ĐỀ BÀI: Người xưa có câu "Hữu
xạ tự nhiên hương". Quan điểm trên gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về việc
xây dựng hình ảnh bản thân trong cuộc sống hiện nay?
BÀI LÀM
“Này bông
hoa hồng
Giá trị của
mày chỉ là khoảnh khắc
Ai biết
mày khi đang kết nụ
Ai biết mày
khi mày úa tàn
Ôi hoa hồng,
hoa hồng
Phút giây
này thật tuyệt vời”
(“Mưa Nhã Nam” - Nguyễn Huy Thiệp)
“Phút giây này” chính là thời khắc bông hoa nở ra với toàn bộ sắc hương, là thời khắc một con người tỏa sáng với toàn bộ giá trị sống, tất cả chỉ là một khoảnh khắc, một cơ hội, trong một cuộc đời hữu hạn. Nhận thức được điều ấy, con người khao khát được đem toàn bộ giá trị của mình đến với cuộc đời, khao khát tài năng và phẩm chất của mình được sống trong sự trân trọng của người khác. Người xưa đã có thể yên tâm rằng: “Hữu xạ tự nhiên hương”, thế nhưng cho đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn bị thúc giục bởi nhu cầu tìm cách chứng tỏ giá trị sống của mình với cuộc đời…
Người xưa đã sống với niềm tin chắc
chắn rằng tài năng lớn lao và cốt cách phi thường tất yếu sẽ được nâng niu và
trân trọng, sẽ tìm thấy cơ hội để tỏa sáng trong cuộc đời với toàn bộ giá trị: “Hữu
xạ tự nhiên hương” - tài năng ấy, cốt cách ấy, “hương thơm” ấy tất yếu sẽ tỏa
ngát trong cuộc đời, sẽ tìm thấy cơ hội để phát huy mọi giá trị, tô điểm cho cuộc
đời và “sống” trong sự trân trọng của người. Điều ấy đến một cách “tự nhiên” -
tự thân, không cần sự tác động từ bên ngoài, không cần bất kì một yếu tố nào
khác ngoài những năng lực, phẩm chất, giá trị, “hương thơm” sẵn có. Thế nhưng,
con người hiện đại lại sống trong một nhận thức khác: chúng ta có nhu cầu “xây
dựng hình ảnh bản thân” - chúng ta cảm thấy cần phải làm cho người khác biết đến
phẩm chất, năng lực, giá trị của mình, cần tạo điều kiện thuận lợi để giá trị của
bản thân được chú trọng bởi người khác. Người xưa tin rằng năng lực và phẩm chất
thực sự sẽ gặp được cơ hội để tỏa sáng. Con người thời nay lại cảm thấy cần phải
tự tạo cơ hội cho sự tỏa sáng ấy, phải làm cho năng lực và phẩm chất của mình
được người khác biết đến.
Tài năng to lớn khó lòng bị xã hội
bỏ qua. Trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt trong những thời kì hòa bình, ổn định,
trong những xã hội đang trên bước đường tiến tới văn minh, tài năng ấy, phẩm chất
ấy luôn có cơ hội để được tỏa sáng và nâng niu, trân trọng. Các triều đại trong
lịch sử đều khẳng định coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, các chính phủ, thậm
chí cả các tổ chức và doanh nghiệp cũng thường đề ra hàng loạt chính sách “đãi
ngộ nhân tài”. Trong những môi trường như vậy, tài năng và phẩm chất đáng trọng
dễ dàng tìm thấy cơ hội để nảy nở, để phát huy trọn vẹn mọi giá trị của mình. Tại
nước Ý thời Phục hưng, dưới sự ưu đãi của các nhà bảo trợ giàu có và quyền lực,
Michelangelo và Da Vinci vươn lên thành những đỉnh cao. Tại kinh thành Vienna của
văn chương và âm nhạc, tài năng của Mozart và Beethoven được tỏa sáng rực rỡ.
Ngay cả trong những thời kì kém thuận lợi hơn, tài năng vẫn có cơ hội để được
đánh thức, vươn lên và tỏa sáng giữa bóng tối, như một sức mạnh để cải tạo hoàn
cảnh. Chính trong sự cai trị tàn bạo của Taliban, Malala Yousafzai vươn lên trở
thành tiếng nói đại diện cho hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái không được đi học
tại quê hương cô, một tiếng nói với khát khao thay đổi cả thế giới… Chỉ cần
năng lực và phẩm chất còn trong con người như một thứ hương thơm, nó sẽ tìm thấy
cơ hội, sẽ được đánh thức để tỏa lan trong cuộc đời…
Nhưng tài năng cũng có thể sẽ ngủ
say, và cái Đẹp cũng sẽ bị tổn hại nếu bị lãng quên như cỏ mọc hoang, không được
ai biết tới, không được trân trọng và đánh giá đúng mức. Sự sống hữu hạn khiến
cho con người không thể chờ hàng nghìn thế kỉ trong bóng tối đến ngày mình được
người khác “phát hiện” ra. Hoàn cảnh ấy làm nảy sinh ở con người nhu cầu xây dựng
hình ảnh cho bản thân mình, tạo ra cơ hội, tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự tỏa
sáng của chính mình. Xã hội hiện đại làm con người ta sống trong những cuộc cạnh
tranh dữ dội giữa các giá trị để tranh giành vị trí trong cuộc đời. Đó là xã hội
của những người tiêu dùng, là nơi các doanh nghiệp phải tìm mọi cách chứng tỏ
giá trị sản phẩm của mình. Có một tác giả đã nói thẳng thừng: chúng ta là các
“nhãn hàng”, cần tìm cách “quảng bá” mình, phải tạo những điều kiện thuận lợi
nhất để giá trị của bản thân được đón nhận, phải tự tạo ra cơ hội, như cách
Picasso bỏ tiền thuê sinh viên đến từng hiệu tranh để hỏi: “Ở đây có bán tranh
của Picasso không?”
Nhưng tất cả những việc làm ấy đều
là chính đáng, khi chúng ta có trong mình những năng lực đang ngủ yên. Tài năng
ấy, phẩm chất ấy xứng đáng nhận được cơ hội, xứng đáng được nâng niu và trân trọng,
cần những điều kiện thuận lợi để phát triển đến tận cùng, tận độ. Cần phải nhắc
lại rằng: Michelangelo và Da Vinci, Mozart và Beethoven đều gặp những điều kiện
thuận lợi để thiên tài bẩm sinh trong họ được khai phá, được bồi dưỡng và nảy nở.
Xây dựng hình ảnh cho bản thân là cách để mỗi cá nhân tự tạo cho mình những điều
kiện thuận lợi như vậy, tự mở cho mình một con đường đi tới ánh sáng. Tại thị
trấn nọ, có một người đàn ông sống bằng nghề chơi piano trong quán rượu. Cuộc sống
của anh ta đã có thể cứ tiếp diễn đều đặn như vậy nếu một ngày nọ một ông khách
quên không đòi được nghe anh hát. Anh nhạc công piano ban đầu từ chối, anh vẫn
luôn tin rằng mình không biết hát. Nhưng sự bướng bỉnh của ông khách kia đã khiến
anh phải miễn cưỡng hát một bài. Và sau bài hát ấy, cuộc đời anh thay đổi hoàn
toàn. Anh là Nat King Cole - một ca sĩ đã bán được hàng triệu đĩa hát và được cả
tổng thống Mĩ mời đến biểu diễn. Tài năng vĩ đại ấy suýt chút nữa không bao giờ
được biết đến nếu không nhờ một chút may mắn. Bằng khả năng xây dựng hình ảnh
