, bình lặng, giảm đi khí thế hùng mạnh, vĩ đại. Ngược lại ở bài thơ chữ Hán, cụm từ “nhất tề phi” vẽ nên biểu tượng con người được chắp đôi cánh lớn bay lên vượt tầm thực tại, xuyên qua bầu trời thẳng đến vũ trụ bao la. Qua đó, đọc giả cảm nhận được hai tầng nghĩa của cùng một câu thơ, vừa đẹp lãng mạn vừa mang tính sử thi. Nếu như tính sử thi trong văn học trung đại gắn với vua, mang tính “trung quân ái quốc”, thì ở bài thơ này, tác giả đã kế thừa truyền thống văn học và nâng khuynh hướng này lên với văn học hiện đại, gắn với yếu tố cá nhân và cộng đồng. Nét hiện đại này tạo hiệu quả tích cực, làm cho bài thơ thêm hấp dẫn và phát huy mục đích cổ vũ lẽ sống tích cực ở thế hệ trẻ: sống để phục vụ Tổ quốc, nhân đân.

Vào những năm đầu thế kỉ XX, khi nước nhà lâm vào chế độ thực dân nửa phong kiến, có một nhà chí sĩ cách mạng đã lãnh tụ nhiều phong trào cứu nước mới. Bài thơ “lưu biệt khi xuất dương” là lời giã từ của người trước khi lên thuyền đến nơi chân trời mới. Bài thơ mang tư tưởng tiếp nối truyền thống yêu nước trong văn học trung đại, lại mở ra nhiều ý độc đáo, đặc biệt mà văn học hiện đại đang trong quá trình khai thác. Sự hòa quyện, tổng hợp ấy làm nổi bật lên vẻ đẹp của hình tượng nhân vật trữ tình trong bài. Tác phẩm đã hoàn thành tốt vai trò, mục đích của nó khi khích lệ những thanh niên tran đầy nhiệt huyết tham gia con đường giải phóng dân tộc, đi theo tiếng gọc quê hương và thực hiện trách nhiệm “làm trai” giữa đời như Nguyễn Công Trứ từng nói:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông”.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo