Điển tích “bể dâu”
Trong đời sống hằng ngày,
nhất là trong văn chương và âm nhạc, ta thường gặp từ “bể dâu”. Chẳng hạn, câu
thơ ở phần đầu Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du Trải qua một cuộc bể dâu hầu
như ai cũng thuộc. Hoặc, nhiều bài hát sử dụng từ này trong nhan đề và ca từ
như Đời là bể dâu, Cuộc đời bể dâu…
Người Việt gần như ai
cũng hiểu “bể dâu” là gì. Nhưng nguồn gốc của nó không phải ai cũng rõ. Vậy, từ
“bể dâu” bắt nguồn từ đâu và có liên quan gì đến nét nghĩa chỉ “những thay đổi
trong cuộc đời”?
“Bể dâu” là hình thức thuần Việt rút gọn của một thành ngữ Hán là “thương hải biến vi tang điền” (biển xanh biến làm ruộng dâu). Đây là một điển tích. Thành ngữ này gắn liền với những câu chuyện được người đời truyền tụng. Dưới đây là câu chuyện phổ biến nhất.
Theo sách Thần tiên truyện,
thời Đông Hán, có ông Vương Phương Bình thông minh học giỏi, thi đỗ cao và được
bổ làm quan đến chức Trung tán đại phu. Nhưng ông sớm từ quan để tu tiên học đạo.
Khi đắc đạo, Phương Bình giáng xuống nhà Thái Kinh, cho sứ giả mời tiên nữ Ma
Cô (vị thọ tiên trong thần thoại Trung Hoa) đến để hỏi về thời gian cách biệt.
Ma Cô tiên nữ trả lời rằng: “Từ khi biết ông đến nay, đã thấy ba lần biển xanh
biến thành ruộng dâu”.
Mượn từ thành ngữ “thương
hải biến vi tang điền” của Trung Hoa, người Việt đã chuyển dịch và rút gọn
thành nhiều biến thể khác nhau (như “dâu bể”, “biển dâu”, “bãi bể nương dâu”,
“cồn dâu hóa bể” …) để chỉ những thay đổi lớn lao trong cuộc đời; và theo
thời gian đã thành tài sản văn hóa Việt.
Ở thời trung đại, điển tích
này được sử dụng khá phổ biến trong nhiều tác phẩm văn học. Sang thời hiện đại,
nếu như nhiều điển tích khác bị đào thải thì điển “bể dâu” vẫn được tiếp tục sử
dụng trong ngôn ngữ đời sống, văn chương, âm nhạc, và được “từ hóa” (đánh mất dần
tư cách điển để thành từ), cho nên có thể hoạt động độc lập và được sử dụng như
một từ bình thường.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