Trong nội dung thi vào lớp 10 cũng như thi tốt
nghiệp THPT, nghị luận về thơ luôn là một nội dung quan trọng được các thầy cô
cũng như học sinh quan tâm, đầu từ nhiều thời gian, công sức để ôn luyện. Phân
tích thơ, thực tế đã được học từ lớp 6 và học kĩ ở lớp 9. Tuy nhiên hầu như
chưa nắm được kỹ năng nghị luận thơ. Sau đây là một số gợi ý giúp các em làm tốt
việc này hơn.
Xác định các yêu cầu của đề bài
Đây là bước rất quan trọng. Bước này bảo đảm cho người viết xác định đúng vấn đề cần nghị luận, tránh lạc đề. Giúp bài viết xoáy vào trọng tâm của vấn đề. Lấy dẫn chứng phù hợp…
Có các yêu cầu thường gặp sau đây: phân
tích/cảm nhận về đoạn thơ (như bảy câu đầu trong bài thơ Đồng chí của Chính
Hữu); nghị luận một khía cạnh về nội dung hoặc nghệ thuật bài thơ (Vẻ đẹp người
lính trong Đồng chí của Chính Hữu); phân tích kết hợp bàn luận một ý
kiến nhận định về bài thơ (chất thơ trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành
Long); hoặc phân tích kết hợp so sánh đối chiếu 2 đoạn thơ của 2 bài thơ khác
nhau (hình ảnh người lính trong Đồng chí và Bài thơ về tiểu đội xe không
kính)…
Vận dụng 5 bước cơ bản
Đối với đề bài phân tích đoạn thơ hoặc một
khía cạnh của bài th, ngoài phần giới thiệu những kiến thức cơ bản liên quan
đến tác giả, tác phẩm ở mở bài, phần đánh giá chung về nội dung, nghệ thuật và
khẳng định sức sống, sự bất tử của tác phẩm, tác giả ở phần kết bài thì ở phần
triển khai (thân bài) HS nên vận dụng 5 bước sau đây:
Bước 1, nhận xét khái quát bài thơ/đoạn thơ. Gồm các
mặt như thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu nói chung. Đặc biệt là bố cục
gồm bao nhiêu ý chính và định hướng cách phân tích theo bố cục như thế nào (cắt
ngang, bổ dọc, hay kết hợp cả hai).
Bước 2, lần lượt phân tích theo định hướng bố cục
trên. Thao tác này gồm các bước: lời dẫn hay chuyển ý, trích ngữ liệu thơ. Phải
trích dẫn đầy đủ, chính xác.
Bước 3, diễn toàn bộ phần trích dẫn thơ ra văn xuôi.
Phải diễn trôi chảy, đúng ý nghĩa, hay. Đáng nói là nhiều bài làm của HS chỉ
dừng lại ở thao tác này nên chưa có chiều sâu và thường bị giám khảo nhận xét
là “chỉ mới diễn xuôi”. (lồng vào bước 4)
Bước 4, bám vào những từ ngữ, hình ảnh trọng tâm, các
biện pháp nghệ thuật… để phân tích sâu, kỹ. Đây là bước cơ bản nhất, nó thể
hiện khả năng cảm thụ về thơ ca của người viết. Muốn bài làm có chiều sâu phải
phát huy hiệu quả của bước này. (lồng vào bước 3)
Bước 5, so sánh, đối chiếu để làm nổi bật đoạn thơ.
Có nhiều cách liên hệ, so sánh như về các hình ảnh, chi tiết, nghệ thuật trong
bài thơ, ngoài bài thơ; so sánh với cùng một tác giả, khác tác giả hoặc những
tác phẩm cùng viết về đề tài…
Sau khi vận dụng xong các bước trên cũng nên
có tiểu kết để đáng giá chung về nội dung và nghệ thuật. Và cứ như thế, tiếp
tục áp dụng 5 bước này cho các phần tiếp theo.
Các bước trên chặt chẽ như một bàn tay 5 ngón,
trình tự từ ngón cái đến ngón út. Đó là kỹ năng phân tích thơ hợp lý và hiệu
quả.
(Nguồn tham khảo: thanhnien.vn)