MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Tóm tắt tiểu sử Nguyễn Du

 I. TIỂU SỬ

Nguyễn Du tự Tô Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu là Hồng Sơn Liệp hộ; nguyên quán làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Du là con thứ bảy của Hoàng Giáp Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775), Tể tướng Lê triều, tước Xuân Quận Công. Mẹ Nguyễn Du là bà trắc thất (vợ lẻ) thứ ba của Xuân Quận Công, tên Trần Thị Tần (có sách ghi là Thắn), người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc. Bà sinh năm 1740, nhỏ hơn Xuân Quận Công ba mươi hai tuổi. Ở với Xuân Quận công, bà sinh được bốn người con trai là Trụ, Nễ, Du và Ức.

Theo một bản gia phả của họ Nguyễn ở Tiên Điền thì Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu nhằm năm Cảnh Hưng thứ hai mươi sáu, dương lịch là ngày 3 tháng 1 năm 1766; tại phường Bích Câu ở Thăng Long.

Cuộc đời và gia thế Nguyễn Du


Ở Hà Tĩnh vào triều Lê đã có câu ca dao nói về dòng họ Nguyễn Tiên Điền như sau:

“Bao giờ ngàn Hống hết cây

Sông Rum hết nước, họ này hết quan”

Như vậy, Nguyễn Du sinh trường trong một gia đình đại quý tộc bậc nhất ở đấy. Theo cụ Lê Thước, dòng họ của Nguyễn Du xưa kia vốn là người ở trấn Sơn Nam. Dưới thời nhà Mạc, Nguyễn Thiến đỗ Trạng nguyên vào năm 1532, nhưng ông lại làm quan cho nhà Lê đến chức Thượng Thư Bộ Lại kiêm Đông Các Đại học sĩ, tước phong Thư Quận Công.

Khi Nguyễn Thiến mất, hai người con của ông là Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn lại không làm quan cho nhà Lê mà phục vụ nhà Mạc. Nhà Mạc hết, hai người quay lại với nhà Lê nhưng âm mưu tạo phản. Việc bại lộ, cả nhà bị giết. Riêng một người con của Nguyễn Miễn là Nguyễn Nhiệm trốn được, chạy vào xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh mai danh ẩn tích.

Thời bấy giờ vùng Hà Tĩnh hãy còn hoang vu lắm, Nguyễn Nhiệm ra sức khai phá đất hoang để lập nghiệp. Người địa phương gọi ông là Nam Dương công.

Nam Dương công được coi là ông tổ của họ Nguyễn ở Tiên Điền. Từ đời ông đến đời Nguyễn Nghiễm (thân phụ Nguyễn Du) là sáu đời.

Nguyễn Nghiễm làm Tể tướng Lê triều nhưng vẫn thường cầm quân đi đánh giặc và lập được nhiều công lớn. Có lần ông tiến quân vào Nam Hà đánh nhau với Nguyễn Nhạc (Chúa Tây Sơn).

Nguyễn Nghiễm có người anh tên Nguyễn Huệ (không phải Nguyễn Huệ Tây Sơn) đỗ tiến sĩ, làm quan đồng triều với ông. Con trai lớn của Nguyễn Nghiễm là Nguyễn Khản, cũng đỗ tiến sĩ và làm quan đồng triều. Nguyễn Khản làm Lại Bộ Thượng Thư sung chức Tham Tụng.

Người con thứ hai của Nguyễn Nghiễm là Nguyễn Điều làm Trấn thủ Sơn Tây, tước Điều Nhạc hầu.

Nguyên Nghiễm mất ngày 17 tháng 11 năm Ất Mùi, dương lịch là ngày 7 tháng 1 năm 1776. Ông có tám bà vợ và hai mươi mốt người con, cả trai lẫn gái.


Gia thế Nguyễn Du không chỉ có những người làm quan to, mà lại còn giỏi văn học nữa:

- Nguyễn Quỳnh, ông nội của Nguyễn Du, là một nhà triết học chuyên nghiên cứu Kinh Dịch.

- Nguyễn Nghiễm làm quan và là một Sử gia, một nhà thơ.

- Nguyễn Khản rất giỏi thơ Nôm, thưởng đối vịnh với Chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm.

- Nguyễn Nễ (anh cùng mẹ với Nguyễn Du), Nguyễn Thiện và Nguyễn Hành (cháu gọi Nguyễn Du bằng chú) đều là các nhà thơ có tiếng thời ấy.

III. CUỘC ĐỜI

* Thời thiếu niên và thanh niên: Nguyễn Du mồ côi cha năm 10 tuổi. Hai năm sau ông mất mẹ (thân mẫu Nguyễn Du mất ngày 6 tháng 7 năm Mậu Tuất, dương lịch là ngày 27 tháng 8 năm 1778, lúc 39 tuổi).

Bốn anh em Nguyễn Du chưa đến tuổi trường thành nên phải sống nhở vào sự đùm bọc của anh cả (khác mẹ) là Nguyễn Khản, đang tại chức Tả Thị Lang Bộ Hình kiêm Hiệp trấn xứ Sơn Tây.

Năm Canh Tý 1780, bắt đầu cuộc biến động của phủ Chúa Trịnh. Nguyên Khàn ủng hộ Trịnh Tông nên bị cách chức và bị giam. Khi Trịnh Tông lên nắm quyền Chúa, Nguyễn Khàn được phục chức. Nhưng sau đó loạn kiêu binh lại phá nhà Nguyên Khản và toan giết ông. Nguyễn Khản phải trốn vào phủ Chúa, rồi cải trang lên Sơn Tây và sau đó về quê Hà Tĩnh ở ẩn. Trong thời gian biến động này, Nguyễn Du vẫn còn đi học.

Năm 1783, Nguyễn Du 18 tuổi, đi thi Hương ở trường thi Sơn Nam và đỗ Tam trường (Tú Tài). Nhưng chẳng biết vì sao ông khổng tiếp tục đi thi nữa. Năm này ông kết hôn với con gái của Đoàn Nguyễn Thục ở Sơn Nam.

Nguyễn Du từng làm con nuôi của viên Chánh thủ hiệu họ Hà ở Thái Nguyên. Năm 1786, viên Chánh thủ hiệu họ Hà mất, Nguyễn Du được kế tập giữ chức ấy.

Năm 1789, vua Quang Trung nhà Tây Sơn kéo quân ra Bắc Hà đánh tan 20 vạn quân Thanh. Vua Lê Chiêu Thống và đám quân tùy tùng bỏ nước chạy theo tàn quân Tôn Sĩ Nghị sang Tàu. Nguyễn Du và anh là Nguyễn Nễ và em là Nguyễn Ức cũng toan chạy theo Lê Chiêu Thống nhưng không kịp. Thế là Nguyễn Du từ biệt anh và em, trở về quê vợ ở xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam. Ít lâu sau ông về Hà Tĩnh.

Năm 1796, Nguyễn Du tìm đường vào Gia Định để theo Nguyễn Phúc Ánh chống nhà Tây Sơn. Ông bị viên trấn thủ đất Nghệ An của Tây Sơn là Nguyễn Thuận bắt giữ ba tháng. Nguyễn Thuận là bạn thân của Nguyễn Nễ, lại cũng mến tài Nguyễn Du nên tha cho ông. Được tha, Nguyễn Du trở về Tiên Điền và ở lại đó trong một thời gian lâu dài. Bấy giờ sự nghiệp của họ Nguyễn ở Tiên Điền không còn gì nữa. Cơ ngơi của Nguyễn Nghiễm để lại đã bị quân Tây Sơn phá sạch, vì một người anh khác mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh chống Tây Sơn bị thất bại. Nguyễn Quýnh không chịu đầu phục Tây Sơn nên bị giết chết.

Nguyễn Nễ đã ra làm quan với Tây Sơn từ năm 1789, nhưng Nguyễn Du thì nhất định không. Thời gian ở tại Tiên Điền, Nguyễn Du sống rất chật vật, thiếu thốn, thưởng đi săn và đi câu. Nguyễn Du đã đặt chân khắp 99 ngọn núi của dãy Hồng Lĩnh, nên tự đặt biệt hiệu cho mình là Hồng Sơn Liệp hộ.

* Làm quan với triều Nguyễn: Mùa thu năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh đã hoàn toàn làm chủ đất nước từ Nam ra Bắc, lên ngôi Hoàng đế đặt niên hiệu là Gia Long.

Tháng 8 năm ấy, Gia Long ngự giá Bắc Hà. Khi tới Nghệ An, vua nhà Nguyễn cho triệu Nguyễn Du ra bệ kiến, rồi truyền đi theo hộ giá. Sau đó Nguyễn Du được bổ Tri huyện Phù Dung. Đến tháng 11, ông được thăng Tri phủ Thường Tín. Năm sau, ông được cử lên ải Nam Quan tiếp đón sứ thần Trung Hoa.

Năm Gia Long thứ ba (1805), Nguyễn Du cáo bệnh từ quan. Nhưng chỉ một tháng sau ông được triệu ra lãnh chức Đông Các điện Đại học sĩ, tước phong Du Đúc hầu.

Năm 1807, Nguyễn Du được cử làm giám khảo trường thi Hương ở Hải Dương.

Năm 1808, ông lại cáo quan về quê nghỉ tám tháng.

Năm 1809, Nguyễn Du được bổ làm Cai Bạ Quảng Bình và ở chức liền bốn năm.

Năm 1812, Nguyễn Du lại cáo quan lần nữa, về quê xây mộ cho anh là Nguyễn Nễ. Cuối năm ấy có chỉ triệu vào kinh. Đến tháng 2 năm 1813, ông được thăng cần Chánh điện Đại học sĩ và được cử cầm đầu Sứ bộ sang Trung Quốc.

Năm 1814, Nguyễn Du về nước, được nghỉ sáu tháng. Sang năm 1815, ông được thăng Hữu Tham Tri Bộ Lễ.

* Cuối đời: Tháng 2 năm Canh Thìn (1820), vua Gia Long băng hà, Hoàng tử Đàm lên nối ngôi hiệu là Minh Mệnh nguyên niên. Triều đình chọn Nguyễn Du làm Chánh sứ sang Trung Quốc cầu phong, nhưng ông chưa kịp lên đường thì lâm bệnh qua đời. Ông mất vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn, dương lịch là ngày 15 tháng 9 năm 1820; thọ 56 tuổi. Bấy giờ trong nước đang xảy ra chứng bệnh dịch xuất phát từ Gia Định và lan tràn ra tới Bắc Hà. Nguyễn Du bị mắc bệnh ấy mà không chịu uống thuốc. Vợ con ở tận ngoài xứ không có điều kiện vào kinh, những giờ phút cuối cùng của Nguyễn Du chỉ có kẻ tả hữu bên cạnh. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép: “Khi tiên sinh bệnh nặng, không chịu uống thuốc. Lúc gần mất, sai người sờ tay chân xem còn nông hay lạnh. Người nhà nói đã lạnh cả rồi. Tiên sinh nói: “Được”. Nói xong thì mất, không có một lời trăn trối việc sau.”

Nguyễn Du được chôn ở xã An Ninh, huyện Quàng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Bốn năm sau, thi hài ông mới được cải táng về Tiên Điền.

Nguyễn Du có hai vợ và một thiếp, 12 con trai và 6 con gái. Người con trai lớn của ông tên Nguyễn Tứ, có theo ông đi sứ sang Trung Quốc trước kia, về nước ít năm thì mất. Người con thứ hai tên Nguyễn Ngũ, làm Tuần huyện dưới triều Minh Mệnh. Người con thứ ba do bà thiếp sinh, tên là Nguyễn Thuyến. Gia phả họ Nguyễn nói Nguyễn Thuyến "giỏi văn học" nhưng không thấy có tác phẩm để lại cho đời. Còn các người con khác của Nguyễn Du không biết làm gì...

Nguyễn Du làm quan cho Triều Nguyễn gần 20 năm, không có gì là trở ngại. Ông được thăng chức nhanh và giữ các chức vụ tương đối quan trọng. Tuy nhiên, dường như Nguyễn Du vẫn có điều gì bất như ý sâu sắc với Nguyễn triều. Sách Đại Nam Chính biên liệt truyện viết: “Nguyễn Du là người ngạo nghễ, tự phụ, song bề ngoài tỏ vẻ giữ gìn cung kính, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì".

Có lần vua Gia Long trách ông: “Nhà nước dùng người cứ kẻ hiền tài là dùng chứ không phân biệt Nam Bắc. Ngươi với ta được ơn tri ngộ, làm quan đến bậc Á khanh, biết việc gì thì phải nói ra cho hết chức trách của mình, sao lại cứ rụt rè, sợ hãi, chỉ vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện".

IV. SỰ NGHIỆP

Nguyễn Du để lại cho đời một văn nghiệp tuy không đồ sộ về số lượng, nhưng hoàn toàn có giá trị cao về phẩm chất; nhất là tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” tức truyện Thuý Kiều, qụả là một kiệt tác văn học.

Phần quốc âm có”

- Bài “Thác lời phường nón”

- Văn tế sống Trường lưu nhị nữ

- Văn tế Thập loại chứng sinh

- Đoạn trường tân thanh (tức truyện Thúy Kiều)

Phần Hán văn có:

- Thanh Hiên thi tập

- Nam trung tạp ngâm

- Bắc hành tập lục.

Nguyễn Du chẳng những xứng đáng là một Đại tập thành của văn học phong kiến mà còn là một thi hào của dân tộc Việt Nam.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo