Đánh giá năng lực đọc hiểu
theo chuẩn Pisa đang dần trở nên phổ biến
ở Việt Nam. Pisa không chỉ được sử dụng để đánh giá HS ở tuổi 15 mà đang được vận
dụng vào đánh giá năng lực trong học tập. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ
chức tập huấn đánh giá năng lực Pisa đối với Toán, khoa học tự nhiên và đọc hiểu
ở các tỉnh thành. Blog Ngữ văn xin gửi đến thầy cô một số đề đọc hiểu Pisa môn Ngữ văn trong
đợt tập huấn vừa qua. Đây là đề do học viên soạn và chưa qua góp ý của học viên
khác và giảng viên nhưng hi vọng vẫn là nguồn tham khảo hữu ích cho thầy cô.
TÌNH HUỐNG GIÁO DỤC
Con mèo ấp trứng
Con mèo mun to đùng, mập ú dành nhiều ngày để nằm cạnh quả trứng, trông
chừng nó, nhẹ nhàng khều quả trứng trở lại bằng bàn chân mềm bông không lộ vuốt
mỗi khi những cử động vô tình của cơ thể đẩy nó ra xa độ một hoặc hai phân.
Trong những ngày khó chịu dài lê thê đó, thỉnh thoảng Zorba thấy thật uổng phí
thì giờ, bởi có vẻ như nó đang phải chăm lo cho một vật thể không sức sống, một
hòn đá dễ nứt vỡ, cho dù có màu trắng lốm đốm xanh.
Có một lần, cơ thể nó bị chuột rút
do không được vận động - bởi vì, theo như mệnh lệnh của Đại Tá, nó chỉ dám rời
quả trứng để đi ăn và đi vệ sinh chỗ cái thùng - nó thấy thèm được biết liệu
con chim con có lớn lên chút nào bên trong lớp vỏ can-xi cứng hay không. Nó ghé
sát một tai vào quả trứng, rồi tới tai kia, nhưng nó không nghe thấy bất cứ âm
thanh nào. Nó cũng chẳng may mắn hơn khi cố gắng nhìn xuyên vào bên trong quả
trứng bằng cách đặt nó ra trước ánh sáng. Lớp vỏ trắng đốm xanh thật là dày và
hoàn toàn không để ánh sáng chiếu qua.
Đại Tá, Secretario và Einstein tới
thăm Zorba hàng đêm, chúng thường xuyên kiểm tra quả trứng xem liệu cái Đại Tá
gọi là “chu trình mong muốn” có diễn ra hay không, nhưng ngay khi chúng nhận ra
quả trứng trông y nguyên như hôm đầu tiên thì chủ đề trò chuyện của cả bọn thay
đổi.
Einstein không ngừng lải nhải than
phiền về chuyện bộ tự điển bách khoa của nó không cho biết chính xác về thời
gian ấp trứng; chi tiết tạm chấp nhận được nhất có thể lấy ra từ những cuốn
sách dày cộp nói rằng giai đoạn đó có thể kéo dài từ mười bảy tới ba mươi ngày,
tùy theo đặc tính loài của chim mẹ.
Ngồi ấp trứng thực không dễ dàng chút
nào với con mèo mun to đùng mập ú. Nó không thể nào quên được cái bữa người bạn
của gia đình chủ vốn nhận trách nhiệm trông nom nó chợt nghĩ rằng sàn nhà cần
được lau dọn và quyết định bật máy hút bụi lên.
Mọi buổi sáng, suốt
thời gian người bạn ở đó, Zorba phải giấu quả trứng sau mấy chậu hoa cảnh trên
ban công để ra quấn quít với con người tốt bụng đã dọn rửa cái thùng vệ sinh của
nó và cho nó thức ăn. Nó meo meo đầy biết ơn, cọ cọ mình quanh chân người ấy để
rồi ông ta đi về không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng Zorba mới ngoan thật là
ngoan. Nhưng sáng hôm đó, sau khi quan sát cái máy hút bụi rè rè chạy quanh
phòng khách và phòng ngủ, nó nghe người đó nói: “Và giờ tới lượt ban công. Bụi
chắc đóng tảng quanh mấy chậu hoa đó mất rồi!”
Khi người bạn nghe thấy tiếng xoảng của
cái bát đựng hoa quả vỡ tan tành, ông ta chạy về phía bếp và hét tướng lên ngay
ở cửa: “Mày mắc chứng gì thế, Zorba? Nhìn xem mày vừa làm gì này! Biến ra khỏi
đây ngay, con mèo điên này! Mày mà bị mảnh thủy tinh đâm vào chân nữa là xong!”
Thật đúng là một sự sỉ nhục quá đáng!
Zorba rón rén bò khỏi bếp, đuôi cụp giữa hai chân, giả vờ như đang xấu hổ chết
đi được, rồi phi thẳng với tốc độ tối đa ra ban công. Thật không dễ gì mà lăn
được quả trứng từ mấy chậu hoa vào một trong các phòng ngủ nhưng đã thành công,
rồi nó đợi ở đó cho tới khi người bạn dọn dẹp xong mọi thứ và ra về.
Zorba đang gà gật khi màn đêm buông
xuống và ngày thứ hai mươi, vì thế nó không nhận ra rằngquả trứng nhúc nhích,
thật chậm, nhưng đang nhúc nhích, như thể đang cố lăn trên mặt sàn.
Một cú nhói ở bụng khiến Zorba tỉnh giấc.
Nó mở mắt và hết sức lo ngại khi nhìn thấy một chóp nhỏ màu vàng cứ xuất hiện rồi
biến mất qua vết nứt của quả trứng.
Nó kẹp vững quả trứng
bằng hai chân sau, và nhờ thế có thể nhìn thấy con chim non mổ lấy mổ để tới
khi cái lỗ đủ rộng cho một cái đầu trắng, bé xíu ướt nhẹp ra khỏi vỏ trứng.
“Má!” con chim non chiếp chiếp gọi.
Zorba không biết phải phản ứng ra sao.
Nó biết là lông của mình đen óng như than, nhưng dường như nỗi xúc động và xấu
hổ đã khiến nó ngượng hồng lựng cả người.
(Trích Chuyện
con mèo dạy con hải âu bay - Luis Sepulveda,
NXB Nhã Nam và Hội Nhà văn, 2015, tr.67-71)
CÂU HỎI
CÂU 1. “Con mèo ấp
trứng”
Câu chuyện trong
văn bản được kể bằng lời của ai?
A. Lời của con mèo
Zorba. B. Lời của người kể
chuyện.
C. Lời của Đại Tá. D. Lời của Secretario và Einstein.
CÂU 2. “Con mèo ấp trứng”
R01Q02 – 0 1 9
Chỉ ra một chi tiết
trong văn bản cho thấy sự xúc động và xấu hổ của Zorba khi trứng nở và chú chim con gọi nó
là “Má”.
…………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………
CÂU 3. “Con mèo ấp
trứng”
R01Q03 – 0 1 9
Trong câu chuyện,
Zorba thấy xúc động và xấu hổ khi con chim non nở ra và gọi nó là “Má”. Cảm xúc
ấy cho thấy Zorba là con mèo như thế nào?
…………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………
CÂU 4. “Con mèo ấp trứng”
R01Q04 – 0 1 9
Em sẽ làm gì trong tình huống khi gặp
người có sự khác biệt hoàn toàn với mình mà cần giúp đỡ?
…………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………
HƯỚNG DẪN MÃ HÓA
1. “Con mèo ấp trứng” - Hướng dẫn
mã hóa câu 1:
- Mức đầy đủ: Khoanh tròn B.
- Không đạt: Câu trả lời khác hoặc không trả lời.
2. “Con mèo ấp trứng” - Hướng dẫn
mã hóa câu 2:
- Mức đầy đủ: ngượng hồng lựng cả
người.
- Không đạt: Không trả lời hoặc trả lời thiếu.
3. “Con mèo ấp trứng” - Hướng dẫn
mã hóa câu 3:
- Mức đầy đủ:
· Trong sáng
· Giàu tình cảm
- Không đạt:
+ Câu trả lời:
·
Biết xấu hổ
·
Tự trọng
·
Tốt bụng
+ Không trả lời hoặc trả lời thiếu
4. “Con mèo ấp trứng” - Hướng dẫn
mã hóa câu 4:
- Mức đầy đủ:
·
Hỏi han việc cần giúp đỡ
·
Sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng của mình.
- Không đạt:
+ Câu trả lời:
·
Không giúp đỡ
·
Hành động không thiết thực hoặc sai trái với đạo đức,
pháp luật.
+ Không trả lời hoặc trả lời thiếu.