MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Điển tích Truyện Kiều: Bể dâu

 Điển tích Truyện Kiều: BỂ DÂU

Trải qua một cuộc BỂ DÂU

Những điều trong thấy mà đau đớn lòng

(Câu 3 và 4, mở đầu)

BỂ DÂU tức là biển xanh ruộng dâu (Thương hải tang điền) ý để chỉ sự thay đổi trong vũ trụ và trong sự sống của đời người.

Sách Thần Tiên truyện của Trung Hoa nói rằng “tam thập niên vi nhất, thương hải biến vi tang điền”. Nghĩa là cứ ba mươi năm một lần; biển xanh lại hóa thành ruộng dâu.

Sách “Tầm Nguyên” kể chuyện có một ông lão sống đủ một trăm tuổi, thường nói với con cháu rằng:

- Ta đã sống đủ một trăm tuổi. Trong đời ta, ta đã thấy biết bao lần có sự thay đổi trong vũ trụ như biển cả sóng vỗ muôn trùng rồi biến thành nơi đất bồi để người ta đem dâu ra trồng. Rồi có nơi ruộng dâu lại biến thành biển cả, nước xanh sóng vỗ.

Điển tích Truyện Kiều: Bể dâu
Điển tích trong Truyện Kiều: Bể dâu

Sách “Thái Bình Ngự Lãm” đời Tông lại có kể câu chuyện như sau: Trên biển cả có ba vị lão nhân cao tuổi, lúc gặp nhau ba vị tuần tự hỏi tuổi của nhau, rồi chuyện văn. Ông lão thứ nhất bảo rằng thuở còn nhỏ ông có gặp ông Bàn cổ.

Ông lão thứ hai bảo là ông đã nhiều lần thấy biển xanh hóa thành ruộng dâu. Cứ mỗi lần chứng kiến cảnh ấy thì ông để ra một cái que để nhớ. Bây giờ thì số que ấy đã chất đầy một gian nhà.

Ông lão thứ ba thì nói rằng thầy của ông sau khi ăn trái bàn đào, quăng hột ở chân núi Côn Luân, đến bây giờ hột đào ấy đã thành một cây bàn đào cao lớn bằng núi Côn Luân.

Sách Tam Ngôn truyện kể vài câu chuyện sau đây để minh chứng cho sự thay đổi đời người trong cõi nhân gian:

1. Đặng Thông là tôi thần yêu của vua Hán Văn Đế. Một hôm Đặng Thông nhờ tướng sư Hứa Phụ xem tướng. Hứa Phụ bảo thế nào rồi Đặng Thông cũng bị chết đói. Hán Văn Đế không cho lời nói ấy là đúng, phán rằng:

- Đặng Thông là triều thần của trẫm, phú quý của Đặng Thông do trẫm định. Trẫm có thể cho Đặng Thông cả một núi đồng để đúc tiền thì làm sao mà chết đói được.

Về sau khi Hán Văn Đế băng hà, vua Cảnh Đế bắt Đặng Thông hạ ngục, tịch thu hết tài sản. Hán Cảnh Đế còn ra lệnh không cho Đặng Thông ăn uống gì cả. Thế là Đặng Thông chết đói thật.

-----oOo-----

2. Chu Á Phu là quan Thái Thứ đất Hà Nam, cũng nhờ Hứa Phụ xem tướng cho. Hứa Phụ bảo:

- Ba năm nữa ông được phong hầu. Năm năm nữa ông làm Tể Tướng. Mười năm nữa thì ông chết đói.

Chu Á Phu cười mà rằng:

- Đã phú quý đến tột đỉnh như thế, sao lại còn chết đói?

Hứa Phụ đáp:

- Ông có tướng “đằng xà nhập khẩu” là tướng chết đói.

Về sau Chu Á Phu làm đến Tể Tướng triều vua Hán Cảnh đế, nhưng đến lúc chính trị biến động, ông bị giam trong ngục năm ngày không ăn và thổ huyết mà chết.

-----oOo-----

3. An Lộc Sơn thuở nhỏ nghèo hèn, đi ở hầu cho Trương Thủ Khuê. Khi rửa chân cho Khuê, An Lộc Sơn bỗng ngừng tay chăm chú nhìn vào bàn chân ông chủ. Khuê hỏi:

- Mày nhìn gì vậy?

An Lộc Sơn đáp:

- Tôi nhìn nốt ruồi lớn ở bàn chân trái của ngài.

Trương Thủ Khuê cười bảo:

- Đó là cái tướng phất cờ khởi loạn của ta đãy.

An Lộc sơn kính cẩn thưa:

- Thưa ngài, cả hai bàn chân tôi đều có nốt ruồi như thế.

Trương Thủ Khuê nghe nói thế, nhìn An Lộc Sơn đầy vẻ ngạc nhiên. Quả nhiên về sau, An Lộc Sơn làm loạn đốt cháy kinh đô Trường An khiến vua Đường Huyền Tông phải xuất bốn.

-----oOo-----

4. Thần Phong ẩn cư nơi thảo dã. Một hôm ông cải trang làm tiều phu đến thăm nhà Tướng học Trần Hy Di đời Tông. Trần Hy Di cười bảo:

- Bây giờ tiên sinh là tiều phu, hai mươi năm nữa tiên sinh là một bậc nhị phẩm nhân thần. Quả nhiên hai mươi năm sau Thần Phong làm quan đến Công bộ Thượng thư.

-----oOo-----

5. Dương Ngọc Hoàn lúc nhỏ mồ côi cha, ở với chú. Một hôm chạy chơi ngoài đồng ruộng; có người họ Trương trong thây bèn nói:

- Ô, người đại phú quý sao lại ở chốn này.

Bạn họ Trương hỏi:

- Con bé quý đến bậc tam phẩm không?

- Hơn thế nữa.

- Nhất phẩm?

- Còn hơn thê nữa.

Bạn họ Trương ngạc nhiên:

- Vậy chắc là Hoàng hậu?

Họ Trương cười:

- Cũng không đúng hẳn.

Về sau, Dương Ngọc Hoàn trở thành phi sủng ái của vua Đường Huyền Tông một thời. Dương quý phi là một trong “tứ đại mỹ nhân” của Trung Quốc. (1) Và cũng chính nàng đã làm rung chuyển cơ nghiệp của Đường Huyền Tông; rồi cuối cùng nàng phải chết ở Mã ngôi pha.

-----oOo-----

Các chuyện trên thuộc về thời xa xưa, còn những chuyện dưới đây xảy ra trong thời cận đại:

1. Thời kỳ Cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc, Uông Tinh Vệ là một nhân vật nổi tiếng khác thường. Uông đẹp trai, thông minh và thi phú văn chương khá giỏi. Thuở còn thanh niên đã dám làm chuyện kinh thiên động địa là hành thích Nhiếp chính vương nhà Thanh.

6. Cách Mạng Tân Hợi thành công, Uông Tính Vệ rất được Tôn Trung Sơn trọng dụng. Công nghiệp của Uông ngày càng sáng chói như “thái dương cư ngọ” (mặt trời giữa trưa). Cuộc đời Uông tưởng như chung thân phú quý.

Khi Nhật xâm lăng Trung Quốc, kháng chiến bùng nổ thì Uông Tinh Vệ lại cam tâm làm “Hán gian” theo Nhật lập chính phủ bù nhìn. Tuy nhiên, sự nghiệp mới nửa đường gãy gánh. Họ Uông buồn rầu sinh bệnh mà chết, được Nhật đem chôn ở chân núi Hoa Sơn.

Về sau khi Nhật Bản đầu hàng, mộ Uông Tinh Vệ bị các nhóm thanh niên ái quốc đem mìn phá. Sau đó có hàng trăm quyền sách, hàng ngàn bài thơ thống mạ họ Uông làm tay sai cho giặc.

-----oOo-----

7. Trung Quốc sau Cách mạng Tân Hợi, đã trải qua một thời kỳ “Sứ quân” chia năm xẻ bảy giang sơn. Đường Kế Nghiêu là một trong những “Sứ quân” thời ấy. Họ Đường đem quân lên phía Bắc đánh bại Viên Thế Khải, về phương Nam cắt đất lập giang sơn riêng; thật không còn điều gì đắc ý hơn cho con nhà võ.

Đang lúc hưng thịnh, “danh chấn giang hồ” như thế thì Đường Kế Nghiêu được một nhà sư lạ xem tướng cách và viết cho mấy dòng:

“Mi nhãn dữ các bộ vị cực tương đối. Ngoại biểu anh tuấn bất phàm. Duy thị bạch diện vô tu nan ngôn vĩnh thọ. Hữu thập niên đại vận. Thập niên hậu ưng nghi cấp lưu dũng thoái, quãng kết thiện duyên, tích đức bảo thọ” (Mi và mắt hợp với các bộ vị rất tương đối. Tướng bên ngoài anh tuấn khác thường. Rất tiếc là mặt trắng lại không có râu nên khó lâu bền. Có được vận lớn trong mười năm. Mười năm sau nên rút nhanh, cô gắng làm việc thiện, tích đức thì mới mong khỏi tai họa).

Đang kiêu hãnh về thân phận, quyền thế nghiêng trời lệch đất của mình nên Đường Kế Nghiêu không hề để tâm đến những lời khuyên của vị cao tăng nọ. Nhưng đến năm Dân quốc thứ 16, thời cuộc liên tục biến chuyển. Đường Kế Nghiêu hết Bắc phạt đến Nam chinh và cuối cùng ông ta bị các tướng quân khác đánh bại. Họ Đường chết trong uất ức vào năm 48 tuổi.

-----oOo-----

8. Cũng vào thời chiến tranh Trung Nhật, vùng Quảng Đông trộm cướp nổi lên như ông. Lý Lãng Kê là một đại ca của một băng cướp nổi tiếng thời ấy.

Khi quân Nhật tràn vào chiếm tỉnh Quảng Đông, Uông Tính Vệ theo Nhật lập chính phủ bù nhìn. Lý Lãng Kê kéo thủ hạ đầu quân dưới trướng họ Uông và đóng tại Thị Kiều. Họ Lý được vợ Uông Tinh Vệ là Trần Bích Quân trọng dụng, giao cho làm nhiệm vụ kinh tài. Lý Lãng Kê như hổ mọc thêm cánh, tha hồ tác oai tác quái.

Đến khi Uông Tinh Vệ chết, kháng chiến Nhật thành công, tài sàn của Lý Lãng Kê bị tịch thu và bản thân Lý thì bị xử tử.

_____________

(1) Tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc:

- Tây Thi, gái nước Việt thời Chiến quốc.

- Vương Chiêu Quân, cung nhân đời Hán, cống Hồ

- Điêu Thuyền, mỹ nhân thời Tam quốc

- Dương Quý Phi, sửng phi của vua Đường Huyền Tông.

(Theo Trần Phương Hồ, Điển tích trong Truyện Kiều, NXB Đồng Nai, 1996)

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo