MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Hoạt động khởi động trong dạy đọc hiểu văn bản

Làm thế nào để học sinh hứng khởi, chủ động và dễ dàng tiếp thu kiến thức trong giờ Văn? Hoạt động khởi động chính là câu trả lời mà thầy cô cần. Bài viết này sẽ chia sẻ những ghi chú ngắn gọn về việc thiết kế hoạt động khởi động trong giờ dạy đọc hiểu văn bản văn học.

1. Tổ chức hoạt động khởi động để làm gì?

Mục đích chính của việc tổ chức hoạt động khởi động khi dạy đọc hiểu văn bản văn học đó là để kích hoạt kiến thức nền cho học sinh. Điều này xuất phát từ hai lí do chủ yếu:

Thứ nhất, nhìn từ phía lí luận dạy học: Muốn giúp học sinh hình thành kiến thức mới, ta phải khơi gợi từ những gì học sinh đã biết. Theo lý thuyết vùng phát triển gần, việc dạy học chính là bắc giàn để học sinh đi từ cái đã biết đến cái chưa biết.

Thứ hai, nhìn từ phía lí thuyết tiếp nhận: Quá trình tiếp nhận văn học có tính chủ động sáng tạo, việc đọc, giải mã, chiếm lĩnh văn bản phụ thuộc vào từng người đọc trên nhiều phương diện như hiểu biết, kinh nghiệm sống, sở thích, ý thức hệ…

Do đó, khi thiết kế hoạt động khởi động, giáo viên phải lưu ý đến việc kích hoạt kiến thức nền trước tiên. Các mục đích khác như tạo hứng thú cho học sinh, tạo không khí hứng khởi cho lớp học, kết nối giáo viên với học sinh… đều đặt sau và chỉ là hiệu quả phát sinh từ việc kích hoạt kiến thức nền.

2. Hoạt động khởi động có thể xoay quanh nội dung gì?

Đi từ mục tiêu kích hoạt kiến thức nền, hoạt động khởi động có thể thiết kế xoay quanh hai nội dung chính:

Một là những kiến thức ngữ văn học sinh cần có để có thể đọc hiểu văn bản mới. Những kiến thức ấy có thể là: kiến thức về tác giả, kiến thức về thể loại, kiến thức về trào lưu văn học, kiến thức về nhóm đề tài văn học… Như vậy, giáo viên cần xem lại chương trình Ngữ văn để xem những kiến thức nào học sinh đã học có liên quan và cần thiết để học bài mới.

Hai là những trải nghiệm thực tế mà học sinh cần có để đọc hiểu văn bản mới. Ví dụ để đọc hiểu văn bản “Chữ người tử tù”, học sinh cần có hiểu biết về nghệ thuật thư pháp, về văn hóa xin chữ thời trước. Để hiểu sâu hơn văn bản “Bếp lửa”, cần khơi dậy ở học sinh trải nghiệm về sức mạnh của kỷ niệm…

3. Có những hình thức nào để tổ chức hoạt động khởi động?

Có nhiều hình thức hiệu quả để thầy cô tổ chức hoạt động khởi động trong lớp học. Nhưng dù là hình thức nào, thời gian cho hoạt động khởi động không được quá nhiều, để tránh gây sao nhãng cho học sinh. Khoảng 5 đến 10 phút là phù hợp.

- Tổ chức trò chơi: Một số trò chơi thú vị như đoán ý đồng đội, chiếc nón kì diệu, ô số bí ẩn sẽ vô cùng hấp dẫn với học sinh. Nên có phần thưởng nho nhỏ để chò trời thêm hứng khởi. Thầy cô cần lưu ý: Việc tổ chức trò chơi phải gắn liền với việc chốt kiến thức để dẫn vào bài, nếu không thì sẽ không đạt hiệu quả.

- Hoạt động động não: Thầy cô có thể sử dụng nhiều hình thức động não như là ghi nhanh, thảo luận nhóm đôi (think-pair-share), động não bằng tờ giấy ghi chú… để học sinh tổng hợp các ý tưởng liên quan đến kiến thức nền.

- Xem video clip: Có thể cho học sinh xem những clip liên quan đến nội dung bài học. Để việc xem clip được hiệu quả, nên đặt những câu hỏi tìm thông tin trong clip trước khi cho học sinh xem. Ví dụ: Để dạy “Chữ người từ tù”, có thể cho học sinh xem clip chương trình “Mỗi ngày một cuốn sách” giới thiệu về tập “Vang bóng một thời”. Trước khi cho học sinh xem clip, giáo viên có thể đặt câu hỏi yêu cầu học sinh nêu ra những nét đẹp văn hóa trong tập truyện được nêu ra trong clip.

- Kể chuyện: Hoạt động kể chuyện có thể kết nối giáo viên với học sinh, tạo hiệu ứng cảm xúc tích cực trong lớp học. Giáo viên có thể kể giai thoại về nhà văn, hoặc những câu chuyện có ý nghĩa liên kết với chủ đề bài học.

- Hoạt động trải nghiệm: Một số hoạt động trải nghiệm sẽ giúp tăng tính trực quan, sinh động cho giờ học. Ví dụ khi dạy “Chữ người tử tù”, giáo viên có thể mang tranh thư pháp vào cho các em xem.

- Hoạt động chia sẻ: Chia sẻ về trải nghiệm bản thân sẽ là một cách hay để giúp khơi dậy hiểu biết thực tế của học sinh về bài học. Để khởi đầu hoạt động chia sẻ, giáo viên có thể chia sẻ câu chuyện của chính mình. Đây là một cách “phá băng” để học sinh mở lòng để mạnh dạn nêu ý kiến của bản thân.

Hy vọng những ghi chú ngắn gọn ở trên sẽ giúp thầy cô có được những hoạt động khởi động sinh động, hiệu quả. Chúc các thầy cô có được những giờ văn hạnh phúc.

Nguồn: thầy Trần Lê Duy

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo