MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Điển tích Truyện Kiều: Mai cốt cách

MAI CỐT CÁCH, tuyết tinh thần

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười

(Câu 17 và 18, phẩm chất chị em Kiều)

MAI CỐT CÁCH là thân hình mảnh mai, yếu đuối như cây mai. Đấy là quan niệm của người xưa, người con gái được coi là đẹp phải có thân mình ẻo lả mảnh mai như thế.

Điển hình cho người đẹp "mai cốt cách" là nàng Mai Phi, một người phi sủng ái của vua Đường Huyền Tông khi ông chưa có nàng Dương Quý Phi.

Điển tích Mai cốt cách

Điển tích Truyện Kiều: Mai cốt cách

Mai Phi tên thật là Giang Thái Tần, chào đời và lớn lên ở Mai Hoa thôn. Nàng được Thái giám Cao Lực Sĩ tuyển chọn vào cung dâng cho vua Đường Huyền Tông. Nàng có nhan sắc diễm lệ và thân hình mảnh dẻ gió thổi cũng bay. Hơn nữa, nàng rất yêu thích hoa mai nên được nhà vua đất là Mai Phi.

Vào cung, Mai Phi đã được vua Đường Huyền Tông sủng ái rất mực một thời. Đến khi nhà vua có được Dương Quý Phi thì Mai Phi bị thất sủng. Nàng sầu khổ lâm bệnh và cuối cùng chết đi như một cảnh hoa mai héo hắt.

Cùng mẫu người “mai cốt cách” như Mai Phi còn có Đào Hoa Nữ trong bài thơ của Thôi Hộ, nàng Thôi Oanh Oanh trong Tây Sương Ký và nàng Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng.

Loại phụ nữ như thế chỉ là một loại hoa quý để cắm trong bình cho người khác thưởng thức chứ không thể là mẫu người làm vợ lý tưởng được. Tại sao? Vì thân thể họ nhuyễn nhược, mềm yếu quá có làm nên chuyện gì đâu? Nhất nhất chuyện gì họ cũng đều trông cậy vào người khác mà thôi. Và mẫu người như thế, thường là “hồng nhan bạc phận”, sớm bị yểu vong chớ không thể trường thọ được.

-----oOo-----

Nhân vật chính trong truyện Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần là Lâm Đại Ngọc, cũng là một mẫu người “mai cốt cách”. Lâm Đại Ngọc tự là Tần Khanh, biệt hiệu là Tiêu Sương Phi Từ quê quán ở Tô Châu; xuất thân trong một gia đình quan chức suốt bốn đời.

Ngoài thân hình yếu đuối “mai cốt cách”, Lâm Đại Ngọc còn là một con người mang nét “mãn diện sầu dung” luôn luôn. Trống phong thái nàng thật là u nhàn, thanh tĩnh như một cảnh hoa soi bóng nước; lại thêm tính tình cũng rất thanh cao, trang nhã.

Mồ còi mẹ năm mười tuổi, Lâm Đại Ngọc ở với bà ngoại và rất được bà cưng chiều. Sống chung và chơi đùa chung với nhau bao nhiêu năm trời là Già Bảo Ngọc, người anh họ của nàng. Do đó, tình cảm yêu thương nảy nở giữa Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc nhưng cả hai chẳng dám thố lộ cho nhau, chỉ nghe ngóng động tĩnh của nhau để mà vui buồn với nhau mà thôi.

Sau một thời gian chung sống ở vườn Đại quan, Giả Bảo Ngọc dọn về Di Hồng viện, còn Lâm Đại Ngọc thì đến Tiêu Sương quán. Sự xa cách này khiến hai người thương nhớ nhau và tìm cách trao tình cho nhau nên mối tình thầm kín của họ bị lộ. Lâm Đại Ngọc ngày càng thêm u sầu, ai oán. Cứ chiều chiều nàng ra vườn gom những cánh hoa rụng và đem chôn; lại làm hai câu thơ táng hoa rằng:

"Ngã kim táng hoa nhân tiếu si

Tha niên táng ngã tri thị thùy"?

(Nay ta chôn hoa, người cười ta dại

Sang năm ta chết, ai người chôn ta).

Sau đó, mẹ Giả Bảo Ngọc cưới Tiết Bảo Thoa cho chàng. Lâm Đại Ngọc thổ huyết chết ngay trong đêm động phòng hoa chúc của người yêu...

                                          (Theo Trần Phương Hồ, Điển tích trong Truyện Kiều, NXB Đồng Nai, 1996)

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo