MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Dàn ý phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

 Đề bài. Phân tích bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.

I. Mở bài

- Khi hòa bình lập lại, xã hội chuyển mình theo dòng chảy của thời gian thì con người cũng thay đổi theo.

- Nhưng sự thay đổi đó nhiều khi đem lại sự mất mát, mất dần những gì đáng quý mà họ vốn có. Ánh trăng của Nguyễn Duy là một lời tâm sự như thế.

- Tác giả muốn qua hình ảnh ánh trăng làm thức dậy trong tâm hồn người đọc lòng thủy chung, son sắt với quá khứ nghĩa tình.


Dàn ý phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

II. Thân bài

1. Vầng trăng và con người trong quá khứ (2 khổ thơ đầu)

- Trước hết hình ảnh vầng trăng tình nghĩa, hin hậu, bình dị gắn liền với kỉ niệm một thời đã qua, một thời nhà thơ hằng gắn bó.

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh rừng

vầng trăng thành tri kỉ

+ Câu chuyện được bắt đầu từ “hồi nhỏ, gợi lên những năm tháng tuổi thơ êm đềm. Những năm tháng tuổi thơ này con người gắn với đồng, với sông rồi với bể. Thủ pháp nghệ thuật liệt kê “đồng, sông, bể” đưa người đọc đến với không gian làng quê gần gũi, thân thuộc. Chính không gian này đã nuôi dưỡng tâm hồn con người, đã ghi lại những kí ức tuổi thơ trong sáng.

+ Không gian đó gắn liền với chiều sâu kỉ niệm. Tuổi thơ của con người gắn bó với làng quê gần gũi, họ sinh ra ở làng quê ấy. Rồi họ dần lớn lên, họ không chỉ được bao bọc với quê hương mà còn được bao bọc bởi đất nước.

-> Đó là không gian kỉ niệm giữa con người với thiên nhiên.

          + “Hồi chiến tranh ở rừng" đã gợi lên cả một hiện thực những gian khổ, mất mát, hi sinh. Chữ “ở rừng” gợi lên sự thay đổi trong không gian khiến cho con người sẽ thấy xa lạ với hoàn cảnh mới.

+ Vậy nhưng người chiến sĩ  không hề đơn độc. Vì họ có vầng trăng bầu bạn. Suốt những năm tháng chiến tranh ấy thì vầng trăng trở thành người bạn thân thiết nhất, gần gũi nhất. Trở thành tri kỉ, tri ân, chở che và bao bọc cho con người.

          - Trăng không chỉ là biểu tượng của thiên nhiên mà nó còn là cái nôi nuôi dưỡng và chở che cho con người:

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

          + Con người và thiên nhiên không còn khoảng cách, con người thật sự chan hòa giữa thiên nhiên. Con người cũng vô tư như cây cỏ. Điều đó làm cho tình cảm càng gắn bó hơn giữa con người và vầng trăng.

          + Từ đó, vầng trăng tri kỉ đã hóa thành vầng trăng tình nghĩa. Trong sự biến đổi kì diệu vầng trăng thành tình nghĩa này, ta lại thấy những lớp ẩn dụ mới cho hình ảnh vầng trăng: ẩn dụ cho nghĩa tình trong quá khứ, ẩn dụ cho nghĩa tình của nhân dân, đồng đội.

          + Vì thế người lính ngỡ không bao giờ quên. Câu thơ như lời khẳng định với lòng mình một nghĩa tình thủy chung mãi mãi.

=> Hai khổ thơ đã tái hiện một vầng trăng quá khứ, vầng trăng gắn bó với con người trên một chặng đường dài từ tuổi thơ cho đến khi trở thành người lính. Vầng trăng đã hóa thành tri kỉ, thành tình nghĩa.

2. Vầng trăng và con người trong hiện tại (2 khổ tiếp)

- Vầng trăng và con người trong hiện tại được tái hiện bằng một thời gian rất đặc biệt:

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường

+ Mốc thời gian ấy gợi sự đổi thay từ chiến tranh sang hòa bình và bao nhiêu sự đổi thay trong cuộc đời con người. Họ từ núi rừng về với miền xuôi, thành thị. Từ cuộc sống gian khổ trong chiến tranh, giờ họ được sống trong cuộc sống đầy đủ hơn, tiện nghi hơn.

          + Hình ảnh “ánh điện, cửa gương” ẩn dụ cho lối sống nơi đô thị, cuộc sống đầy đủ, tiện nghi về vật chất. Người lính giờ đây không cần vầng trăng bầu bạn. Họ bước ra từ chiến tranh đã quen và thích nghi với cuộc sống mới. Điều này khiến họ đổi thay, bội bạc, dần quên quá khứ.

          + “Vầng trăng đi qua ngỏ/  như người dưng qua đường” phép so sánh tái hiện được mối quan hệ giữa con người với vầng trăng thay đổi đột ngột – trăng thành người dưng qua đường. Họ lãng quên quá khứ, quên nhân dân, đồng đội. Con người không còn cảm nhận được sự hiện diện của vầng trăng trong đời sống đô thị.

          => Đặt trong hoàn cảnh sáng tác, sự đổi thay trong tình cảm giữa con người và vầng trăng đã khái quát một hiện thực đau xót: có những con người từng sống đẹp trong quá khứ, trong chiến tranh nhưng họ lại bị biến chất trong hòa bình – họ quay lưng lại với những gì họ gắn bó, họ yêu quý.

          - Mối quan hệ giữa vầng trăng và con người trong hiện tại không chỉ được mở ra với điểm mốc thời gian, được tái hiện bằng hình ảnh so sánh mà còn được đặt trong một cuộc hội ngộ đầy bất ngờ khiến cho con người tỉnh ngộ:

Thình lình đèn điện tắt 

phòng buynh-đinh tối om 

vội bật tung cửa sổ 

đột ngột vầng trăng tròn

+ Cuộc hội ngộ đầy bất ngờ khiến cho con người thức tỉnh được tái hiện bằng biến cố “đèn điện tắt”. Và con người sống trong không gian tối tăm, ngột ngạt. Điều đó buộc con người phải bật tung cữa sổ để thoát khỏi không gian tù túng, chật hẹp bủa vây tâm hồn họ. Khi đó thì vầng trăng tròn đột ngột xuất hiện.

          + Thủ pháp đảo ngữ cho thấy cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ. Ta thấy cảm giác con người ngỡ ngàng khi gặp lại vầng trăng. Gặp lại ở đây không chỉ nhìn thấy mà còn cảm nhận được ánh sáng của vầng trăng. Trăng vẫn vẹn nguyên, tròn đầy chưa bao giờ hư hao, chưa bao giờ thay đổi. Trăng vẫn ở đấy, rất gần với con người, vẫn dõi theo con người cho dù họ thờ ơ, dửng dưng đến mấy.

          => Tái hiện, lí giả sự đổi thay của người lính sau chiến tranh. Từ đó tạo tình huống đặc biệt nhằm thức tỉnh tâm hồn người lính.

3. Sự thức tỉnh của con người (2 khổ cuối)

- Sự thức tỉnh của con người bắt đầu từ  lúc gặp lại vầng trăng:

Ngửa mặt lên nhìn mặt 

có cái gì rưng rưng 

như là đồng là bể 

như là sông là rừng...

+ Điệp từ “mặt” gợi dây phút con người soi chiếu, giao hòa với vầng trăng. Giữa con người và vâng trăng không còn khoảng cách. Khi soi chiếu vào vầng trăng quá khứ ấy thì ngay lập tức con người nhận mình và ra nhận ra sự đổi thay của chính mình cho nên cảm xúc con người thay đổi.

          + Từ láy“rưng rưng” diễn tả cảm xúc đang ùa về trong giây phút con người nhận ra vầng trăng tri kỉ - rưng rưng của xúc động, bồi hồi, ân hận để rồi con người thức tỉnh tâm hồn.

          + Sau giây phút “rưng rưng” là những không gian của “đồng, bể, sông, rừng” cùng một lúc ùa về. Đó là không gian của kí ức, kỉ niệm. Nó xóa đi khoảng cách của không gian, thời gian, của bao đổi thay của đời người. Nó giúp cho con người sống trọn vẹn trong kí ức. Chính vì vậy con người và trăng xích lại gần nhau. Những không gian này giúp con người nhận ra mình đã từng sống nông cạn, thờ ơ, bạch bẽo.

- Chính điều đó làm con người thức tỉnh sâu sắc và trọn vẹn hơn:

Trăng cứ tròn vành vạnh 

kể chi người vô tình 

ánh trăng im phăng phắc 

đủ cho ta giật mình. 

          + Trăng tròn vành vạnh tượng trưng cho vẻ đẹp, nghĩa tình không bào giờ thay đổi, không bao giờ vơi cạn của nhân dân, đất nước. Không chỉ vậy mà trăng còn bao dung độ lượng, độ lượng của quá khứ; gợi sự nghiêm khắc, lời cảnh tỉnh, lời nhắc nhở để thức tỉnh con người.

          + Thái độ đó của trăng là lời cảnh tỉnh khiến cho con người giật mình thức tỉnh. Nhận ra cảm dỗ khiến con người đánh mất đi những giá trị tinh thần khiến cho tầm hồn họ trống rỗng, nghèo nàn. Giúp họ nhận ra, không được phép lãng quên quá khứ, không được bội bạc với nghĩa tình thiêng liêng sâu nặng của nhân dân của đất nước. Giúp họ biết trở về nâng niu, trân trọng quá khứ, biết sống thủy chung.

          => Tác giả gieo vào lòng người đọc niềm tin vào lương tri của con người.

III. Kết bài

“Ánh trăng" của Nguyễn Duy gây được nhiều xúc động đối với nhiều thế hệ độc giả bởi cách diễn tả bình dị như những lời tâm sự, lời tự thú, lời tự nhắc nhở chân thành. Giọng thơ trầm tĩnh, sâu lắng. Tứ thơ bất ngờ, mới lạ. “Ánh trăng” còn mang ý nghĩa triết lí về sự thủy chung khiến người đọc phải “giật mình" suy nghĩ, nhìn lại chính mình để sống đẹp hơn, nghĩa tình hơn.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo