Làng là truyện ngắn xuất sắc của
Kim Lân được viết trong kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm đã khắc họa tình yêu
làng, yêu nước một cách hồn nhiên, trong sáng và thánh thiện của người nông dân
Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Tình cảm đó được khắc họa một cách đậm nét
và sinh động qua hình tượng nhân vật ông Hai trong Làng.
Ấn tượng đầu tiên mà ông Hai để lại
cho người đọc chính là “tật” khoe làng của ông. Ngày nào cũng vậy, ông Hai thường
sang nhà bác Thứ để nói chuyện về cái làng của mình. Đối với ông Hai, làng ông
là nhất. Bất cứ thứ gì làng ông cũng đều nhất hết. Trong con mắt của ông Hai,
không đâu bằng làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tuy nhiên, cái “tật”
khoe làng của ông Hai cũng thay đổi cùng với sự thay đổi về nhận thức của người
nông dân sau cách mạng tháng Tám. Trước cách mạng, ông tự hào vì làng ông có
cái sinh phần của cụ tổng đốc to nhất vùng. Cái chân của ông bị tật cũng vì
tham gia xây dựng cái sinh phần đó. Ông tự hào vì mình đã góp phần để làm nên
niềm tự hào của quê hương.
Ông Hai khoe làng ông toàn lát đá xanh: “trời mưa trời gió đi từ đầu làng đến cuối xóm, bùn không dính đến gót chân…”
Sau cách mạng, ông khoe làng ông
có “phòng thông tin tuyên truyền rộng rãi, khang trang nhất vùng…”
Đặc biệt, ông Hai khoe làng một
cách nhiệt thành. Ông không cần người khác phải chú ý lắng nghe, cũng không cần
biết họ có nghe hay không; ông chỉ nói để thỏa niềm tự hào, nỗi nhớ da diết của
mình đối với cái làng đã gắn bó với ông gần trọn cuộc đời.
Kháng chiến chống Pháp nổ ra. Ông
Hai hăng hái đào hào, đắp ụ với anh em dân quân du kích. Ông lại đem hết sức
mình để bảo về quê hương. Nhưng rồi, đòi hỏi của kháng chiến, của bà con hàng
xóm buộc ông phải đi tản cư. Ở nơi tản cư, ông Hai nhớ quê quay quắt. Từ một
người hoạt bát, vui vẻ, ông trở nên hay cáu bẳn. Nỗi nhớ quê, nhớ anh em còn ở
lại chiến đấu cứ dày vò ông. Nỗi nhớ ấy chính là biểu hiện sinh động của lòng
yêu quê hương, yêu cái làng Chợ Dầu thân yêu của ông Hai.
Tình yêu ấy còn được thể hiện ở sự
quan tâm đặc biệt của ông đối với kháng chiến. Dù ông chưa đọc được nhiều nhưng
vẫn cố gắng ra phòng thông tin tuyên truyền để nghe đọc báo đã cho thấy điều
đó. Ông “chúa ghét” những đứa cậy mình biết chữ mà không đọc to lên để ông có
thể biết được tình hình. Cái sự “ghét” rất tự nhiên và đáng yêu của ông Hai cho
thấy tình yêu nước, sự gắn bó thủy chung của người nông dân Việt Nam với cuộc
kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Nhưng có lẽ, tình yêu làng của
ông Hai thể hiện rõ nhất khi ông nghe được tin làng Chợ Dầu của ông theo giặc.
Khi nghe được tin ấy, ông Hai như người mất hồn. Bao nhiêu niềm tin, bao nhiêu
niềm tự hào về quê hương bỗng chốc sụp đổ. Nếu việc khoe làng cho độc giả thấy
được tình yêu làng tha thiết của ông thì nỗi đau khổ khi làng theo giặc lại thể
hiện một cách sâu sắc tình yêu nước, gắn bó với kháng chiến của ông Hai.
Từ khi nghe tin làng theo giặc,
ông Hai như người mất hồn. Ông chỉ dám quanh quẩn ở nhà và rất sợ ai đó nhắc đến
cái làng của mình. Cuộc trò chuyện với đứa con út đã làm nổi bật tâm trạng của
ông Hai. Ông trò chuyện với con, hỏi con về làng của mình, những lời đáp ngây
thơ, hồn nhiên của con như cứa vào trái tim ông. Khó có thể nói hết được tâm trạng
của người đã gắn bó gần trọn cuộc đời với cái làng của mình, luôn coi làng mình
là một “thiên đường”, không đâu có thể sánh bằng phải đối diện với một sự thật
khác: làng theo giặc.
Dù thất vọng, dù đau khổ đến cùng
cực nhưng ông Hai vẫn kiên quyết đi theo kháng chiến, theo cụ Hồ Chí Minh:
“Làng thì yêu thật nhưng làng mà theo tây rồi thì cũng phải thù”.
Phải có một tình yêu nước lớn lao
như thế nào, người ta mới có thể “thù” cái làng của mình được. Chi tiết này đã
cho người đọc thấy được tình yêu nước tha thiết của ông Hai nói riêng, của người
nông dân trong kháng chiến chống Pháp nói chung.
Đau khổ, thất vọng bao nhiêu, ông
Hai càng vui sướng và hạnh phúc bấy nhiêu khi nghe được tin cải chính làng mình
theo giặc. Sau khi đi nghe ông chủ tịch xã lên cải chính tin làng mình theo giặc,
ông Hai như người chết sống lại. Ông lại tiếp tục đi “khoe” làng nhưng lần này,
ông khoe chuyện cái nhà của mình bị giặc đốt: “Bác Thứ đâu rồi? Bác Thứ làm gì
đấy? Tây nó đốt nhà tôi rồi bác Thứ ạ! Đốt sạch! Ông chủ tịch xã tôi vừa lên cải
tính. Cải chính cái tin làng Chợ Dầu theo giặc ấy mà! Láo! Láo hết! Toàn là sai
sự mục đích cả!”
Đến đây, nhiều người sẽ cảm thấy
ngạc nhiên khi một người nông dân như ông Hai lại có được tâm trạng vui sướng
và hạnh phúc khi nghe tin nhà mình bị đốt sạch, đốt hết! Cả cuộc đời của người
nông dân may ra cũng chỉ làm được một căn nhà. Giờ giắc nó đốt mất rồi, gia đình,
vợ con sẽ sống ở đâu? Nhưng với ông Hai, đó lại là một niềm vui vô bờ. Thậm
chí, ông còn nhấn mạnh chuyện Tây nó “đốt sạch…”. Ông Hai vui không phải vì bị
mất của, ông vui vì một nhẽ khác đáng trân trọng và tự hào hơn rất nhiều: làng
ông không theo giặc. Cái tin Tây đốt phá làng và nhà ông đã thành tro bụi càng
chứng tỏ làng ông không theo giặc. Niềm vui đó lớn lao hơn rất nhiều việc nhà
ông bị cháy. Điều đó càng làm nổi bật tình yêu làng, yêu nước chung thủy, thiết
tha của ông Hai.
Nói tóm lại, truyện ngắn Làng của
Kim Lân đã khắc họa một cách sinh động tình yêu làng, yêu quê hương chân thành,
đáng quý của người nông dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Nó trả
lời cho câu hỏi: Vì sao dân tộc Việt Nam có thể chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.