Ưu điểm của Rubric trong kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn - Kiểm tra đánh giá kết quả học tập là một mắt xích quan trọng
trong quá trình dạy học, đặc biệt đối với chương trình dạy học theo định hướng
phát triển năng lực. Bộ công cụ kiểm tra đánh giá chính xác, khoa học là thước
đo mức độ đạt được của mục tiêu dạy học, tính hiệu quả của phương pháp dạy học,
làm căn cứ điều chỉnh quá trình dạy học, làm đòn bẩy thúc đẩy sự tích cực của
người học từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, đổi mới phương
pháp dạy học phải gắn liền với đổi mới các hình thức kiểm tra đánh giá.
Những năm gần đây, Rubric được khuyến khích sử dụng trong
nhà trường như một bộ công cụ đánh giá công bằng, khoa học và đáng tin cậy. Đặc
biệt, công cụ kiểm tra này phát huy được thế mạnh ở môn Ngữ văn và đã được
nghiên cứu trong rất nhiều tài liệu. Song, việc vận dụng Rubric để xây dựng bộ
công cụ đánh giá môn Ngữ văn nhằm phát huy năng lực người học trong nhà trường
phổ thông hiện nay diễn ra chưa thật đồng bộ và hiệu quả.
Theo định hướng phát triển năng lực, mục tiêu của việc kiểm
tra đánh giá là giúp giáo viên và nhà trường nắm được năng lực của học sinh,
biết được học sinh đang ở đâu và tiến bộ như thế nào qua từng giai đoạn, sau đó
mới nhằm đến việc cho điểm để xếp loại, khích lệ, khen thưởng. Khi đánh giá,
cần xác định các năng lực cốt lõi và năng lực bộ phận mà môn học hướng đến, từ
đó xây dựng chuẩn đánh giá, coi trọng đánh giá quá trình, chú ý đến các tình
huống phức hợp và thực tiễn, các phương pháp và kĩ thuật đánh giá đa dạng.
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo
dục và Đào tạo đã khẳng định: bên cạnh những năng lực bộ phận, môn Ngữ văn góp
phần hình thành ở người học hai năng lực cốt lõi đó là năng lực ngôn ngữ và
năng lực thẩm mỹ. Hai năng lực cốt lõi này sẽ được hình thành chủ yếu qua hai
hoạt động đặc trưng của môn học: đọc hiểu văn bản (cảm thụ cái đẹp trong văn
chương và ngôn ngữ) và tạo lập văn bản (nói và viết).
Đánh giá dựa theo năng lực lấy sản phẩm đầu ra và các phương
diện biểu hiện năng lực của người học làm căn cứ. Việc tiến hành đánh giá không
chỉ căn cứ vào kết quả mà cần chú ý đến quá trình đi đến kết quả, coi trọng các
nội dung đánh giá mang tính tích hợp, gắn với việc giải quyết các tình huống
thực tiễn. Điều đó đòi hỏi phương pháp đánh giá phải đa dạng: thông qua phỏng
vấn, quan sát, tiểu luận, bài tập tình huống, bài kiểm tra, dự án, hồ sơ, cách
viết nhật ký, sổ tay văn học, facebook của học sinh ... Đặc biệt cần phối hợp
giữa đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh, tạo nhiều cơ hội để
học sinh đánh giá chính mình và phản hồi kết quả của mình để đạt tới các giá trị
như tự tin, độc lập, có khả năng phê phán và thái độ tiếp nhận phê phán, ...
Quan trọng là dù đánh giá theo phương pháp nào vẫn phải bảo đảm nguyên tắc học
sinh được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ và
những suy nghĩ của chính mình, không vay mượn, sao chép; khuyến khích các bài
viết có cá tính và sáng tạo.
Như vậy, về cơ bản, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát
triển năng lực không mâu thuẫn với kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức kĩ
năng, mà đó là sự hoàn thiện và phát triển cao hơn. Dựa vào những vấn đề vừa
phân tích, chúng tôi khái quát những điểm khác nhau cơ bản giữa kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức kĩ năng và kiểm
tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực trong bảng sau.
Bảng 2.1. Bảng so sánh sự khác nhau cơ bản giữa kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức kĩ năng và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực
Tiêu chí so
sánh |
Kiểm tra đánh
giá theo chuẩn kiến thức, kĩ năng |
Kiểm tra đánh
giá theo định hướng phát triển năng lực |
Tiêu chí đánh
giá |
Được xây dựng chủ yếu dựa trên cơ
sở ghi nhớ và tái hiện kiến thức theo chương trình giáo dục Chú ý đến việc đánh giá, xếp hạng
giữa người học với nhau |
Được xây dựng chủ yếu dựa vào sản
phẩm đầu ra, chú trọng khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng vào các tình huống
thực tiễn Chú ý đến sự tiến bộ của người học
trong quá trình dạy học |
Phương pháp đánh
giá |
Tự luận hoặc trắc nghiệm. Đánh giá dựa vào bài kiểm tra thường
xuyên và kiểm tra định kì. |
Đa dạng hóa các phương pháp: tự
luận, trắc nghiệm, tranh ảnh, nhật kí… Đánh giá quá trình học tập trên lớp,
đánh giá năng lực tự học, đánh giá dựa vào bài kiểm tra… |
Hình thức đánh
giá |
Giáo viên đánh giá học sinh |
Giáo viên đánh giá học sinh; Học
sinh tự đánh giá; Học sinh đánh giá lẫn nhau. |
Qui trình |
Nội dung giảng dạy -> Kế hoạch
kiểm tra đánh giá |
Xây dựng các tiêu chí kiểm tra
đánh giá -> lập ra kế hoạch bài học |
Khi đánh giá năng lực, vấn đề quan trọng là xác định được thang đánh giá có khả năng mô tả sự phát triển năng lực của học sinh theo các mức độ từ thấp đến cao, tương ứng với từng lĩnh vực và từng giai đoạn học tập. Bộ công cụ cần đảm bảo tính khoa học và chính xác, có thể chấm theo điểm số hoặc theo mã hóa câu trả lời. Bộ công cụ cần khắc phục được những hạn chế của việc đánh giá khả năng tạo lập văn bản chưa phát huy được năng lực của học sinh ở nhà trường trong thời gian qua như: tìm ý theo đáp án để cho điểm, chưa chú ý về logic, mạch kiến thức trong quá trình lập luận của học sinh; đáp án gò bó theo một định hướng, chủ đề do giáo viên qui định; giáo viên chấm theo cảm tính, thiếu tôn trọng hoặc đánh giá chưa đúng mức những sáng tạo riêng, thiên hướng và năng khiếu ngữ văn của học sinh; lúng túng khi xử lý những tình huống đáp án quá “mở” làm cho sự thể hiện quan điểm của học sinh không có điểm dừng;.
2. Rubric và ưu điểm của Rubric trong đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực
2.1. Rubric là gì?
Rubric
hay bảng tiêu chí đánh giá, bảng hướng dẫn chấm điểm, phiếu đánh giá, phiếu
chấm điểm, là công cụ đánh giá được sử dụng rộng rãi trong chương trình giáo
dục theo định hướng phát triển năng lực của các nước tiên tiến trên thế giới.
Có nhiều nhà nghiên cứu đưa ra những định nghĩa khác nhau về Rubric như
Dannelle D. Stevens [4], Heidi Goodrich [4], Jennifer Docktor...
Song, nhìn một cách tổng quát, Rubrics là một công cụ dùng để đánh giá kết quả
học tập của người học, được thể hiện bằng bảng mô tả các tiêu chí đánh giá theo
các cấp độ khác nhau trên cơ sở các yêu cầu, mục tiêu cần đạt của môn học, nhằm
đo độ thành công của sản phẩm, hoạt động, dự án, quá trình…
Khác với đáp án, Rubric không có tính chất bí mật, không
mang tính áp đặt, chủ quan. Trong Rubric các tiêu chí, mức độ đánh giá được
công khai, minh bạch trên cơ sở đối chiếu so sánh, thảo luận trước với nhóm/tổ
chuyên môn, nhà quản lí, với cả học sinh tùy theo phạm vi dự án, bài kiểm tra,
bài thực hành,. Rubric được trình bày dưới dạng bảng, gồm nhiều cột, nhiều dòng
tùy vào mục đích kiểm tra đánh giá và nội dung kiểm tra đánh giá: tiêu chí đánh
giá, mức độ đạt được, điểm, nhận xét, phản hồi,... Có hai loại Rubric là Rubric
tổng hợp (Rubric định tính) và Rubric phân tích (Rubric định lượng).
2.2. Những ưu điểm của Rubric trong đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn
Rubric có thể sử dụng như một bảng hướng dẫn, mô tả chi
tiết, cụ thể các mục tiêu cần đạt. Dựa vào bảng Rubric, học sinh dễ dàng định
hướng được nội dung bài học, các kĩ năng, kiến thức cần hình thành. Từ đó học
sinh chủ động trong việc lập kế hoạch học tập trên lớp và cả tự học ở nhà; đặt
ra mục tiêu phấn đấu của cá nhân; lựa chọn phương pháp học tập phù hợp; tự đánh
giá mức độ đạt được của bản thân so với yêu cầu của các tiêu chí đánh giá trong
suốt quá trình học tập, để từ đó có kế hoạch tự cải tiến chất lượng học tập kịp
thời và hiệu quả.
Rubric là bảng hướng dẫn động, trong quá trình dạy học, tùy
vào đối tượng học sinh, giáo viên hoàn toàn có thể điều chỉnh các mô tả trong
Rubric cho thật phù hợp. Từ các chuẩn cần đạt, mục tiêu, nhiệm vụ cần triển
khai, giáo viên và học sinh có thể thiết kế Rubric để sử dụng nhiều lần trong
suốt quá trình dạy học: trước, trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ học tập. Hơn
thế nữa, rubric có thể được sử dụng linh hoạt trong các hình thức tổ chức dạy
học đa dạng như bài viết, làm việc nhóm, giờ thực hành, giờ seminar, nhật kí
đọc sách,.
Rubric được sử dụng như một công cụ đánh giá, tự đánh giá và
cùng đánh giá tương đối hiệu quả đối với cả học sinh và giáo viên. Rubric giúp
giáo viên định hướng được lượng kiến thức, kĩ năng, năng lực cần hình thành và
phát triển cho học sinh để xây dựng kế hoạch bài học và tổ chức cho học sinh
học tập hiệu quả. Nhờ mô tả chi tiết theo các mức độ cần đạt, học sinh theo dõi
được sự tiến bộ của bản thân cũng như của các bạn học khác. Do vậy, Rubrics còn
làm cho việc đánh giá trở nên khoa học, minh bạch và thuyết phục hơn, việc chấm
bài trở nên nhất quán hơn, tạo sự công bằng cho học sinh Ngoài ra, căn cứ vào
các tiêu chí được mô tả, học sinh có thể cung cấp cho giáo viên những phản hồi
kịp thời, chính xác về mức độ lĩnh hội kiến thức, kỹ năng. Ngược lại, Rubric
cũng là nguồn thông tin để giáo viên đánh giá học sinh một cách khách quan,
kiểm soát chặt chẽ tiến bộ của học sinh để có biện pháp xử lý sát hợp.
Để xây dựng Rubric đánh giá có hiệu quả, giáo viên cần thực
hiện theo các bước sau:
- Bước 1. Căn cứ vào chuẩn kiến thức, kĩ năng cần
đạt để hình dung các thuộc tính, chỉ số của sản phẩm cần kiểm tra đánh giá.
- Bước 2. Căn cứ vào thang đo của Bloom để viết các
tiêu chí và quyết định số lượng, mức độ chấm cho từng tiêu chí.
- Bước 3. Thảo luận, thống nhất các tiêu chí đánh
giá với học sinh, với đồng nghiệp và phê duyệt ở tổ.