…Anh nhắm mắt lại, nằm lặng ngóng, để xem cái tiếng
reo ở ngoài vườn vọng lại là tiếng gì mà đến bất thình lình và xôn xao như vậy.
Thì ra đó là tiếng reo của gió, của mây, của lá: chính trong khi ta đương mộng
về Tây Phàn với mấy cô nàng sơn cước, trời đã chuyển bất ngờ, đương nắng thành
râm, và chỉ trong khoảnh khắc, rét cuối chạp, đầu xuân đã về trên cánh gió, giữa
một khoảng trời tháng ba nắng ấm.
Cái tháng ba ở Bắc có những ngày huyền ảo như thế đấy.
Nếu là người thích ví von, anh có thể ví tháng ấy với một cô gái có sắc đẹp
nghiêng thành nghiêng nước.
Đẹp đến nghiêng nước nghiêng thành thì có quyền làm nũng như Dương Quý Phi làm nũng vua Đường Minh Hoàng: không đau răng cũng nhăn mặt cho thêm xinh, mà vì có đau răng thực thì phải ăn trái lệ chi mà quân sĩ phải rong ngựa đi năm sáu ngày trời mới mong kiếm được. Yêu Quý Phi quá, thì Quý Phi càng làm nũng, mà Đường Minh Hoàng lại càng sủng ái Quý Phi hơn. Thì người Bắc đối với tháng ba cũng vậy: yêu cái nắng ấm của tháng ba nhưng cũng yêu cái rét đột ngột của tháng ba, mà nếu ví dụ trong tháng ấy có ngày nào nắng chói chang làm cho “chó già le lưỡi” thì cũng cứ yêu luôn, yêu không kỳ quản. Người đẹp mà làm nũng thì lại càng đẹp hơn.
Tôi yêu tháng ba đất Bắc một phần vì thế và tôi
không muốn tin rằng cái rét tháng ba có thể làm cho “bà già chết cóng”. Tôi chỉ
thích nghĩ rằng cái rét đôi khi bất ưng trở về với tháng ba là một cái rét thơ
mộng, cái rét của một trời đầy hương và ngát hoa, trong đó có những chàng trai
mặc quần đỏ ngồi bên án sách ngâm thơ, nhưng gặp lúc ngửa nghiêng thì:
Xếp bút nghiên theo việc đao cung...
…
Giã nhà đeo bức chiếc bào,
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu…
…và những người đàn bà thủ tiết chờ chồng và than
khóc chính mình:
Nước chảy mà phiền chẳng rửa,
Cỏ có thơm mà dạ chẳng nguôi…
…
Trông chàng lòng rượi rượi buồn,
Bộ khôn bằng ngựa, thuỷ không bằng thuyền.
Nàng Bân cũng thuộc vào loại chinh phụ
đó.
Thương người ở bên trời, ngay từ khi giá rét bắt đầu,
nàng đã lo gửi áo rét cho chồng, nhưng…
Nàng Bân may áo cho chồng,
May ba tháng ròng mới được cửa tay,
Lạy trời cho cả heo may,
Nàng Bân chết quách đêm nay cho rồi
May ba tháng trời mới được có một cái cửa tay, người
chinh phụ ấy hẳn là buồn quá cho nên thấy gió rét bất ưng trở về tháng ba,
thương người quan tái, không kịp có áo gửi đi, nàng cầu trời cầu phật cho nàng
chết quách.
Hỡi ơi, ở đời này, vào bất cứ thời nào, lại chẳng có
hàng triệu nàng Bân! Vì thế nhà thi sĩ không thể không gieo một vần đầy lệ:
Chàng bên trời, thiếp ở Ngô,
Chàng đi nhớ thiếp, thiếp mơ tới chàng.
Thư bao nhiêu, lệ bao hàng,
Lạnh về, áo đến tay chàng hay chưa?
Riêng cái tên mà người ta đặt cho cái rét muộn màng
đó đã thơ mộng lắm rồi: rét nàng Bân. Nhưng có ai đã từng rét cái rét ấy, sầu
cái sầu ấy đôi lần, tất đều nhận thức rằng cái rét ấy còn chứa đựng một cái gì
đẹp như thế hay hơn thế: đàn bà, con gái trời đã cho xinh đẹp gặp cái rét nàng
Bân tự nhiên đẹp trội hẳn lên, như thể có một chiếc đũa thần làm biến đổi cả
máu huyết, màu da, con mắt, miệng cười, tiếng nói. Từ xa, ta cảm thấy người nào
cũng thơm thơm như những nụ tầm xuân….
(Trích Thương nhớ mười hai,
Vũ Bằng tuyển tập, NXB Văn học, 2012, tr. 195-197)