Đề bài: Hãy chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ: Có công mài sắt có ngày nên kim.
BÀI LÀM
Ông cha ta ngày trước thật
tài tình khi đúc kết những kinh nghiệm vốn sống quý báu trong những câu tục ngữ
vô cùng ngắn gọn, hàm súc. Một bài học đầy ý nghĩa lưu giữ và truyền dạy qua
câu tục ngữ: “Có công mài sắt có ngày nên kim”.
Chân lí ngàn đời cô đọng ở
những hình ảnh tượng trưng quen thuộc gần gũi. Ta hãy tưởng tượng: một thanh
sắt rắn chắc, cứng cáp, thô sơ được mài giũa trở thành cây kim nhỏ bé hữu ích.
Đó là cả một sự cố gắng nỗ lực và kiên trì phi thường. Cây kim tuy nhỏ bé nhưng
lại có ích hơn là thanh sắt xù xì, thô ráp kia. Song, để có được thành quả đáng
trân trọng này, người thợ đã phải đổ biết bao mồ hôi công sức. Vậy cái gì làm
nên sức mạnh giúp người đó hoàn thành công việc khó khăn tưởng như không thể
làm nổi? Chính nhờ lòng kiên trì, nhẫn nại, sự bền bỉ cố gắng không mệt mỏi mà
cây kim ấy ra đời. Câu tục ngữ mang lời răn dạy, lời khuyên nhủ chân thành mà
người đời trước muốn để lại cho người đời sau. Chỉ cần bền chí, giàu nghị lực
thì dù việc có khó khăn tới đâu cũng có thể vượt qua và hoàn thành xuất sắc.
Trong lao động, người ta cần
nhắc tới đầu tiên chính là nhà bác học Lương Định Của. Mặc dù là nhà bác học,
nhưng để lai tạo thành công giống lúa mới có năng suất cao, có khả năng chống
được sâu rầy, ông làm việc vất vả cực nhọc không khác gì người nông dân đầu tắt
mặt tối. Ngày nào cũng vậy, ông bì bõm dưới ruộng từ tinh mơ sáng tới khi trời
tối mịt để quan sát, thí nghiệm. Phải qua vài vụ lúa mới xong một đợt. Cứ thế
hết đợt này đến đợt khác, đích thân nhà bác học thực hiện công trình nghiên
cứu. Nhờ có sự cố gắng, kiên trì nhẫn nại của ông mà những going lúa mới liên
tiếp ra đời, giống sau tốt hơn giống trước. Vì thế, nhân dân cả nước không
những được no ấm mà chúng ta còn tự hào là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế
giới.
Đó là những tấm gương về
lòng kiên trì bền bỉ ở nước ta. Còn biết bao tấm gương trong chiến đấu, trong
thể dục thể thao, trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật... ta chưa có dịp nhắc tới.
Bên cạnh đó, nhìn ra thế giới, ta thấy vô vàn những tấm gương đáng học tập. Ai
cũng biết tới vợ chồng hai nhà khoa học người Pháp Pierre Curie và Marie Curie.
Suốt 4 năm ròng rã, họ đã kì công lọc đi lọc lại vô số lần trong 8 tấm quặng để
tìm 1/10 gram chất phóng xạ radium. Qua việc phát hiện ra một nguyên tố hóa
học, chúng ta mới phần nào hình dung ra sự kiên trì bền bỉ vô cùng mãnh liệt
khi nghiên cứu phát minh một thành tựu phục vụ xã hội loài người. Oan - Đi-xnây
được cả thế giới biết đến, đặc biệt là các em nhỏ vì sáng tạo ra nhân vật hoạt
hình nổi tiếng, sáng lập ra công viên giải trí khổng lồ Đi-xnây-len. Nhà làm
phim hoạt hình, nhà kinh doanh tài ba ấy từng bị tòa báo sa thải vì thiếu ý
tưởng, từng nếm mùi phá sản bao lần trước khi thành công. Chỉ có lòng kiên
nhẫn, bền bỉ mới khiến con người liên tiếp thất bại trở thành những người thành
danh khắp thế giới.
Lời khuyên của cha ông là
bài học vào đời quý giá. Trước khi bắt tay vào công việc, trước khi từ bỏ ước
mơ hoài bão của mình, ta hãy nghĩ tới thanh “sắt” và cây “kim”. Chúng ta phải
biết tự rèn luyện ý chí và nghị lực, rèn luyện đức tính kiên trì mới mong đạt
tới thành công.