Có
bao giờ bạn thử tưởng tượng một ngày kia thức dậy không còn được nhìn thấy những
khu rừng, tán cây xanh mướt rợp bóng lối đi cùng tiếng chim ríu rít trong vòm
lá… mà thay vào đó là mảnh đất khô cằn, trơ trọi, vạn vật héo úa? Khi đó bạn sẽ
nghĩ gì? Thật là một viễn cảnh thật khủng khiếp và đáng sợ phải không? Rừng cây
là nguồn tài nguyên vô giá, là món quà mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta. Ta
phải nâng niu, trân quý món quà ấy, và hiểu ra một điều: Bảo vệ rừng là bảo vệ
cuộc sống của chúng ta”
Núi
giăng thành lũy thép dày
Rừng
che bộ đội rừng vây quân thù
Những câu thơ trên của Tố Hữu gợi lên hình ảnh rừng là người bạn đồng hành của người lính cụ Hồ trong các cuộc kháng chiến giành lại độc lập, hòa bình cho Tổ quốc. Thế đấy, đối với lịch sử dân tộc, rừng như người mẹ che chở cho những đứa con anh hùng, giành lại Tổ quốc thân yêu từ tay lũ bán nước và lũ cướp nước.
Rừng còn cung cấp cho con người những lâm sản quý, như gỗ để xây nhà, đóng thành những vật dụng cần thiết cho cuộc sống chúng ta.
Không chỉ vậy, rừng là thành phần không thể thiếu trong cuộc sống, điều hòa khí hậu, giúp cân bằng sinh thái và làm trong sạch thêm cho môi trường, bởi cây xanh có khả năng hút khí CO2 – là một loại khí có hại gây ô nhiễm môi trường – để lọc thành khí O2 – vốn rất quan trọng đối với con người. Ta có thể nhịn ăn vài tuần, nhịn uống trong vài ngày nhưng sẽ chết nếu không có không khí để thở chỉ trong vài phút.
Và tất nhiên, rừng với những cảnh
quan đẹp đẽ không chỉ làm đẹp thêm cho đất nước mà còn là nơi để con người ta
thư giãn tinh thần và bồi dưỡng cho tâm hồn thêm đẹp. Hãy thử nghĩ xem, còn gì
thích hơn cái cảm giác thư giãn hoàn toàn khi ta ngả mình dưới bóng cây xanh
sau những giờ lao động và học tập mệt mỏi, rồi đọc một cuốn sách mà ta tâm đắc
hoặc đôi khi là không làm gì cả để tận hưởng cả ngày dài.
Tuy
nhiên, không phải cái gì cho đi cũng nhận lại xứng đáng. Rừng mang đến cho ta
nhiều lợi ích như vậy, mà ta đã đối xử với rừng như thế nào? Sê - khốp đã nói:
“Rừng tô điểm cho đất nước, dạy cho con người ta hiểu được cái đẹp và cho người
ta cảm giác về sự vĩ đại. Rừng làm cho khí hậu được ôn hòa… Tại sao lại phá rừng
đi?”. Câu hỏi của ông như gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh con người ta về tình
trạng rừng hiện nay. Hãy đứng lên và nhìn xung quanh bạn, để thấy được bầu
không khí đang ô nhiễm từng ngày bởi chính ý thức bảo vệ rừng quá kém của chúng
ta. Ý thức đó đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra những hậu quả khôn lường, có những
ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người. Người Việt Nam luôn tự hào rằng:
nước ta có “Rừng vàng, biển bạc”, thế nhưng hiện nay diện tích rừng chỉ còn chiếm
¼ so với ngày trước. Lòng tham không đáy khiến người ta khai thác gỗ lậu, đốt
nương làm rẫy gây nên những nạn cháy rừng và giết chết các sinh vật sống trong
rừng, khiến cho Trái Đất ngày càng nóng lên gây ra “hiệu ứng nhà kính”, băng
tan và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta: hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng... Và điều
này còn khủng khiếp hơn nếu khai thác những cánh rừng đầu nguồn làm mất đi rào
cản chắn lũ khiến những trận lũ ập tới cướp đi sinh mạng của bao người vô tội.
Hãy nhớ: Rừng là lá phổi xanh của nhân loại. Nếu bạn phá hoại rừng đồng nghĩa với
việc bạn đang tự tay giết chết chính mình.
Nói
tóm lại, bảo vệ rừng tức là bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của
chúng ta. Tuy nhiên, công cuộc bảo vệ rừng không phải chỉ ngày một ngày hai đã
thành mà phải một quá trình lâu dài và bền bỉ. Mỗi người trong chúng ta hãy tạo
cho chính mình một thói quen tốt đẹp: phải bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng. Có một
bài hát làm tôi nhớ mãi: “Tổ quốc Việt Nam xanh thắm, có sạch đẹp mãi được hay
không, điều đó tùy thuộc vào bạn, tùy thuộc vào bạn mà thôi…”. Lời ca tuy ngắn
nhưng vô cùng súc tích, như một lời nhắn nhủ tới mọi người hãy quan tâm và bảo
vệ rừng cây, môi trường. Chính vì vậy, mỗi người phải có ý thức tự giác giữ gìn
và phát triển rừng bằng cách tích cực góp phần vào việc chung tay trồng cây gây
rừng, tạo ra một thế giới mới xanh thắm hơn, trong sạch hơn và tốt đẹp hơn.
Lê
Trần Khánh Ngọc