Đề bài: 1. Đóng vai người cháu kể lại bài thơ Bếp lửa; 2. Đóng vai người cháu kể lại kỉ niệm bà cháu trong bài thơ Bếp lửa. 3. Chuyển nội dung bài thơ Bếp lửa thành văn xuôi.
“Tách, tách, tách…” - Tiếng
lửa cháy giữa cái thời tiết giá buốt giữa đất nước Liên Xô càng khiến những người
xa xứ như tôi thêm tha thiết. Nó dâng lên trong tôi nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ và đặc
biệt là người bà thân thương và bếp lửa mà bà nhóm lên.
Cứ mỗi sớm mai thức dậy,
bếp lửa quen thuộc của căn nhà tôi cũng như bao gia đình khác trên đất nước Việt
Nam lại được nhóm lên bằng đôi bàn tay khéo léo của bà tôi cho dù phải trải qua
bao nhiêu khó khăn vất vả. Bây giờ nhớ lại, hình ảnh ngọn lửa bập bùng, chờn vờn
trong sương sớm lại làm tôi nhớ đến bà, thương bà nhiều hơn.
Sau này, thực dân Pháp trở
lại xâm lược đất nước, kháng chiến bùng nổ, bố mẹ đi theo tiếng gọi của Tổ quốc
mà rời khỏi gia đình. Suốt tám năm trời
đó, tôi sống cùng bà, sống cùng sự đùm bọc và cả tiếng tu hú. Bên bếp lửa hồng,
mỗi khi tiếng tu hú kêu thì bà lại kể cho tôi nghe những ngày ở Huế. Tiếng tu
hú kêu làm cả tôi và bà dậy lên nỗi nhớ cha mẹ ở chiến khu. Được sống trong
tình yêu thương của bà càng khiến tôi thấy thương con tu hú cô độc ngoài đồng
xa. Bà phải trải qua những khó khăn vất vả nhưng vẫn giữ thói quen dậy sớm. Bếp lửa bà nhóm thiêng liêng, kì lạ.
Rồi cũng ở nơi bếp lửa ấy,
bà dạy tôi làm, bà chăm tôi học. Những bài học làm người cao đẹp ấy đã trở thành nguồn động lực
chắp cánh cho những giấc mơ cao đẹp trong cuộc đời tôi. Có bà, tôi như có điểm
tựa vững chắc cho cuộc đời trong những ngày tháng thiếu cha mẹ bên cạnh. Thế
nhưng, cuộc sống luôn thích thử thách con người, năm ấy, giặc đốt làng cháy rụi.
Nhà của bà cháu tôi cũng như nhiều gia đình biến thành những đống tro. Tôi thấy
và tôi biết được bà lặng lẽ lau giọt nước mắt, vuốt ngược nỗi đau vào trong. Và
đến mãi bây giờ, tôi mới hiểu được hành động của bà, bởi nơi dung thân của
chúng tôi không còn, nhưng ý chí và nghị lực của bà không cho phép bà gục ngã. Và
đó là lí do bà vực tôi dậy, dắt tôi qua những khó khăn gian khổ. Lúc ấy, tôi hiểu
rằng, ngần ấy những khó khăn tôi trải qua nào đong đếm được với những cùng cực
của bà. Vì thương tình, làng xóm dựng cho hai bà cháu túp lều tranh. Tôi tin rằng,
ngọn lửa ấy không thiêu cháy chúng tôi, mà đang hồi sinh niềm tin của chúng
tôi. Vẫn vững lòng bà dặn tôi rằng:
- Bố mày ở chiến khu còn nhiều việc phải lo, phải
nghĩ. Chớ có viết thư kể này, kể nọ. Cứ bảo nhà vẫn được bình yên.
Tôi đáp lại:
- Cháu biết rồi ạ!
Bà tôi là thế đấy. Bà dù nghèo khổ khó khăn nhưng
vẫn nghĩ cho con cháu, là hậu phương vững chắc cho con (Chắc hẳn, trên quê
hương này của tôi, đã rất nhiều hậu phương tinh thần như vậy).
Rồi sớm rồi chiều, bếp lửa từ đôi tay bà bừng cháy
lên. Một ngọn lửa từ trong lòng bà luôn ủ sẵn. Nó cháy lên mọi lúc. Nó dai
dẳng cháy mãi như niềm tin bất diệt của bà. Bà đã truyền ngọn lửa ấy cho tôi, đốt
lên trong tôi một ngọn lửa ấm áp. Đó là ngọn lửa yêu nước. Đó là ngọn lửa đấu
tranh, ngọn lửa của niềm tin và khát vọng đến tương lai. Và bà không chỉ là người
nhóm nó lên, mà còn là người truyền sức mạnh cho nó nữa.
Giờ đây, tôi đã lớn, được đến những nơi rộng lớn
và hiện đại nhưng trong tiềm thức không lúc nào không hỏi: “Sớm mai này bà nhóm
bếp lửa lên chưa?”
Bếp lửa ấy nồng ấm làm sao! Bếp lửa ấy chắc hẳn đã nâng đỡ để những người xa xưa như tôi vững tin nơi xứ người. Và cũng từ đó mà tôi luôn dặn mình rằng hãy kính yêu trân trọng và biết ơn gia đình, quê hương, đất nước – cái nôi của niềm tin, khát vọng và tương lai.
(Bài viết của học sinh Trường TH&THCS Lý Thường Kiệt, TP Sóc Trăng)