MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Đáp án môn Ngữ văn thi vào lớp 10 Cần thơ năm 2021

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THÀNH PHỐ CẦN THƠ

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT

NĂM HỌC 2021-2022
Khóa ngày 05/6/2021

ĐỀ CHÍNH THỨC

 

MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

 

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu câu:

(1)                                   Con ong làm mật, yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời.

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

(2)                                   Một ngôi sao chẳng sáng đêm

Một thân lửa chín, chẳng nên mùa vàng

Một người - đâu phải nhân gian

Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!

(3)                                   Núi cao bởi có đất bồi

Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?

Muốn dòng sông đổ biển sâu

Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn?

(Trích Tiếng ru - Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1981)

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Tp Cần Thơ năm 2021
Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn TP Cần Thơ năm 2021

Câu 1. Xác định thành phân biệt lập trong khổ thơ (1).

Câu 2. Chỉ ra từ thuộc trường từ vựng “thế giới tự nhiên” trong khổ thơ (3).

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong hai câu thơ sau:

Con ong làm mật, yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời.

Câu 4. Em hiểu như thế nào về hai câu thơ:

Một người - đâu phải nhân gian

Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi! 

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết của tinh thần tương thân tương ái trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Phân tích thái độ và hành động của bé Thu qua hai đoạn trích sau:

[...] Trong bữa cơm đó, anh Sáu gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén nó. Nó liền lấy đũa xoi vào chén, để đó tồi bất thần hất cái trứng ra, cơm văng tung tóe cả mâm. Giận quá và không kịp suy nghĩ, anh vung tay đánh vào mông nó và hét lên:

- Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?

Tôi tưởng con bé sẽ lăn ra khóc, sẽ giẫy, sẽ đạp đổ cả mâm cơm, hoặc sẽ chạy vụt đi. Nhưng không, nó ngồi im, đầu cúi gằm xuống. Nghĩ thế nào nó cầm đũa, gắp lại cái trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm. Xuống bến, nó nhảy xuống xuồng, mở lòi tói cố làm cho dây lòi tói khua rổn ráng, khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua sông. Nó sang qua nhà ngoại, mét với ngoại và khóc bên ấy. Chiều đó, mẹ nó sang dỗ dành mấy nó cũng không về...

Và:

[…] Đến lúc chia tay, mang ba lô lên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà.

Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.

- Thôi! Ba đi nghe con! - Anh Sáu khe khẽ nói.

Chúng tôi, mọi người - kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bồng kêu lên:

- Ba. a ... a ... ba!

Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.

Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:

- Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!

Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa.

(Trích Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng,

Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)

 

------HẾT------


ĐÁPN ÁN THAM KHẢO

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu

Nội dung

1

Thành phân biệt lập trong khổ thơ (1) là “ơi” - thành phần gọi - đáp

2

Các từ thuộc trường từ vựng thế giới tự nhiên trong câu 3 là: Núi, đất, dòng sông, biển nước.

3

Biện pháp nhân hóa được thể hiện ở tư “yêu”. Đây là từ dùng cho con người nhưng lại được sử dụng cho con vật.

4

Câu thơ trên có thể hiểu như sau: Một người không thể làm nên cả một nhân gian nghĩa là muốn thành công hãy đoàn kết, hãy sống trong tình yêu thương của mọi người thay vì tách mình ra khỏi xã hội.

 

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu

Nội dung

1

1. Giới thiệu vấn đề: tinh thần tương thân tương ái là một truyền thống quý báu của dân tộc ta.

2. Bàn luận

a. Định nghĩa: tinh thần tương thân tương ái là sự quan tâm, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống giữa con người với con người.

b. Ý nghĩa

- Thể hiện phẩm chất, nhán cách cao quý của con người, là biểu hiện của tình yêu thương.

- Tinh thần tương thân, tương ái giúp gắn kết con người lại với nhau, tạo ra sức mạnh vật chất lẫn tinh thần để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

- Giúp con người sống nhân ái hơn.

- Sống không có tinh thần tương thân, tương ái, thể hiện sự vô cảm của con người, con người sẽ bị tách biệt khỏi tập thể.

c. Cách thể hiện tinh thần tương thân, tương ái:

- Người có tinh thần tương thân tương ái là người sống có tấm lòng nhân nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt đẹp.

+ Trong gia đình: yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ; sống hòa hợp gắn bó với anh chị em, biết nhường nhịn lẫn nhau.

+ Trong trường học: kính trọng, yêu quý thầy cô, giúp đỡ bạn bè...

+ Ngoài xã hội: biết cảm thông, chia sẻ với những người gặp hoàn cảnh khó khăn, tương trợ, giúp đỡ đồng bào vùng lũ lụt, thiên tai

- Nhận thức: Biết tương thân, tương ái, giúp đỡ ngươi khác trong khó khăn, hoạn nạn là việc làm tốt đẹp, cần tuyên dương, khen ngợi và lan tỏa trong cộng đồng. Thế nhưng lòng tốt cũng cần phải đặt đúng chỗ, giúp đúng người đúng việc, đừng để lòng tốt của mình bị kẻ xấu lợi dụng.

d. Phê phán: Trong xã hội ngày nay vẫn còn rất nhiều người chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân, thờ ơ, vô cảm trước những hoàn cảnh khó khăn, trước những nỗi đau của người khác.

e. Bài học: Không có gì tốt đẹp bằng ánh sáng của lòng nhân ái. Hãy biết yêu thương, giúp đỡ người khác.

3. Khẳng định: Tinh thần tương thân, tương ái là một phẩm chất cần có ở mỗi con người. Chúng ta cần phải giữ gìn và phát huy tinh thần tương thân tương ái đó trong thời đại ngày nay.

2

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả: Nguyễn Quang Sáng là nhà văn Nam Bộ. Ông chủ yếu viết về cuộc sống và con người Nam Bộ

- Giới thiệu tác phẩm: Ra đời năm 1966, trong thời kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra quyết liệt, Chiếc lược ngà” ngợi ca tình cha con, tình đồng chí của những người cán bộ Cách mạng cũng tình người trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh.

- Nêu vấn đề: tâm trạng của bé Thu trước và sau khi biết ông Sáu là cha được thể hiện thông qua hai đoạn trích.

II. Thân bài:

1. Vị trị đoạn trích:

- Đoạn trích thứ nhất được trích từ vị trí đầu tiên trong tác phẩm khi ông Sáu trở về nhà và bé Thu không chịu nhận cha.

- Đoạn trích thứ hai được trích từ đoạn cuối của tác phẩm khi bé Thu nhận ra đó chính là cha của mình và đó chính là tình cảm của bé đối với cha.

2. Phân tích

a. Đoạn trích thứ nhất — bé Thu không chịu nhận cha

- Là cô bé sinh ra trong chiến tranh nên trong suốt 8 năm trời cô bé không được gặp cha. Cô chỉ biết mặt ba qua 1 tấm ảnh ba chụp chung với má.

- Những tưởng ngày đoàn viên sau 8 năm xa cách phải đầy mừng tủi, hạnh phúc nhưng cô bé lại thể hiện một thái độ hết sức khác thường:

+ Trước sự xúc động của ông Sáu, ba bé Thu, thì cô bé ngạc nhiên, hoảng sợ, mặt tái đi, bỏ chạy, cầu cứu má.

+ Những ngày sau đó, dù ông dành hết thời gian bên con, yêu thương chăm sóc nhưng bé Thu vẫn lạnh nhạt, xa lánh thậm chí bướng bỉnh, ngang ngạnh cự tuyệt ông

- Cô bé không chịu gọi ông là cha. Những lúc phải nói với ông nó chỉ nói trống không, bất chấp sự trách móc của mẹ. Lúc khó khăn, nguy cấp khi phải chắt nước nồi cơm vừa to, vừa nặng quá sức mình cô bé cũng không chịu nhờ ông Sáu. Nó tự mình xoay sở để không phải gọi ông là ba.

Cô bé còn từ chối sự chăm sóc của ông rất quyets liệt, nó hất miếng trứng cá ông gắp ra khỏi bát làm đổ cả cơm. Lúc ông Sáu không kìm được nỗi đau khổ nên phạt bé Thu, cô bé ngay lập tức bỏ sang nhà ngoại.

- Nhận xét: tác dụng của việc miêu tả thái độ, hành động khác thường của bé Thu

+ Tái hiện được hoàn cảnh éo le của chiến tranh.

+ Cho thấy bé Thu hồn nhiên nhưng vẫn bướng bỉnh, cá tính. Cô không nhận ông Sáu là ba vì trên mặt có vết sẹo, không giống người ba trong hình của cô bé trong suốt 8 năm nay.

+ Đặc biệt, cách chối từ tình cảm của ông Sáu chính là cách bé Thu thể hiện tình cảm thắm thiết dành cho cha của mình.

b. Đoạn trích thứ hai — khi bé Thu biết ông Sáu chính là cha mình

- Sau khi nghe bà ngoại giải thích, bé Thu đã trở về nhà trong sáng ngày ông Sáu lên đường trở về đơn vị. Bé Thu đã thay đổi hoàn toàn thái độ trong sự ngỡ ngàng của ông Sáu và moi người.

+ Nó cau có, bướng bỉnh mà buồn rầu nghĩ ngợi sâu xa.

+ Khi bắt gặp cái nhìn trìu mến, buồn bã của ba đôi mắt nó bỗng xôn xao. Đó là cái xôn xao của sự đồng cảm. Bé Thu nhận ra những tiếc nuối, xót xa, yêu thương trong ánh mắt của ba mình.

+ Đến giây phút cuối cùng, khi ông Sáu cất lời từ biệt con bé mới cất lên tiếng gọi ba xé lòng.

+ Tiếng gọi bị kìm nén suốt 8 năm. Tiếng gọi chất chứa bao tình yêu thương thắm thiết. + Không chỉ vậy, nó xô đến ôm chặt ba nó, hôn má, hôn lên vết thẹo

-> Con bé muốn giữ chặt ba, không cho ba đi. Nó lo sợ ba sẽ đi mất. Nó muốn bày tỏ tất cả tình yêu của nó dành cho ba.

- Nhận xét:

+ Trong khoảnh khắc, mọi khoảng cách của ba bị xóa bỏ. Cô bé đã bộc lộ sự gắn bó và tình cảm của mình dành cho ba -> khiến mọi người xúc động.

+ Miêu tả sự biến đổi tình cảm của bé Thu, tác giả đã một lần nữa tô đậm tình yêu bat ha thiết của cô bé. Khi lạnh nhạt cũng như khi quấn quýt, bé Thu đều hướng đến ba mình.

+ Qua đó, ta thấy được một hình ảnh bé Thu gan góc, bướng bỉnh nhưng rất giàu tình cảm và dễ xúc động.

III. Kết bài

Khẳng định lại: Nhân vật Thu để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về tình người tình cha con trong những năm tháng chiến tranh xa cách, thương đau; để lại ấn tượng về một em Nam bộ thời chiến với tính cách đáng yêu, đáng mến.

 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo