Đề bài: Phân tích nét đẹp truyền thống và hiện đại của hình tượng Em trong đoạn thơ dưới đây:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
BÀI LÀM
Xuân Quỳnh là bà hoàng thơ tình trong lòng độc giả thi ca Việt. Xuân Quỳnh luôn đem đến cho độc giả những cái nhìn sâu sắc về tình yêu, nhà thơ thổn thức những lời thơ chân thành, có chút hồn nhiên, da diết của một trái tim khao khát yêu đương. Bài thơ Sóng không chỉ thành công trong cách truyền đạt ngôn ngữ mà còn ở việc nhà thơ tạo nên nhịp điệu riêng để thơ đi vào lòng người đọc một cách thú vị. Một người phụ nữ luôn da diết yêu và được yêu được nhà thơ mượn hình tượng sóng cùng nhịp điệu của sóng để nói về tiếng lòng mình:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày
xưa
Và ngày sau vẫn
thế
Nỗi khát vọng
tình yêu
Bồi hồi trong ngực
trẻ.”
Xuân Quỳnh (1942 - 1988) là nhà thơ nữ hiện đại hiếm
hoi xuất hiện nổi bật trên thi đàn văn học thời kỳ kháng chiến chống Mĩ. Xuân
Quỳnh được xem là nữ thi sĩ nổi tiếng với nhiều bài thơ tình được nhiều người
biết đến như Thuyền và Biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa...
Thơ chị luôn ăm ắp những cảm xúc, những cung bậc tình cảm, nhiều lo âu và luôn
da diết cho những khát vọng đời thường như chính tính cách con người chị vậy.
Và Sóng, có lẽ cũng được viết ra trong những ăm ắp của cung bậc cảm xúc
như thế. Thi phẩm được sáng tác tại cửa biển Diêm Điềm, khi nhà thơ đã từng trải
qua những đau đớn, đổ vỡ trong tình yêu. Bài thơ là một trong những thi phẩm
tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của nữ sĩ, được in trong tập thơ Hoa
dọc chiến hào.
Ngay lời thơ mở đầu, là một sự phát hiện, khám phá về
bản chất, trạng thái của sóng, về sự muôn dạng của sóng:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Với phép liệt kê, tương phản, có thể thấy, những đặc
điểm tưởng như đối lập lại thống nhất với nhau và luôn tồn tại trong một chỉnh
thế là sóng. Sóng phức tạp, đa dạng về hình thức, khó hiểu về bản chất. Sự phức
tạp của sóng cũng chính là đặc tính đa dạng khó giải thích của người con gái
khi yêu. Người con gái trong tình yêu cũng luôn chứa đựng nhiều những đối cực,
những mâu thuẫn và khó đoán. Có khi yêu mãnh liệt, rào rạt, khi lại sâu lắng,
diết da; lúc sôi nổi cuồng nhiệt, khi lại dửng dưng, lạnh lùng...
Sông và bể là không gian của sóng. Nếu sông chật hẹp,
sông đem đến sự tù túng, bó buộc vào những giới hạn của khoảng cách, bù lại
sông an toàn và yên bình; thì bể lại là không gian mênh mông, cao rộng, bể đại
diện cho cái tự do, nhưng ở bể luôn đầy bão tố, luôn chứa đựng cái hiểm nguy
khó lường. Vậy sự lựa chọn của sóng là gì? Sóng bỏ sông ra bể. Bỏ nơi chật hẹp,
kìm kẹp những bản tính của sóng để tìm đến nơi sóng được vẫy vùng, được “dữ dội”,
được “ồn ào”. Ở sông tuy an toàn,
nhưng sóng chẳng thể khám phá hết mình, chẳng thể hiểu nổi mình. Sóng chỉ như
dòng chảy lặng lẽ “dịu êm”, “lặng lẽ”. Cho nên, sóng quyết từ bỏ nơi an
toàn, chấp nhận thử thách gian lao, chấp nhận những bão tố ngoài bể, để tìm được
bản ngã.
Hành trình của sóng tìm đến bể là hành trình từ bỏ cái
chật hẹp để đến với cái lớn lao, cao rộng. Trái tim người con gái đang yêu cũng
như sóng, không chấp nhận sự tầm thường nhỏ hẹp, luôn vươn tới cái lớn lao có
thể đồng cảm, đồng điệu với mình. Cụm từ “ra tận” cho ta thấy quyết tâm mạnh
mẽ của sóng, dù vượt trùng dương xa xôi, sóng vẫn quyết không bỏ cuộc, quyết
tìm đến đích của cuộc hành trình. Và đó cũng là quyết tâm và sự mạnh mẽ của em,
sự chủ động của em trong tình yêu, chủ động làm kiếm tìm và làm chủ số phận cuộc
đời mình.
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng
tình yêu
Bồi hồi trong ngực
trẻ.”
Khổ 2 mở đầu bằng thán từ “ôi”, vừa như thể hiện sự xúc động, vừa thể hiện những phát hiện của
thi sĩ về sóng qua lăng kính thời gian. Qua chiều dài của dòng chảy thời gian bất
tận, từ quá khứ ngàn xưa, buổi khai thiên lập địa, cho đến tận bây giờ hay là
ngàn năm sau nữa, con sóng vẫn thế. Nghệ thuật đối lập “ngày xưa” – “ngày
sau” đã khẳng định sự trường tồn của con sóng. Dù thời gian có nghiệt ngã,
có làm hoán đối, xoay vần rất nhiều điều, thì “con sóng vẫn thế”. Lời
thơ như khẳng định vào sự vĩnh hằng của bản tính sóng: lúc ồn ào, khi lặng lẽ,
nhưng chẳng bao giờ đứng yên. Sự trường tồn muôn đời của sóng, bản tính sóng, một
thực thể tự nhiên, cũng là sự trường tồn muôn đời của tình yêu, của bản tính của
người phụ nữ khi yêu. Dù là ngày xưa (quá khứ), ngày sau (tương lai) thì con
người vẫn luôn khát vọng tình yêu. Soi chiếu bằng điểm nhìn thời gian, Xuân Quỳnh
đã nói lên quy luật của cảm xúc mà nhân loại ai cũng sẽ trải, ai cũng luôn khao
khát.
Có lần, thi sĩ Xuân Diệu cũng từng viết: “Làm sao sống
được mà không yêu/ Không nhớ, không thương một kẻ nào”. Khi còn con người tồn tại trên cõi
trần, khi đó tình yêu vẫn còn được nhắc đến, còn được ngợi ca. Ý thơ: “Nổi
khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ ” khiến ta cảm nhận được sức mạnh,
sự mãnh liệt tình yêu mang đến cho trái tim mỗi người, dù là thanh xuân hay tóc
bạc, tình yêu vẫn khiến trái tim thật trẻ trung và thổn thức, bởi tình yêu đâu
phân biệt lứa tuổi.
Thông qua khổ 1 và 2, Xuân Quỳnh đồng thời cũng gửi gắm
vào đó những quan niệm về tình yêu mang cả nét truyền thống và hiện đại. Vẻ đẹp
hiện đại đó là cuộc hành trình kỳ công đi tìm tình yêu đích thực. Người con gái
không còn cam chịu, chấp nhận mà đầy chủ động đi tìm tình yêu của cuộc đời
mình, luôn mãnh liệt chủ động, sống hết mình, vượt qua tất cả để có được tình
yêu cho mình, vẻ đẹp truyền thống được biếu hiện ở những trạng thái cảm xúc đối
lập mà thống nhất trong trái tim người con gái đang yêu. Trong tình yêu, tâm hồn
người phụ nữ không hề bình lặng mà đầy biến động: có khi sôi nổi cuồng nhiệt,
cũng có khi e lệ, kín đáo, có lúc đằm thắm, lúc hờn ghen, điều đó làm nên sức hấp
dẫn, sự quyến rũ đầy nữ tính của người phụ nữ.
“Chỉ riêng điều được sống cùng
nhau
Niềm sung sướng với em là lớn
nhất
Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào tim đập chẳng vì
anh.”
(Chỉ có sóng và em – Xuân Quỳnh)
Bằng hình tượng sóng đầy đặc sắc, Xuân Quỳnh đã mang đến
hơi thở đầy mới mẻ cho thơ tình Việt Nam, tình cảm nhẹ nhàng đầy nữ tính trong
sóng cũng như bông hoa dọc chiến hào có thể làm dịu đi cái khốc liệt của chiến tranh,
làm đắm say độc giả bao thế hệ.
(Nguồn: Sưu tầm)