cho bản thân, chúng ta có khả năng tự tạo cho mình vận may ấy, với một chút tự
tin để phô bày năng lực của mình với người khác, với một chút chủ động, để ta tự
xem xét lại mình và biết được đâu là những tiềm năng đang ngủ quên…
Nhưng tất cả những hình ảnh tốt đẹp
ta tự tạo dựng cho mình đều có thể trở thành vô nghĩa và nực cười nếu chúng
không đi kèm với một giá trị tương xứng. Khi ấy những lời lẽ to lớn nhất sẽ biến
thành sự dối trá đến nực cười, nếu như không là biểu biện của sự ảo tưởng về
giá trị thực tế của bản thân. Khi ấy, chúng ta không những làm cho mình trở nên
tồi tệ, mà còn làm tổn thương lòng tin nơi người khác. Khi đại dịch qua đi và
những tấm màn che giấu sự thật bị vạch ra, chúng ta đã thấy sự thật xấu xí đằng
sau những hình ảnh đẹp đẽ được gán cho những chuyến bay “giải cứu” đồng bào, những
kit xét nghiệm… Và mọi hình ảnh đẹp đẽ đều trở thành vô nghĩa…
Người xưa chấp nhận một đời sống
chịu sự cương tỏa của “thiên mệnh”, chấp nhận sống trong những chức phận đã được
xã hội định sẵn. Điều này đem lại một sự yên tâm rằng tài năng đã được sắp đặt
sẵn cơ hội để tỏa sáng, để Lí Bạch có thể phóng túng: “Trời sinh ra ta có
tài ắt sẽ được trọng dụng/Ngàn vàng tiêu hết rồi sẽ có trở lại” (“Tương tiến
tửu”). Ngay cả khi tài năng và phẩm chất không có cơ hội được bộc lộ, con người
cũng đành ngậm ngùi chấp nhận mệnh trời: “Thời lai đồ điếu thành công dị/Vận
khứ anh hùng ẩm hận đa” (Đặng Dung). Nhưng thế giới của chúng ta ngày hôm
nay vẫn đang biến đổi, chuyển dịch từng giây phút một, chúng ta chưa biết hết
cuộc đời sẽ đưa mình tới những phương trời nào. Điều đó khiến chúng ta mất đi sự
yên tâm của người xưa, nhưng có được vị thế chủ động nắm giữ cuộc đời mình, có
sự tự tin để tiến về phía trước, kiến tạo giá trị mà bản thân mong muốn, tự nắm
bắt cơ hội cho sự tỏa sáng của chính mình.
Có những đoá hoa vẫn âm thầm luyện
sắc ủ hương trong bóng tối, chúng nở trong thầm lặng, vẻ đẹp ấy không ai biết đến,
nhưng có ngày sẽ lộ diện để chinh phục trái tim tất cả. Van Gogh vẫn miệt mài vẽ
khi tất cả mọi người vẫn chỉ thấy ở ông một kẻ điên rồ bất tài, để ngày hôm
nay, chúng ta đã trả lại cho ông vị trí của thiên tài mà ông xứng đáng. Trước
khi xây dựng hình ảnh của mình trong thế giới, những tài năng lớn có thể đã chờ
đợi rất lâu trong bóng tối. “Chờ” ở đây không có nghĩa là không làm gì cả, “chờ
đợi” là cho bản thân đủ thời gian và cơ hội để trưởng thành, để bồi đắp tài
năng và cốt cách, chờ ngày bừng nở trong cuộc đời. Đó không chỉ là hành trình của
trí tuệ và hiểu biết, mà còn là hành trình của bản lĩnh và can đảm, can đảm để
vươn tới ánh sáng từ trong bóng tối…
Nhờ đó, mặc cho những biến đổi của
thế giới, chúng ta, thầm lặng nhưng bền bỉ, vẫn luôn tiến về phía trước, trong
sự sống của ta có những giá trị vẫn đang chờ được tỏa sáng…
Bài viết của Mai Tuấn An, giải Ba HSGQG 2023/Nguồn dẫn: Cô Phan Tình)