I. Mở bài
- Hữu Thỉnh là nhà thơ trưởng thành
trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Ông viết nhiều và viết hay về con người,
cuộc sống ở làng quê; về mùa thu.
- “Sang thu” là một thi phẩm đặc sắc của ông. Bài thơ là những cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh trước sự biến chuyển của thiên nhiên đất trời lúc cuối hạ sang đầu thu.
II. Thân bài
1. Những tín hiệu
giao mùa
- Mờ đầu bài thơ, người đọc có thể
nhận ra ngay cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh khi tiết thời sang thu:
“Bỗng
nhận ra hương ổi
Phả
vào trong gió se”
+ Từ “bỗng” được đặt lên đầu câu thơ
nhằm nhấn mạnh trạng thái chưa hề chuẩn bị, như là vô tình, như là sửng sốt.
+ Tín hiệu đầu tiên ông cảm nhận
được là một mùi hương quen thuộc phảng phất trong “gió se” – thứ gió khô và se
se lạnh, đặc trưng của mùa thu về ở miền Bắc, đó là “hương ổi” – mùi hương đặc
trưng của mùa thu làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam.
+ Mùi hương ấy không hòa quyện vào
mà tỏa ra từng luồng trong gió. Chỉ một chữ “phả” thôi cũng đủ gợi hương thơm
như sánh lại. Sánh lại bởi hương đậm một phần, sánh bởi tại gió se.
- Không chỉ có “hương ổi’ trong “gió se” mà tiết trời sang thu còn có hình ảnh:
“Sương
chùng chình qua ngõ
Hình
như thu đã về”
+ Nếu hai câu đầu diễn tả cái cảm
giác chưa hẳn đủ tin thì đến hình ảnh “Sương
chùng chình qua ngõ” lại càng lung linh huyền ảo. Câu thơ gợi ra những làn
sương mỏng, mềm mại, giăng màn khắp đường thôn ngõ xóm làng quê. Nó làm cho khí
thu mát mẻ và cảnh thu thơ mộng, huyền ảo, thong thả, bình yên.
+ Nhà thơ đã nhân hóa màn sương qua
từ “chùng chình” khiến cho sương thu
chứa đầy tâm trạng. Nó như đang chờ đợi ai hay lưu luyến điều gì. Câu thơ lắng
đọng tạo cảm giác mơ hồ đan xen nhiều cảm xúc.
+ Bằng tất cả các giác quan: khứu giác, xúc giác và thị giác, nhà thơ cảm nhận những nét đặc trưng của mùa thu đều hiện diện: hương ổi, gió se, sương chùng chình. Thế nhưng nhà thơ vẫn còn dè dặt: “Hình như thu đã về”. Một chút nghi hoặc, một chút bâng khuâng không thật rõ ràng. Đúng là một trạng thái cảm xúc của thời điểm chuyển giao. Thu đến nhẹ nhàng quá, mơ hồ quá.
2. Bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa
- Nếu ở khổ thơ
đầu trạng thái của tác giả mới chỉ là “bỗng”, “hình như” thì ở khổ thứ hai, sự
vận động của mùa thu đã trở nên rõ rang hơn:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim
bắt đầu vội vã
Có
đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
+ Thu đã về,
nước sông vẫn đầy chứ không cạn như mùa đông, mùa xuân. Dòng sông trôi lững lờ,
khoan thai chứ không cuồn cuộn cuốn đi như cơn lũ mùa hạ.
+ Thu sang, khí trời se se lạnh,
trên bầu trời trong xanh, cao rộng, những cánh chim vội vã bay đi tìm nơi trú
ngụ nhưng mới chỉ là “bắt đầu” mà thôi. Điều này càng cho thấy thời gian thu
mới chớm, mới sang.
=>
Hai câu thơ đối nhau rất nhịp nhàng, dựng lên hai hình ảnh đối lập, ngược chiều
nhau: sông dưới mặt đất, chim trên bầu trời, sông “dềnh dàng” chậm rãi, chim
“vội vã” lo lắng. Đó là sự khác biệt của vạn vật trên cao và dưới thấp trong
khoảnh khắc giao mùa.
+ Và thật đặc biệt, đám mây mang
trên mình cả hai mùa. Hữu Thỉnh dùng động từ “vắt” để gợi ra trong thời điểm
giao mùa, đám mây như kéo dài ra, nhẹ trôi như tấm lụa mềm treo lơ lửng giữa
bầu trời trong xanh, cao rộng.
+ Hình như đám mây đó vẫn còn lại
một vài tia nắng ấm của mùa hạ nên mới “Vắt nửa mình sang thu”. Đám mây vắt lên
cái ranh giới mỏng manh và ngày càng bé dần, bé dần đi rồi đến một lúc nào đó
không còn nữa để toàn bộ sự sống, để cả đám mây mùa hạ hoàn toàn nhuốm màu sắc
thu.
-> Có lẽ đây là hai câu thơ hay
nhất trong sự tìm tòi khám phá của Hữu Thỉnh trong khoảnh khắc giao mùa. Nó
giống như một bức tranh thu vĩnh hằng tạc bằng ngôn ngữ.
=>Dòng sông, cánh chim, đám mây đều được nhân hóa khiến cho bức tranh thu trở nên hữu tình, chứa chan thi vị. Cả ba hình ảnh trên là tín hiệu của mùa thu sang còn vương lại một chút gì của cuối hạ.
3. Những chuyển biến của thiên nhiên và suy tư, chiêm nghiệm của nhà thơ.
- Sau những sự vật hiện tượng khi
chớm thu, nhà thơ chú ý đến những yếu tố thời tiết:
“Vẫn
còn bao nhiêu nắng
Đã
vơi dần cơn mưa
Sấm
cũng bớt bất ngờ
Trên
hàng cây đứng tuổi”.
+ Nắng, mưa vốn là hiện tượng của
thiên nhiên vận hành theo quy luật riêng của nó. Hữu Thỉnh đã nhìn ra từ cái
mưa nắng hàng ngày một sự hụt vơi – dấu hiệu của sự chuyển mùa từ hạ sang thu.
+ Nắng vẫn còn vàng tươi nhưng nắng
thu trong và dịu hơn cái nắng chói chang, gay gắt của mùa hạ.
+ Mưa cũng vẫn còn nhưng đã vơi
nhiều so với những cơn mưa bong bóng kéo dài của mùa hạ. “Vơi dần” không chỉ là
ít mưa đi mà còn là mưa ít nước đi. Đây cũng là dấu hiệu của sự chuyển mùa.
+ Cuối hạ - đầu thu, khi đã vơi đi
những cơn mưa xối xả thì sấm cũng bớt bất ngờ và dữ dội. Những hàng cây đã đi
qua bao cuộc chuyển mùa nên cũng không còn bất ngờ trước những biến động của
thiên nhiên.
=>
Cảnh vật, thời tiết thay đổi. Tất cả vẫn còn nhiều dấu hiệu của mùa hè nhưng
giảm dần mức độ, cường độ, để rồi lặng lẽ vào thu qua con mắt quan sát và cảm
nhận tinh tế của tác giả.
- Hai câu kết
của bài thơ không chỉ mang nghĩa tả thực, mà còn mang ý nghĩa ẩn dụ, gợi những
suy nghĩ cho người đọc (người nghe).
+ “Sấm” là những vang động bất
thường của ngoại cảnh, cuộc đời.
+ “Hàng cây đứng tuổi” chỉ những con
người đứng tuổi đã từng trải.
=> Khi con người từng trải thì
cũng vững vàng hơn trước tác động, những khó khăn gặp phải trong cuộc đời.
=> “Sang thu” đâu chỉ là sự chuyển giao của đất trời mà còn là sự chuyển giao cuộc đời mỗi con người. Hữu Thỉnh rất đỗi tinh tế, nhạy bén trong cảm nhận và liên tưởng. Chính vì vậy những vần thơ của ông có sức lay động lòng người mãnh liệt hơn.
III. Kết bài
Bằng hình ảnh thơ tự nhiên, không
trau chuốt mà giàu sức gợi cảm, kết hợp với thể thơ năm chữ, Hữu Thỉnh đã thể
hiện một cách đặc sắc những cảm nhận tinh tế để tạo ra một bức tranh chuyển
giao từ cuối hạ sang thu nhẹ nhàng, êm dịu, trong sáng nên thơ…ở vùng đông bằng
Bắc Bộ của đất nước. Bài thơ của Hữu Thỉnh đánh thức tình cảm của mỗi người về
tình yêu quê hương đất nước và suy ngẫm về cuộc đời.