MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Đề đáp án thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Bắc Giang năm 2018

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BẮC GIANG

KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
NĂM HỌC 2018-2019
MÔN THI: NGỮ VĂN

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

Ngày thi: 05/6/2018

Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)

 

 

Câu 1 (2,0 điểm).

Đọc bài thơ sau và trả lời những câu hỏi ở dưới:

Lặng rồi cả tiếng con ve

Con ve cũng mệt vì hè nắng oi.

Nhà em vẫn tiếng ạ ời

Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru.

Lời ru có gió mùa thu

Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về.

Những ngôi sao thức ngoài kia

Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.

Đêm nay con ngủ giấc tròn

Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.

(Mẹ, Trần Quốc Minh, Theo Thơ chọn với lời bình, NXB Giáo dục, 2002, tr. 28 - 29)

a. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

b. Trong bài thơ, những âm thanh nào được tác giả nhắc đến?

c. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau:

Đêm nay con ngủ giấc tròn

Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.

Đáp án Ngữ văn thi vào lớp 10 Bắc Giang
Đáp án môn Ngữ văn thi vào lớp 10 Bắc Giang năm 2018

Câu 2 (3,0 điểm).

Em hãy viết một bài văn (khoảng 300 chữ) bàn về lòng hiếu thảo.

Câu 3 (5,0 điểm).

Cảm nhận của em về nhân vật ông Hai trong đoạn trích sau:

Cổ ông lão nghẹn ắng hằn lại, da mặt tê rần rần. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở có, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi:

- Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại …

[...] Ông lão vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác, rồi đi thẳng [...]

Ông Hai củi gằm mặt xuống mà đi. Ông thoáng nghĩ đến vụ chủ nhà.

Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lét đưa nhau ra đầu nhà chơi sặm chơi sụi với nhau.

Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu... Ông lão năm chặt hai tay lại mà rít lên:

- Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.

Ông lão bỗng ngừng lại, ngơ ngơ như lời mình không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được. Ông kiểm điểm từng người trong óc. Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng, quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy!...

Nhưng sao lại nẩy ra cái tin như vậy được? Mà thằng chánh Bệu thì đích thị là người làng không sai rồi. Không có lửa thì sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước… Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa?…

(Trích Làng, Kim Lân, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo Dục, 2014, tr 165 - 166)

---------------- HẾT ----------------

 

ĐÁP ÁN THAM KHẢO

Câu 1 (2.0 điểm)

a) Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát

b) Trong bài thơ, những âm thanh được tác giả nhắc đến là: tiếng ve, tiếng võng kêu, tiếng mẹ hát ru.

c) Biện pháp tu từ: 

- Ẩn dụ: "giấc tròn" => Cách nói ẩn dụ "giấc tròn" không phải chỉ là giấc ngủ của con mà còn mang ý nghĩa cuộc đời con luôn có mẹ theo sát bên nâng bước con đi, che chở cho con, dành tất thảy yêu thương.

Câu 2 (3.0 điểm): Tham khảo dàn ý sau

I. Mở đoạn: Nêu vấn đề cần bàn luận

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

- Đây là những câu tục ngữ nói về lòng hiếu thảo của con người, không chỉ chúng ta có lòng biết ơn đối với cha mẹ mà lòng biết ơn còn được thể hiện với ông bà và đất nước.

- Hiếu thảo là là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ xưa đến nay, là một phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam ta.

II. Thân đoạn

1. Hiếu thảo là gì ?

- Hiếu thảo là hành động đối xử tốt với ông bà cha mẹ, luôn yêu thương họ

- Lòng hiếu thảo là phụng dưỡng ông bà cha mẹ khi ốm yếu và già cả

2. Biểu hiện của lòng hiếu thảo như thế nào?

- Những người có lòng hiếu thảo là người luôn biết cung kính và tôn trọng ông bà, cha mẹ

- Biết vâng lời và làm cho cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được yên tâm.

- Luôn biết sống đúng chuẩn mực với đạo đức xã hội, thực hiện lễ nghi hiếu nghĩa đối với các bậc sinh thành.

- Lòng hiếu thảo là hành vi vô cùng ý nghĩa mang lại danh tiếng tốt cho ông bà cha mẹ và tổ tiên.

3. Vì sao cần phải có long hiếu thảo với ông bà cha mẹ?

- Ông bà cha mẹ là người đã sinh ra ta, đã mang lại cuộc sống này cho chúng ta 

- Hiếu thảo là một chuẩn mực đạo đức của xã hội

- Sống hiếu thảo với ông bà cho mẹ là thể hiện sống có trách nhiệm của mỗi người

- Người có lòng hiếu thảo luôn được mọi người yêu mến và quý trọng

- Khi bạn hiếu thảo thì con cái của bạn sau này sẽ hiếu thảo với bạn

- Giá trị của bạn sẽ được nâng cao nếu sống có hiếu thảo

- Lòng hiếu thảo gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau, thể hiện tình yêu thương gia đình

4. Cần làm gi để có được lòng hiếu thảo?

- Phải biết kính trọng và yêu thương ông bà cha mẹ

- Chăm sóc, phụng cha mẹ ông bà khi về già

- Cư xử tốt với ông bà cha mẹ, không cãi lại

- Yêu thương anh em trong nhà

5. Liên hệ

- Em đã làm những gì để thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ

- Phê phán những người không hiếu thảo trong xã hội hiện nay: sống bất hiếu, vô lễ, thậm chí còn đánh đập đối xử tàn nhẫn, bỏ rơi cha mẹ già. Đó là một lối sống vô ơn, một nhân cách kém cỏi, đáng chê trách.

III. Kết đoạn

- Phải sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ

- Cần thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ ngay từ hôm nay.

Câu 3: 

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả

+ Kim Lân là gương mặt tiêu biểu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.

+ Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn với mảng đề tài về nông thôn. Kim Lân hầu như chỉ viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người nông dân.

- Giới thiệu tác phẩm Làng

+ Ra đời năm 1948, thời kì đầu của cược kháng chiến chống Pháp, “Làng” là một truyện ngắn tiêu biểu của Kim Lân.

+ Trong thiên truyện xuất sắc này, tác giả đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật ông Hai.

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Truyện để lại ấn tượng đậm nét cho người đọc về tinh thần yêu làng, yêu nước. Đặc biệt là khi ông nghe tin làng theo giăc.

II. Thân bài

1. Khái quát chung

- Ông Hai là nhân vật chính của tác phẩm, đó là một người nông dân có tình yêu làng quê sâu sắc, nhưng vì hoàn cảnh, ông buộc phải rời làng đi tản cư.

- Ở nơi tản cư, ông vẫn luôn nhớ về làng Chợ Dầu quê ông và tự hào khoe làng ông là làng kháng chiến. Tình yêu làng của ông Hai đã được nhà văn đặt vào một tình huống đầy thử thách. Đó là tin đồn làng chợ Dầu mà ông vẫn tự hào đã làm Việt gian theo Tây. Người nông dân ấy đã trải qua tâm trạng dằn vặt, đau đớn, phải tự đấu tranh với chính mình để lựa chọn con đường đúng đắn. Từ tình huống có ý nghĩa thử thách ở nội tâm nhân vật nhà văn đã mở ra biết bao cung bậc cảm xúc của một tấm lòng yêu làng, yêu nước và những chuyển biến mới trong tâm hồn, tình cảm của người nông dân này.

2. Phân tích đoạn trích

a. Lúc mới nghe tin làng theo giặc

- Khi nghe tin quá đột ngột, ông Hai sững sờ, xấu hổ uất ức: “Cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rần rần, ông lão lặng đi đến không thở được. Một lúc lâu, ông mới rặn è è như nuốt một cái gì vướng trong cô, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi”.

- Trạng thái bàng hoàng, hụt hẫng này là phản ác tâm lý hết sức tự nhiên của một người quá yêu làng. Nếu không yêu thì cái tin làng Chợ Dầu theo giặc không thể gây chấn động mạnh tựa như một cú sốc tinh thần như thế với ông Hai.

- Niềm tự hào về làng thế sụp đổ tan tành trước cái tin sét đánh ấy. Cái ông yêu quý nhất nay cũng đã lại quay lưng lại với ông. Không chỉ xấu hổ trước con ông cũng tự thấy ông mất đi hạnh phúc của riêng ông, cuộc đời ông cũng như chết mất một nửa.

- Song, ông Hai vẫn còn nghi ngờ chưa thể tin ngay lời đồn đại, ông lắp bắp hỏi lại: "Liệu có thật không hở bác, hay là chi lại ...". Ông hỏi lại để khẳng định cũng là để cố bấu víu vào một tia hi vọng rằng đó chỉ là sự nhầm lẫn là một lời đồn đại vô căn cứ.

- Nhưng khi cái tin được khẳng định từ những người tản cư thì ông Hai không thể không tin. Từ lúc ấy, tâm trạng ông bị ám ảnh, day dứt bởi mặc cảm là người làng Việt gian. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian bán nước "ông cúi gằm mặt xuống mà đi" ta nhận thấy trong cái cúi mặt này biết bao xấu hổ, nhục nhã, đau đớn. Nỗi nhục khiến ông không thể ngẩng đầu lên được.

- Từ lúc ấy trong tâm trí ông Hai chỉ còn cái tin dữ ấy xâm chiếm, thành một nỗi ám ảnh day dứt. Ông tìm cách lảng tránh những lời bàn tán cúi gằm mặt xuống ra về.

b. Về đến nhà

- Về đến nhà, ông Hai càng tủi thân, thương con thương mình và thương cả nhữn người nông dân làng chợ Dầu vì mang tiếng là làng Việt gian: "Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lại cứ giàn ra, chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư. Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?".

- Nghĩ đến sự khinh bỉ của mọi người, ông Hai càng căm giận những kẻ Việt gian bán nước. Ông nắm chặt hai tay lại mà rít lên: "Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này".

c. Nghệ thuật:

- Chỉ bằng một đoạn văn ngắn, người đọc có thể thấy được tâm trạng của nhân vật qua cách miêu tả nội tâm nhân vật thật tài tình.

- Nhà văn sử dụng hình thức độc thoại và độc thoại nội tâm để làm nổi bật nội tâm nhân vật.

III. Kết bài

- Khẳng định giá trị của đoạn trích, tác phẩm.

- Tình cảm của em dành cho nhân vật ông Hai, tác phẩm

THAM KHẢO Phân tích nhân vật ông Hai khi nghe tin làng theo giặc ở đây: https://www.nguvanthcs.com/2021/06/phan-tich-nhan-vat-ong-hai-khi-nghe-tin-lang-theo-giac.html

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo