Người xưa có câu: “Hữu xạ
tự nhiên hương”. Quan điểm trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về việc xây dựng
hình ảnh bản thân trong cuộc sống hiện nay.
BÀI
LÀM THAM KHẢO
Picasso từng là một họa
sĩ vô danh. Ông đã dùng mười lăm đồng bạc cuối cùng trong túi để thuê sinh viên
dạo quanh hàng tranh và hỏi: “Ở đây có bán tranh của Picasso không?”.
Sau đó chưa đầy một tháng, tên tuổi ông lan khắp Paris và ông trở nên nổi tiếng.
Câu chuyện này của Picasso ngày nay được người ta lan truyền như một bài học điển
hình của việc quảng bá và truyền thông thương hiệu cá nhân, nhưng liệu có mâu
thuẫn với quan điểm “Hữu xạ tự nhiên hương” của người xưa hay chăng?
Như chất xạ mang trong
mình hương thơm đặc biệt thì ắt sẽ tự lan tỏa và thu hút xung quanh; mỗi người
nếu mang trong mình giá trị riêng, tư chất riêng thì ắt sẽ được công nhận, một
cách tự nhiên không gượng ép.
Nikola Tesla chưa từng phải
tự nhận mình là “cha đẻ của công nghệ thời hiện đại”, nhưng cả thế giới
đều mệnh danh nhà bác học này như thế vì những phát minh đi trước thời đại của
ông. William Shakespeare có thể sẽ chỉ mãi là một chân nhắc tuồng hoặc một diễn
viên vô danh trong nhà hát, nếu không tài tình sáng tác nên những tác phẩm vừa
kịch tính, vừa sâu sắc phản ánh được khủng hoảng của thời đại, để trở thành một
nhà soạn kịch danh tiếng. Dù trong bất kì lĩnh vực nào, khi mỗi chúng ta hoàn
thành được trách nhiệm và bổn phận của bản thân, đó đã là điều quý giá vô cùng.
Khi ấy, ta đã vô hình trung kiến tạo nên một giá trị nhất định. Mà đã là giá trị,
tự nhiên sẽ tỏa sáng mà chẳng cần bất kì ánh đèn sân khấu nào.
Tập trung vào việc phát
triển bản thân, tự khắc cái “tôi” của ngày hôm nay sẽ khác với cái “tôi” của
ngày hôm qua, có thể trưởng thành hơn, nhiều trải nghiệm hơn. Cũng giống như mỗi
ngày bước lên một nấc thang mới, bạn sẽ bước đến một đỉnh cao mà không cần phải
giới thiệu, người ta cũng biết bạn là ai. Còn khi sự tập trung của chúng ta bị
phân tán vào việc “làm sao để được nhiều người biết đến hơn?”, “làm sao để trở
nên nổi tiếng?”, để rồi bất chấp tất cả mà đánh đổi sự nổi lên nhất thời của
mình bằng những tai tiếng còn lại mãi về sau. Thì khi ấy, giá trị ở đâu ta đã
kiến tạo? Trước khi đặt ra câu hỏi trách móc rằng sao cuộc đời bạc bẽo quá,
không cho mình nổi một sự công nhận, thì hãy tự hỏi lại chính mình đã làm được
những gì để đòi hỏi một sự ghi công?
Song, trong một thời đại
bùng nổ và cạnh tranh thông tin, thời đại mà bất kì cái gì cũng cần được quảng
cáo rầm rộ và nhờ truyền thông để nâng tầm giá trị, thì liệu “hữu xạ” có còn “tự
nhiên hương”, liệu cứ hoàn thiện bản thân là sẽ tự thu hút những cơ hội? Nhiều
người chắc hẳn sẽ trả lời rằng: Không! Đã qua rồi cái thời mà “tiếng lành đồn
xa”, tỏa hương ngồi chờ ong bướm đến. Thời đại hiện nay với những sự thay đổi
chóng mặt đòi hỏi chúng ta phải chủ động và hành động quyết liệt chứ chẳng thể
“há miệng chờ sung”. Người ta chẳng còn ngạc nhiên với những thương hiệu toàn cầu
vẫn ngày ngày quảng cáo và phủ sóng trên khắp các kênh truyền thông, từ truyền
hình đến mạng xã hội...
Quả thực, vật đổi sao dời,
thời thế thay đổi đã là quy luật tất yếu. Nhưng thời thế không phải là cái cớ
cho việc gồng mình xây dựng hình ảnh cá nhân một cách giả tạo, rồi tự an ủi rằng
ngày nay phải làm thế cho hợp thời.
Quả thực, sống là không
chờ đợi, là chủ động nắm bắt cơ hội cho chính mình. Nhưng sống chủ động cũng chẳng
phải cái cớ cho sự vội vã và nóng lòng muốn thành công sớm, để rồi bất chấp đốt
cháy giai đoạn, ngụy tạo và giả dối.
Đừng vội vin vào câu chuyện
của Picasso để ngụy biện rằng, không tự quảng bá mình thì sẽ chẳng ai biết đến.
Vì trước khi nghĩ đến chuyện tự truyền thông, Picasso cũng phải vẽ những bức họa,
dấn thân vào nghệ thuật sáng tạo, cũng phải có một giá trị nào đó để đem đến
cho người. Và mọi sự ghi nhận, nể phục đều trên nền tảng của cái chất rất riêng
mà chúng ta có, chứ không phải qua việc “gióng trống khua chiêng” cho một bản
sao nhạt nhòa hoặc phô trương cho sự dị biệt lỗ lăng.
Xây dựng hình ảnh bản
thân trong cuộc sống hôm nay là cần thiết. Nhưng linh hồn của việc tạo dựng
hình ảnh ấy là cái chất bên trong, cái giá trị mà chúng ta có, chứ chẳng phải một
cái vỏ rỗng tuếch. “Hữu xạ tự nhiên hương” vẫn đúng, vì bức thông điệp quan trọng
nhất trong quan niệm này của người xưa là hướng mỗi con người đến sự phát triển
và hoàn thiện bản thân mình, tập trung nâng tầm giá trị mình bằng chính cách
mình sống và cách mình ứng xử. Và “tự nhiên hương” giống như quả ngọt cho quá
trình đi tìm phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình, cũng là một sự lựa chọn.
Chúng ta có thể chọn “tự nhiên hương”, cũng có thể chọn chủ động truyền thông
thương hiệu cá nhân, chỉ cần có điều cốt lõi là “hữu xạ” thì mọi con đường đều
là đáng quý.
Nhìn lại lời nhận xét của
Einstein dành cho vua hề Charlot: “Ngài chỉ diễn câm thế mà mọi người trên thế
giới đều hiểu. Ngài chắc chắn sẽ trở thành một nhân vật vĩ đại”. Phải chăng,
cũng vì thế chúng ta càng có thể có niềm tin rằng: Chi cần mình thực sự là ánh
sáng, thì mình ắt sẽ tỏa sáng.
(Nguyễn Thị Huyền
Trang, giải Ba Quốc gia môn Ngữ văn, năm 2020)