Đề bài:
Ở đây, trên cao điểm đầy bom này cũng có mưa đá. Nhưng niềm vui con trẻ của tôi lại nở tung ra, say sưa, tràn đầy. Chẳng ai có thì giờ mà gắt tôi. Chị Thao đang lúi húi hốt cái gì dưới đất. Chắc là đá. Còn Nho thì nhổm dậy, môi hé mở:
- Nào, mày cho tao mấy viên nữa.
Nhưng tạnh mất rồi. Tạnh rất nhanh như khi mưa đến. Sao chóng thế? Tôi bỗng thẫn thờ, tiếc không nói nổi. Rõ ràng tôi không tiếc những viên đá. Mưa xong thì tạnh thôi. Mà tôi nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ, hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố. Phải, có thể là những cái đó... Hoặc là cây, hoặc là cái vòm tròn của nhà hát, hoặc bà bán kem đẩy cái xe chở đầy thùng kem, trẻ con háo hức bâu xung quanh. Con đường nhựa ban đêm, sau cơn mưa mùa hạ rộng ra, dài ra, lấp loáng ánh đèn trông như một con sông nước đen. Những ngọn điện trên quảng trường lung linh như những ngôi sao trong câu chuyện cổ tích nói về những xứ sở thần tiên. Hoa trong công viên. Những quả bóng sút vô tội vạ của bọn trẻ con trong một góc phố. Tiếng rao của bà bán xôi sáng có cái mủng đội trên đầu...
Chao ôi, có thể là tất cả những cái đó. Những cái đó ở thiệt xa... Rồi bỗng chốc, sau một cơn mưa đá, chúng xoáy mạnh như sóng trong tâm trí tôi…
(Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi, SGK Ngữ văn 9,
tập Hai, NXB Giáo dục, 2006)
Cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong đoạn trích trên.
“Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn.
Em vẫy cười đôi mắt trong.”
(Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi)
Hình ảnh các cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn đã là một nguồn cảm hứng bất tận cho văn học cách mạng, đó là những cô gái kiên cường nhưng giàu tình cảm, mang những phẩm chất tốt đẹp. Phương Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh Khuê) là một minh chứng tiêu biểu cho sức sống mãnh liệt của hình tượng cô thanh niên xung phong trong lòng bạn đọc. Nhà văn Lê Minh Khuê, bằng một bút pháp tinh tế và cảm nhận sâu sắc, đã mở ra một khoảng trời kí ức trong tâm hồn Phương Định, hé lộ những phẩm chất của nhân vật, đặc biệt qua đoạn trích: “Ở đây, trên cao điểm… chúng xoáy mạnh như sóng trong tâm trí tôi”.
Lê Minh Khuê là cây bút nữ chuyên về truyện ngắn. Đề tài của Lê Minh Khuê trong những năm chiến tranh chính là cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn. Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” là tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra ác liệt.
Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” kể về cuộc sống của những cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Ba nữ thanh niên xung phong (Thao, Phương Định, Nho) làm thành một tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do bom địch gây ra, đánh dấu vị trí các trái bom chưa nổ và phá bom. Công việc của họ hết sức nguy hiểm, họ phải luôn bình tĩnh đối mặt với thần chết. Họ ở trong một cái hang, dưới chân cao điểm, cách xa đơn vị. Cuộc sống khắc nghiệt và nguy hiểm nhưng họ vẫn có những niềm vui của tuổi trẻ, những giây phút bình thản, mơ mộng, và rất gắn bó với đồng đội của mình. Một lần phá bom, Nho bị thương, cả Phương Định và chị Thao đều xót xa, lo lắng. Bỗng nhiên một cơn mưa đá ập đến khơi dậy trong Phương Định rất nhiều kí ức và hoài niệm. Đoạn trích nằm ở cuối tác phẩm, miêu tả diễn biến tâm trạng của Phương Định trong cơn mưa đá.
Qua đoạn trích trên, ta nhận ra Phương Định là một cô gái giàu tình cảm, có tâm hồn trong sáng. Khi cơn mưa đá vừa đến, trong tâm hồn đa cảm của Phương Định ánh lên những tia sáng của niềm vui. Lúc này đây, không khí oi ngạt và căng thẳng của cuộc chiến vẫn chưa lắng xuống, cụm từ “cao điểm đầy bom” như dồn nén trong đó tất cả những ngột ngạt, những đau đớn, những xót xa của cuộc phá bom vừa diễn ra, nó gợi nhớ người đọc hoàn cảnh sống biệt lập và đầy hiểm nguy của Phương Định cùng đồng đội. Cho nên, câu văn “trên cao điểm đầy bom này cũng có mưa đá” không chỉ là một lời trần thuật đơn thuần, mà còn hàm chứa trong đó một sự ngạc nhiên, vui thích. Bởi sự xuất hiện của cơn mưa đá khiến mạch truyện trở nên đầy chất thơ, cơn mưa đá đã phủ lên hiện thực khốc liệt của chiến trường một màn sương huyền ảo: Tiếng mưa ồn ã tương phản với bầu không khí im lặng đến đáng sợ của giờ phút phá bom. Hơi lạnh của cơn mưa tương phản với sự oi ngạt, căng thẳng của hoàn cảnh chiến trường gian khổ, ác liệt. Niềm vui mà cơn mưa mang đến, tương phản với tâm trạng rối bời, lo lắng, kìm nén của chị Thao và Phương Định khi Nho bị thương.Cơn mưa đá chính là cao trào cảm xúc,như một sự vỡ òa tâm trạng.
Phương Định gọi cảm xúc của mình là “niềm vui con trẻ” - đó là cái niềm vui tràn đầy, hồn nhiên, cái niềm vui ngây thơ không vướng chút lo âu, nhọc nhằn, để được sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc đời. Niềm vui ấy, trong phép ẩn dụ “nở tung ra, say sưa, tràn đầy”, bừng sáng trong tâm hồn cô thanh niên xung phong như một đóa hoa tươi tắn đầy hương sắc. Phải chăng niềm vui ấy chính là hương sắc của chính tâm hồn đầy mộng mơ, đầy hồn nhiên của Phương Định?
Và niềm vui ấy không chỉ bừng lên trong tâm hồn Phương Định, mà còn có sức lan tỏa, cộng hưởng đến đồng đội của cô. Chị Thao nếu lúc trước còn lúng túng, đau xót vì chị sợ máu, không thể chăm sóc cho Nho, thì bây giờ chị “lúi húi hốt cái gì dưới đất”. Từ láy “lúi húi” gợi lên sự mải mê, ham thích, những viên đá do cơn mưa mang lại cũng khơi dậy trong chị những niềm vui nho nhỏ, hồn nhiên. Nếu lúc trước Nho hãy còn dáng vẻ tiều tụy, đau đớn vì vết thương, thì nay niềm vui ấy lan tỏa khiến Nho có sức sống hơn. Nho “nhổm dậy, môi hé mở”. Câu nói của Nho, “Này, mày cho tao mấy viên nữa” giản dị, thân tình nhưng lại có vẻ gì đáng yêu. Tình đồng chí giữa Nho và Phương Định dường như được biểu hiện bình dị bằng sự sẻ chia những thứ thật nhỏ nhặt, là viên kẹo chanh, là đá từ cơn mưa,… nhưng ẩn sau đó là sự quan tâm, chăm sóc, là sự thấu hiểu, là sự gắn bó như chị em trong gia đình.
Cơn mưa đột ngột tạnh và đánh thức trong Phương Định những nỗi bâng khuâng, tiếc nuối. Sự tiếc nuối trống trải như lan tỏa khắp tâm hồn Phương Định qua câu văn “Nhưng tạnh mất rồi” buông nhẹ như một tiếng thở dài, và qua câu hỏi tu từ “Sau chóng thế” đầy xuýt xoa, lưu luyến. Phương Định tiếc nuối điều gì? Phương Định không tiếc những viên đá, đơn giản vì “Mưa xong là tạnh thôi”.
Lần về tận cùng sự luyến tiếc, qua phép liệt kê cùng với những câu văn êm dịu tuôn dài miên man gọi thức quá khứ, từng kỉ niệm trong Phương Định hiện ra như những thước phim quay chậm, chợt sáng chợt tối đầy cảm xúc. Qua các cụm từ phiếm chỉ “cái gì đấy”, “hình như”, từng hình ảnh kí ức trong Phương Định ùa ạt tràn về, mới đầu mơ hồ, miên man, càng lúc càng rõ rệt. Những kí ức hiện về đầu tiên là những gì gần gũi nhất với Phương Định. Đó là hình ảnh người mẹ - người thân yêu nhất luôn gắn bó và yêu thương cô. Đó là cái cửa sổ căn phòng gắn bó với cô suốt quãng đời tuổi thơ mơ mộng. Cánh cửa ấy nhìn ra khung trời lấp lánh những ngôi sao, đặc biệt là “những ngôi sao to trên bầu trời thành phố”. Hình ảnh ngôi sao ấy khiến ta liên tưởng đến nhan đề, phải chăng ngôi sao trong kí ức đã cộng hưởng ánh sáng với một trong “những ngôi sao xa xôi” là Phương Định để chung đúc nên những vẻ đẹp tâm hồn tuyệt vời, đáng mến?
Những hình ảnh kí ức càng lúc càng rõ ràng hơn. Câu văn “Phải, có thể là những thứ đó…”, vừa là một sự xác nhận, vừa khơi dậy rất nhiều cảm xúc, để rồi những làn sóng hoài niệm càng lúc càng chảy tràn. Những khung cảnh thân quen của thành phố Hà Nội dần sống dậy trong tâm hồn Phương Định. Phép điệp “hoặc là” như những rung động của trái tim, sự bồi hồi thương nhớ, khi từng cảnh vật thân quen hiện về trong tâm trí: “cây”, “cái vòm tròn của nhà hát”, “bà bán kem đẩy cái xe chở đầy thùng kem”, “trẻ con háo hức bâu xung quanh”.
Những kí ký ức thân thương và sống động ấy được soi chiếu qua lăng kính của hoài niệm, bỗng lung linh huyền ảo như thế giới cổ tích. Cơn mưa đá như chiếu ứng gọi thức kí ức về cơn mưa mùa hạ trong miền kí ức, khiến “con đường nhựa ban đêm” “rộng ra, dài ra, lấp loàng ánh đèn trông như một con sống nước đen”. Phép so sánh sinh động, khiến cho thành phố trở nên huyền ảo. Cơn mưa khiến mặt đường như những mặt gương, và chẳng mấy chốc thành phố bồng bềnh vũ điệu của ánh sáng khi những ngọn đèn phản chiếu và trở nên “lung linh như những ngôi sao trong truyện cổ tích nói về xứ sở thần tiên”. Đây là quy luật của tâm lý, quy luật của hồi tưởng: khi những kí ức tuổi thơ lắng mình xa vắng vào quá khứ, thì chúng trở nên đẹp và huyền ảo hơn bao giờ hết, kí ức ấy lấp lánh một thứ ánh sáng ấm áp lạ kì, sưởi ấm tâm hồn ta mỗi khi nhớ về. Và rồi vang vọng từ những kí ức ấy là những âm thanh quen thuộc đến nao lòng: “Những quả bóng sút vô tội vạ của bọn trẻ con trong một góc phố”, “tiếng rao của một bà bán xôi sáng có cái mủng đội trên đầu…”.
Tất cả những điều đó tác động rất mạnh vào tâm hồn cô thanh niên xung phong. Phương Định thốt lên “Chao ôi!”- câu cảm thán chứa niềm xúc động và cả niềm thương nhớ, nó là một sự khẳng định mạnh mẽ đánh tan các cảm giác mơ hồ phía trên: “Có thể là tất cả những cái đó”. Dòng hồi tưởng chảy tràn trong tâm trí, Phương Định bỗng nhận ra “Những cái đó ở thật xa…”. Dấu chấm lửng báo hiệu những bồi hồi tha thiết, những bâng khuâng trong tâm hồn. Tại sao những kí ức ấy đối với Phương Định lại “ở thật xa”? Đó là khoảng cách có thật về không gian, bởi chân cao điểm nơi Phương Định và các đồng đội làm việc vốn biệt lập và xa cách với quê hương của cô. Đó còn là cái xa xôi về thời gian, bởi tất cả hình ảnh sống động và thân thương ấy đến từ miền trời khác – miền trời của quá khứ, miền trời của kí ức. Hiện tại căng thẳng khốc liệt luôn phải giằng co trước lằn ranh sống – chết để hoàn thành nhiệm vụ dường như khiến miền kí ức ấy đối với Phương Định trở nên xa vắng như một câu chuyện cổ tích.
Thế nhưng, cho dù có những phút tưởng như lãng quên thì vùng trời cảm xúc ấy vẫn luôn sống mãi trong lòng Phương Định, luôn thường trực trong tâm hồn cô dù ý thức hay vô thức, để rồi chỉ cần một cơn mưa đá – cái khoảng lặng yên bình thoáng chốc giữa nhịp điệu sống căng thẳng nơi chiến trường – từng kỉ niệm ấy sống dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Và một khi chúng sống dậy, chúng bừng thức một sức mạnh từ bên trong tâm hồn, “xoáy mạnh như sóng trong tâm trí” Phương Định. Những làn sóng kí ức xoáy mạnh ấy đã đánh thức trong tâm hồn Phương Định những gì? Phải chăng là tình yêu thiết tha với quê hương, với gia đình, với mẹ, với từng cảnh vật thân thương nhất của Hà Nội trong cô? Phải chăng những kí ức ấy tiếp thêm trong Phương Định một nguồn sức mạnh to lớn để tiếp tục vững vàng vượt qua tất cả? Phải chăng những kí ức ấy nhắc nhớ, khắc sâu cái lý do cao cả mà thiêng liêng khiến Phương Định và đồng đội phải chống chọi với cuộc sống khắc nghiệt gian khổ chiến trường: Để bảo vệ những gì thân yêu nhất? Và phải chăng, nó còn thắp lên trong cô và các đồng đội của mình một niềm tin và một niềm khao khát mãnh liệt vào một tương lai hòa bình phía trước, để Phương Định có thể quay trở về sống yên bình với thành phố quê hương, để những kí ức trong tâm hồn không còn “xa xôi”?
Tác phẩm kết lại như thế, đầy dư ba vang vọng và rất nhiều chiều sâu chưa nói hết, nhưng người đọc dường như bắt gặp một tia sáng mạnh mẽ và ấm áp bừng lên trong tâm hồn Phương Định.
Qua đoạn trích, người đọc thấy được đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”. Đoạn trích hé lộ một khoảng trời kí ức của riêng Phương Định, một cô gái Hà Thành kiêu kì, một cô thanh niên xung phong gan dạ, dũng cảm. Qua đó, ta nhận ra Phương Định có một nét tính cách đa cảm, lãng mạn, gắn bó sâu sắc với quê hương, gia đình. Nét tính cách đa cảm, lãng mạn ấy không hề đối lập với một Phương Định gan dạ, dũng cảm, kiên cường trong đoạn phá bom. Mà thật ra hai nét tính cách ấy có mối quan hệ gắn bó với nhau: Chính trái tim giàu tình cảm và yêu thương quê hương, gia đình đã làm nên một sức mạnh tinh thần và thể chất lớn lao để Phương Định có thể dũng cảm vượt qua nỗi sợ cái chết, vượt qua mọi hiểm nguy và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Qua đó ta cũng thấy được ngòi bút của Lê Minh Khuê đậm chất nhân văn. Nhà văn đã mở lòng mình ra để đồng cảm với nhân vật, và khai phá được những nét đẹp rất riêng của nhân vật cũng như khái quát lên được những phẩm chất của cả một thế hệ. Đó là thế hệ trẻ trên tuyết đường Trường Sơn, quyết dâng hiến sức trẻ của mình để giải phóng dân tộc. Ở họ, dòng suối cuộc đời đã hòa vào trường giang của quê hương, để rồi tất cả chan hòa trong đại dương của Tổ quốc, làm nên những sức mạnh thật diệu kì:
“Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ”
(Tiếng gà trưa – Xuân Quỳnh)
Về mặt nghệ thuật, đoạn trích cũng để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Nghệ thuật miêu tả tâm lý đặc sắc: Nhà văn đã nắm bắt những quy luật tâm lý và diễn tả nó một cách tự nhiên, sinh động, dòng kí ức của Phương Định đi từ chỗ mơ hồ cho đến rõ ràng, từ cảm xúc bâng khuâng cho đến sự xúc động sâu sắc…Đoạn trích giàu chất thơ với những câu văn tuôn dài miên man đầy những khoảng lặng, âm hưởng câu văn du dương như một bản nhạc với nhiều thanh bằng và những phép điệp tạo điệp khúc tha thiết của cảm xúc. Nhiều hình ảnh, chi tiết gợi cảm, sinh động tạo ra những “bụi vàng” làm nên thiên truyện ngắn giàu sức sống.
Tóm lại, qua đoạn văn trên, Phương Định hiện lên là một cô gái đa cảm, có tâm hồn lãng mạn, gắn bó sâu đậm với quê hương, với đất nước. Bằng một ngòi bút bàng bạc chất thơ và thấm đẫm cảm xúc, Lê Minh Khuê đã vẽ nên bức chân dung gần gũi, đáng yêu của cô thanh niên, để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc. Chính vì lẽ đó, đứa con tinh thần đầu tay của nhà văn Lê Minh Khuê, truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” đến nay vẫn có sức sống mãnh liệt, nó khơi gợi trong lòng người đọc sự trân trọng và nể phục trước một thế hệ trẻ hào hùng của những trang sử vàng dân tộc.
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
(Tố Hữu)
Nguồn: Blog Chuyên văn