1.
Trên thế gian này, là con người, đâu chẳng yêu hoa!
Nhưng Tết tới thì người Việt Nam mình cái sự yêu,
chơi hoa nơi ngựa xe như nước áo quần như nêm, bao giờ chả rộn ràng hơn.
Hà Nội của tôi những năm xa lắc ấy, nếp chơi hoa đào
và quất, vẫn để hai loài cây thả sức mà tung tăng đi đến từng nhà. Nhưng cũng
tuỳ cảnh, tuỳ người, chọn cho mỗi ai, mỗi gian phòng vui Tết, thưởng hoa, đào
to đào nhỏ, đào cắm hay đào cây, Hà Nội Tết Hoa vốn dĩ tuỳ cảnh tuỳ người?!
Nhà tôi cả thẩy bốn lần chuyển nhà trên phố phường; bốn lần là bốn chỉ số phòng khách và phòng ăn hay phòng làm việc khác nhau, để rồi Tết ấy, xuân ấy, định kì đến hẹn, cha tôi tha thẩn ở chợ hoa mà im lặng chọn ra cho mình một dáng, vừa vặn nơi ông dùng hoa làm duyên cho xuân, vui Tết. Có năm hoa đào vươn ra, hai vòng ôm không xuể; đào cắm mà rực rỡ no mắt cả nhà. Lâu quá rồi! Còn lại, hơn ba chục năm trên gác xép của ông chỉ là một cành đào khiêm tốn tới có thể. Sự tàn lụi của thời gian, có thể hẹp đi về kích cỡ, nhưng không thu hẹp tấm lòng hoa với người và, người với hoa. Chắc thế nên hôm nào, tôi cứ khoe mãi câu thơ mồ côi của Nguyễn Duy trước một cành đào thắm nhỏ cao vừa đúng bốn năm gang góc xép của ông: Hạnh phúc lớn vòng tay ôm không xuể. Tết mà! Lại năm ấy là đào mua ở hoa rong. Năm nay rét thế, mấy kẻ chợ bán hoa rong còn không? Có bán hoa được không?
Cha tôi thích tất cả các loài đào. Đào thắm ông thường
dùng năm lẻ, khi mà ai nam giới sinh ở năm lẻ, đều bị hợp sao tinh chiếu vào
làm âm (âm nam). Ông ví như xuân them lửa. xua cái khí lạnh, giữ xuân ấy thêm ấm
thêm nồng. Nhưng có lẽ ông yêu nhất, thứ đào phai. Tâm hồn hoạ sĩ của ông rung
động nhiều hơn khi rước hoa từ chợ về. Đốt gốc, mang cái cát-tút 105 li, mua ở
chợ trời Ha-le rồi bảo tôi đánh sạch: tự ông cẩn thận chèn cành đào đứng thẳng
giữa ống đồng sáng chói. Xuân đầy nụ, chớm hoa khoe cái màu hồng tưởng phai mà
chưa khi nào phai trước thời gian! ngắm đi con! Những giọt hoa đọng lại, lấp
lánh cơn mưa ông phun bằng cái máy xịt tay vẫn dùng xịt nước hành bảo quản
tranh Sơn dầu.
Đào phai loại cánh kép, phơn phớt trước Tết rồi qua
Tết, sang xuân mỗi bông tàn, chầm chậm nhả buông từng lớp cánh, dần dần rụng xuống
sàn đá lạnh. Và, một hôm bất chợt he hé cái mầm quả xanh, để theo sau Tết, hình
thành một trái Đào. Đào phai, từng bông nở chậm, khoe sắc ấm nồng cũng chầm chậm
từng lớp, phai dần ở lớp cánh đầu tiên, chứ không nở bừng ra màu đỏ thắm khoảnh
nhà, để mà tàn, úa rụng chốc lát, tan nát cả xuống đất một lần. Sự sống của hoa
đào phai cánh kép, làm ông gật gù bảo, cái kiếp một bông hoa, một loài cây,
dâng hiến cho đời từng lớp, từng lớp, cả mầu lẫn cánh… để cuối cùng hiện ra mầm
sống mới, tựa hệt như vòng luân hồi của kiếp con người.
2.
Trước Tết vài ngày, mẹ tôi cũng chọn chợ Đồng Xuân để
sắm hàng Tết. Rồi tới cận ba mươi mới ra đầu chợ Hôm mà mua hoa cúng. Người chủ
gia đình đàn ông đàn ang, sắm đào thì thôi quất. Người mẹ của chúng tôi lo hoa
cho bàn thờ tổ tong. Bà chọn từng cành Huệ rất cẩn thận. Những búp hoa trắng muốt
thoang thoảng hương thanh bạch, e ấp dấu mình trong kẽ xanh chỉ đợi hơi hương
khói là nhao ra trắng muôn muốt.
Bắt đầu từ chiều ba mươi tới tận hôm hoá vàng, những
bông huệ cứ âm thầm nhuộm một thứ hương như vậy loanh quanh bàn thờ. Có thay
hoa mới cho lọ lục bình cổ, với các đường gốm ngọc rạn nứt, thì vẫn là những
cành huệ, tươi mơn mởn, xanh như trước Tết, để khi nào cũng tinh khiết độc một
loài hương. Thay vì lòng thành với tổ tiên đa dạng nữa, bên kia là những đoá hồng
vàng hay thắm đỏ. Hoa cúng chọn cẩn trọng. Không cần to lắm, nhưng phải đều đặn
công phu.
Mẹ tôi chưa khi nào quên đĩa hoa cho chùa Hai Bà hay
chùa Vua gần đó. Thường là tháng ba mới rộ ngâu. Nhưng muốn tìm vẫn có. Nhũng
cành ngâu nhỏ, hoa vàng bé xíu, chín thoang thoảng, đặt bên những bông hồng
cũng nhỏ, cẩn thận xếp bày lên đĩa “cho hộ vào chiếc làn để mợ sớm mai mồng một
ra chùa”. Bông hồng thì nở, bông nhài thì thơm, hoa đại định hình từ lúc mới ra
bé xíu, móng rồng cũng vậy, cho tới sói, ngâu, mộc không nhìn rõ trong lớp lá,
phải tựa vào hương mới biết là hoa, đều gọi chung là chin. Ngâu vừa chin con
ơi. Cha tôi bảo.
3.
Thường là ở phòng khách bao giờ cũng có lọ hoa lớn.
Cha tôi rất thường đặt tại đó một bình violet. Mầu tím ngắt lốm đốm trong sắc
xanh nhọn chua chúa vươn lên từ cái bình gốm màu không chỉ ấm lòng bè bạn,
không chỉ cho khách xuân thực sự nào xuân. Cũng phải chọn đúng màu bình. Đừng lạnh
mà cũng không nóng quá, vì cái thứ pha màu giữa nơi đặt nó đứng đấy cũng nghiêm
cẩn làm sao. Đôi năm ông chơi cúc. Những đoá cúc đại đoá thường trầm tĩnh đứng
trong phòng tranh. Đại đoá mua tới hơn vài chục bông, phải hướng cho từng đoá
không chen nhau san sát để từng bông khoe hết vẻ đẹp riêng mình. Chơi cúc lâu
tàn. Nó giữ xuân ở lại miên man sau Tết, để Tết lặn vào những bức tranh khi hết
ngày rong chơi.
Anh tôi thì lại khác. Anh cứ thích giữa bàn nhà,
phòng chính một bình hoa nhiều loại. Dăm bông Đồng tiền. Vài cành đủ nụ đủ hoa,
đủ màu Thược dược. Giữa dăm loài hoa “quần chúng” ấy, dân dã ấy, anh tôi vẫn
dành lại, vượt lên là dăm cành vi-ô-lét, chắc là trọng cái nết yêu hoa của cha
tôi. Để ông và tôi cứ tủm tỉm cười với nhau, và tôi khi nhớ ra ngày Tết vẫn cười
đến tận giờ.
Vâng khi năm nay, bạn ơi - Hà Nội Hoa, tôi không về
hương Tết, hoa Tết và ngoài kia tuyết gió hai tuần gào rú thổi…
(Hà Nội hoa, Nguyễn Văn Thọ, trích 36 tạp văn, tuỳ
bút Hà Nội, Quốc Văn (Tuyển chọn), NXB Thanh niên,
2010, tr.248 - 252)
* Nguyễn Văn Thọ sinh năm 1948, quê thôn Đà, xã Quỳnh
Khê, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, hiện đang sống tại làng Ngọc Hà, quận Ba
Đình, thành phố Hà Nội, là một nhà văn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1988
sang Cộng hòa Dân chủ Đức làm Đội trưởng lao động và ở lại CHLB Đức sau khi nước
Đức thống nhất. Năm 2014, về định cư hẳn tại Hà Nội. Nguyễn Văn Thọ là một cây
bút vạm vỡ, tài hoa. Dù viết về đề tài nào, Nguyễn Văn Thọ cũng tạo được ấn tượng.
Ông viết nhiều thể loại, song thành công nhất với truyện ngắn.